Gần như tất cả các quốc gia trên thế giới đều đang vật lộn tìm cách mở cửa trở lại nền kinh tế một cách an toàn, trong khi tiếp tục chiến đấu với Covid-19. Tuy nhiên, một số nước đang làm tốt hơn những nước khác, Politico đánh giá. nCoV đã lây lan tới nhiều quốc gia ở những thời điểm khác nhau và mỗi nước, vùng lãnh thổ lại có cách phản ứng khác nhau phụ thuộc vào hệ thống y tế, chính trị cũng như nền kinh tế của họ. Mặc dù những điểm sáng le lói xuất hiện, đa phần mọi quốc gia, vùng lãnh thổ đều có bức tranh tổng quan phức tạp.
Politico đã lập biểu đồ hiệu suất của 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đi đầu trong công tác chống dịch dựa trên kết quả kinh tế và sức khỏe cộng đồng ở từng nơi. Họ được phân nhóm dựa trên việc họ đã áp dụng những biện pháp hạn chế nhẹ, trung bình hay nghiêm ngặt đối với thương mại và tương tác xã hội.
Theo biểu đồ, Việt Nam là nước đứng đầu về chống dịch thành công. "Là một nước đông dân nhưng Việt Nam không ghi nhận ca tử vong nào, với khoảng 300 ca nhiễm được báo cáo trong tổng số 95 triệu dân. Nền kinh tế Việt Nam được dự đoán tăng trưởng 2,7% trong năm 2020, đưa Việt Nam trở thành nước ứng phó thành công nhất với Covid-19 trên toàn cầu", báo Mỹ nhận định.
Xếp ngay dưới Việt Nam là Trung Quốc. Politico cho rằng Trung Quốc có tỷ lệ tử vong vì nCoV tương đối thấp, chỉ 3/1.000.000, so với 287/1.000.000 ở Mỹ hay 793/1.000.000 ở Bỉ. Đây cũng là nước đầu tiên xóa bỏ được các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn nCoV lây lan, qua đó tạo động lực thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn mắc kẹt với tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất trong vòng 40 năm qua (1,2%), đồng thời đang đối mặt với các cáo buộc che giấu mức độ nghiêm trọng của Covid-19 khi dịch mới bùng phát.
Mỹ, Anh, cùng một số quốc gia châu Âu khác như Tây Ban Nha, Italy, Pháp, Bỉ, Nga... nằm trong nhóm bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 trên cả phương diện kinh tế lẫn sức khỏe cộng đồng.
Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới về cả số ca tử vong lẫn số ca nhiễm. Với hơn 38 triệu người đã nộp đơn xin thất nghiệp và hàng triệu người thiếu bảo hiểm y tế, tình hình tại Mỹ càng trở nên phức tạp hơn bởi những xung đột chính trị và năng lực xét nghiệm nCoV. Khả năng xét nghiệm của Mỹ đang gia tăng nhưng vẫn chưa thực sự tương xứng với quy mô dân số, Politico nhận định.
Với Anh, việc chậm chạp áp dụng các biện pháp cách biệt cộng đồng là nguyên nhân chính khiến nước này trở thành quốc gia có số ca tử vong đứng thứ hai thế giới. Dù vậy, thu nhập của người lao động Anh được bảo vệ nhờ một gói cứu trợ hào phóng từ chính phủ, do đó, tỷ lệ thất nghiệp vẫn đứng ở mức một con số.
Ma trận Politico xếp hạng các nước nhờ tổng hợp nhiều dữ liệu khác nhau như số ca nhiễm, ca tử vong, hiệu suất kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp hay những chính sách của chính phủ.
Vũ Hoàng (Theo Politico)