Italy đang điều trị tại bệnh viện cho hơn 28.000 bệnh nhân nCoV, trong đó hơn 4.000 người trong phòng chăm sóc tích cực. Các giường bệnh cần được giải phóng càng sớm càng tốt và chính phủ ra chính sách chuyển những người không thể hồi phục bằng cách ly tại nhà đến các viện dưỡng lão hoặc khách sạn được trưng dụng.
Covid-19 đã xâm nhập vào các viện dưỡng lão trên toàn Italy và được xem là "vụ thảm sát thầm lặng". Hàng trăm người được cho là đã chết vì dịch bệnh. Riêng tại thành phố Bergamo ở vùng Lombardy, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, hơn 600 người đã tử vong vì Covid-19. Giới chuyên gia cho rằng không thể biết số liệu chính xác bởi nhiều nạn nhân chưa được xét nghiệm, đồng thời bày tỏ lo ngại sâu sắc về sự an toàn của 300.000 người tại 7.000 viện dưỡng lão ở Italy.
"Trong cuộc chiến như thế này, chúng ta không thể đặt chính mình vào nguy hiểm trước nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh, biến các viện dưỡng lão thành bom sinh học phát tán virus", Raffaele Antonelli Incalzi, người đứng đầu Hiệp hội Lão khoa Italy SIGG nói. "Sử dụng rộng rãi giường chăm sóc tại viện dưỡng lão để giảm áp lực cho bệnh viện sẽ khiến người già có nguy cơ mắc bệnh và họ là mắt xích yếu nhất trong đại dịch này".
SIGG cho biết khoảng 2.000 bệnh nhân đã được chuyển đến các viện dưỡng lão tại Lombardy. Số lượng bệnh nhân được chuyển đến các viện dưỡng lão trên toàn quốc chưa được thống kê.
Matteo Villa, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chính trị Italy (ISPI), hôm 30/3 nói rằng dữ liệu khu vực cho thấy một tỷ lệ đáng kể những người xuất viện vẫn còn nhiễm virus. Chính phủ cho biết quy tắc nghiêm ngặt áp dụng cho các cơ sở có thể được sử dụng để đảm bảo không xảy ra lây nhiễm, từ khoảng cách vật lý đến đào tạo nhân viên và trang bị cho họ thiết bị bảo hộ.
"Nhưng ai sẽ kiểm tra các quy tắc được thực hiện?" Marco Agazzi, chủ tịch chi nhánh Bergamo của Hiệp hội Bác sĩ Quốc gia Italy, cho hay. "Có rất nhiều khó khăn trong tiếp cận thiết bị bảo hộ, và nếu không thể tuyển dụng được nhân viên mới, đồng nghĩa với việc lấy đi các nhân viên quan trọng tại cơ sở đã quá tải. Quyết định của chính phủ cực kỳ khó hiểu".
Roberto Bernabei, giáo sư lão khoa tại Đại học Công giáo ở Rome, cho biết các quy định tại viện dưỡng lão là "vùng xám, bởi chúng khác nhau từ cơ quan y tế địa phương tới thành phố, khu vực".
Viện Y tế Quốc gia Italy cho biết 86% viện dưỡng lão được khảo sát cho biết họ gặp khó khăn về thiết bị bảo hộ, trong khi 36% đang vật lộn do nhân viên nghỉ ốm.
Người thân mang cho nhân viên những chiếc khẩu trang tự chế và áo choàng thông thường với hy vọng những vật này sẽ ngăn họ nhiễm virus và lây sang người thân, nhiều người trong số họ ở độ tuổi 80 và 90, SIGG cho hay. Công đoàn hưu trí kêu gọi các khách sạn, ký túc xá hoặc doanh trại quân đội nên được sử dụng thay thế viện dưỡng lão.
Italy là vùng dịch lớn thứ hai thế giới nhưng là quốc gia ghi nhận ca tử vong lớn nhất với hơn 105.000 ca nhiễm và gần 12.500 ca tử vong. Chính phủ Italy đã áp lệnh phong tỏa toàn quốc ba tuần trước, ảnh hưởng cuộc sống của 60 triệu người.
Biện pháp phong tỏa dường như đang phát huy hiệu quả, song chuyên gia Villa cảnh báo áp lực với bệnh viện chỉ giảm chậm và rất có thể tăng trở lại khi lệnh phong tỏa được dỡ bớt, đồng nghĩa các giường tại viện dưỡng lão vẫn được sử dụng.
"Thật phi thực tế khi cho rằng sẽ không có bất kỳ khoảnh khắc căng thẳng nào đối với hệ thống y tế", ông nói.
Huyền Lê (Theo AFP)