Ngày 13/3, phiên xét xử bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) tiếp tục với phần thẩm vấn của các luật sư đối với một số bị cáo là cựu lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) về các sai phạm tại ngân hàng này.
Là người bào chữa cho bị cáo Trương Khánh Hoàng, cựu tổng giám đốc SCB, luật sư Nguyễn Văn Quynh hỏi bà Trương Mỹ Lan có hay không nhiều lần cho thân chủ tiền trong các dịp lễ Tết và 10 triệu cổ phần trị giá 100 tỷ đồng?. Bà Lan nói "có cho, nhưng không nhớ là bao nhiêu", đồng thời xin HĐXX được giải thích thêm rằng, trước khi niêm yết cổ phiếu SCB lên sàn chứng khoán bà có cho toàn thể nhân viên cổ phần của mình, không chỉ Hoàng mà nhiều người khác, bao gồm cả bảo vệ, nhân viên vệ sinh.
"Bị cáo nghĩ cả đời họ theo ngân hàng, có người tới 20 năm, rất cực khổ. Cổ phần này là của bạn tôi, họ đi nước ngoài nên tôi mua lại chứ không phải của SCB. Việc phân bổ do người phụ trách hành chính của SCB thực hiện, bị cáo chỉ biết cho. Do Hoàng có chức vụ nên có thể được nhiều hơn", bà Lan nói, thêm rằng "vì số cổ phần này rất nhỏ đối với mình nên cũng không có gì chứng minh".
Trả lời luật sư bào chữa sau đó, bị cáo Trương Khánh Hoàng, cho biết làm việc tại SCB từ năm 2019 đến khoảng tháng 6 năm 2022 thì làm đơn xin nghỉ việc, nhưng đến tháng 8 mới có quyết định chính thức. Lý do nghỉ việc là bị áp lực lớn và "cuốn vào vòng xoáy" nhiều quá.
Đối với 10 triệu cổ phần được bà Lan cho khi đã nghỉ việc, Hoàng nói: "Bà Lan muốn thưởng cho công sức bị cáo gắn bó với SCB. Lúc đó, bà Lan nói SCB chuẩn bị chuyển nhượng cho nước ngoài nên cho".
Số cổ phần này Hoàng đã bán bớt, còn lại 9,82 triệu xin tự nguyện nộp lại cùng với phần mua thêm 300.000 cổ phiếu để khắc phục thiệt hại.
Cáo trạng thể hiện, bà Lan tuyển chọn người vào những vị trí lãnh đạo chủ chốt tại SCB, trả lương 200-500 triệu đồng mỗi tháng và tặng thưởng tiền, cổ phần SCB để "thu phục". Những cánh tay đắc lực như cựu chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Thu Sương, Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng và cựu tổng, phó tổng giám đốc Võ Tấn Hoàng Văn, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung đã giúp bà Lan rút ruột của SCB hơn 1.066.600 tỷ đồng trong 10 năm.
Trong đó, bà Lan bị cáo buộc chiếm đoạt của SCB đặc biệt lớn, lên đến 304.096 tỷ đồng. Đây là tiền người dân, khách hàng gửi. Hiện, ngân hàng không thể chi trả và còn phát sinh lãi hơn 129.372 tỷ đồng. Như vậy, bà Lan đã gây thiệt hại tổng cộng hơn 498.000 tỷ đồng.
Trương Khánh Hoàng bị cáo buộc giúp bà Lan rút hàng trăm nghìn tỷ đồng trái luật khỏi SCB, bị truy tố về tội Tham ô tài sản với vai trò đồng phạm của bà Lan. Bị cáo làm việc tại SCB trong gần 3 năm với các chức vụ Phó tổng giám đốc phụ trách Khối tái thẩm định; Phó tổng giám đốc Thường trực phụ trách quản lý Khối doanh nghiệp và quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB (từ tháng 5/2021 đến tháng 8/2022).
Cơ quan công tố xác định, từ 2019 đến 2021, Hoàng đã ký 253 tờ trình tái thẩm định, 349 biên bản họp Hội đồng Kinh doanh và Đầu tư hội sở, 39 tờ trình của Tổng giám đốc, trình HĐQT đồng ý cho 270 khách hàng là cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát vay tiền SCB.
Đến ngày 17/10/2022 (khởi tố vụ án) các khoản vay này còn dư nợ hơn 285.000 tỷ đồng. Sau khi cấn trừ giá trị tài sản đảm bảo, các khoản vay này còn nợ gần 183.000 tỷ đồng nợ gốc và gây thiệt hại cho SCB 65.000 tỷ đồng tiền lãi. Hành vi của Hoàng bị xét xử về tội Tham ô tài sản
Trong thời gian làm việc tại SCB, ngoài mức lương được trả 130-500 triệu đồng mỗi tháng, vào các dịp lễ, Tết, Hoàng còn được bà Lan thưởng nhiều lần, tổng cộng 5 tỷ đồng. Hoàng dùng 3 tỷ đồng để mua cổ phiếu SCB, còn 2 tỷ đồng sử dụng vào mục đích cá nhân. Năm 2021, Hoàng còn được Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho 300.000 cổ phần SCB (tương đương 3 tỷ đồng) và 10 triệu cổ phần (tương đương 100 tỷ đồng) vào tháng 7 năm 2022. Số cổ phần này Hoàng để vợ và bố mẹ vợ đứng tên. Quá trình điều tra, Hoàng xin được nộp lại toàn bộ để khắc phục hậu quả của vụ án.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục với phần các luật sư xét hỏi.
Hải Duyên