Lữ đoàn Xung kích Đường không số 79 Ukraine ngày 21/6 đăng video quay bằng máy bay không người lái (UAV) trinh sát, cho thấy một tổ hợp phòng không tầm ngắn Osa của Nga ở giữa cánh đồng. "Đối phương triển khai hệ thống Osa giữa ban ngày vì họ phát hiện UAV Ukraine trên bầu trời", lực lượng này cho biết.
Tổ hợp Osa khai hỏa một tên lửa phòng không dẫn đường về phía UAV trinh sát Ukraine, song không trúng mục tiêu, chiếc UAV vẫn tiếp tục hoạt động bình thường. Gần như ngay sau đó, một thiết bị bay không người lái góc nhìn thứ nhất (drone FPV) tự sát đã lao vào tổ hợp Osa và tạo ra cột khói nhỏ, cho thấy đòn tập kích dường như đã gây cháy.
Lữ đoàn 79 tuyên bố đã "phá hủy" tổ hợp Osa, song chưa có video, hình ảnh xác nhận thông tin. Lữ đoàn này không tiết lộ đã sử dụng mẫu UAV trinh sát nào, song lực lượng Ukraine gần đây hay sử dụng UAV "Cá mập" có chiều dài 1,65 mét, sải cánh 3,4 mét để làm nhiệm vụ này.
Bộ Quốc phòng Nga chưa đưa ra bình luận.
Tổ hợp phòng không Osa bắt đầu được phát triển từ năm 1960 và đưa vào biên chế quân đội Liên Xô hồi năm 1971, có trọng lượng 18 tấn, chiều dài 9 mét, kíp chiến đấu 5 người. Đây là tổ hợp phòng không đầu tiên của Liên Xô được tích hợp radar điều khiển hỏa lực trên xe phóng đạn, giúp mỗi xe trở thành một ổ hỏa lực độc lập.
Nó được trang bị 6 tên lửa mang đầu dò radar, thường phóng theo loạt hai quả với tỷ lệ trúng đích 55-85%. Đạn của biến thể mới nhất có tầm bắn hơn 10 km. Mỗi tổ hợp có giá ước tính 4-10 triệu USD.
Một số tài khoản mạng xã hội ủng hộ Ukraine nhận định UAV trinh sát Ukraine dường như quá nhỏ để kích hoạt đầu dò cận đích trên đạn phòng không của tổ hợp Osa.
Sergey Makarenko, giáo sư tại Đại học Kỹ thuật điện St. Petersburg của Nga, năm ngoái cho biết lực lượng phòng thủ của Moskva "gần như không thể" bắn trúng những chiếc UAV có kích thước nhỏ bằng các vũ khí hiện có.
Ukraine đã nhiều lần triển khai drone tập kích tổ hợp Osa của Nga trong cuộc xung đột. Tiểu đoàn Không vận số 90 Ukraine hồi giữa tháng đăng video liên tiếp lái drone tấn công hệ thống phòng không Osa của đối phương, dù nó đã được lực lượng Nga cất kỹ trong garage có cửa sắt che chắn, tạo ra vụ hỏa hoạn lớn.
Oryx, trang phân tích thông tin có trụ sở tại Hà Lan, cho biết Nga đã mất tổng cộng 24 tổ hợp Osa từ đầu chiến sự do bị phá hủy, hư hại hoặc tịch thu.
Phạm Giang (Theo Militarnyi)