Tại phiên tòa dự kiến kéo dài hai tháng, bắt đầu từ ngày 5/3, Trương Khánh Hoàng (38 tuổi, nguyên quyền tổng giám đốc SCB); bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 84 người khác bị xét xử về hàng loạt tội danh liên quan đến sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Trong các bị cáo có 45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước. Ngoài ra, 5 bị cáo là cựu lãnh đạo SCB và các chi nhánh, hiện đã bỏ trốn, bị xét xử vắng mặt.
Trương Khánh Hoàng bị cáo buộc giúp cho bà Lan rút hàng trăm nghìn tỷ đồng trái luật khỏi SCB, bị truy tố về tội Tham ô tài sản với vai trò đồng phạm của bà Lan. Bị cáo làm việc tại SCB từ tháng 9/2019 đến tháng 8/2022, với các chức vụ Phó tổng giám đốc phụ trách Khối tái thẩm định; Phó tổng giám đốc Thường trực phụ trách quản lý Khối doanh nghiệp và quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB (từ tháng 5/2021 đến tháng 8/2022).
Theo cáo trạng được đại diện VKS công bố tại tòa, Hoàng được bà Lan triệu tập tham gia nhiều cuộc họp lãnh đạo cấp Hội sở của SCB, chỉ đạo duyệt phương án cho vay đối với nhiều công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.
Sau khi nhận lệnh, Hoàng trao đổi với Trần Thị Mỹ Dung (khi đó là Phó tổng giám đốc SCB) để chỉ đạo và giao cho các bộ phận chuyên môn thực hiện hồ sơ vay và trình Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc SCB) phê duyệt. Sau đó lãnh đạo cấp Hội sở sẽ triển khai phương án, các bước thực hiện để cấp dưới hoàn thiện hồ sơ, thủ tục giải ngân cho kịp thời gian bà Lan ấn định. Hồ sơ về tài sản đảm bảo được hoàn thiện sau.
Các khoản vay của bà Lan sẽ không có bộ phận kiểm tra vốn vay mà do Mỹ Dung chỉ đạo cấp dưới theo dõi. Khi đến hạn, họ tự phối hợp với nhóm Vạn Thịnh Phát để làm các thủ tục, phương án tất toán.
Cơ quan công tố xác định, từ 2019 đến 2021, Hoàng đã ký 253 tờ trình tái thẩm định, 349 biên bản họp Hội đồng Kinh doanh và Đầu tư hội sở, 39 tờ trình của Tổng giám đốc, trình HĐQT đồng ý cho 270 khách hàng là các nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát vay tiền SCB.
Đến ngày 17/10/2022 (khởi tố vụ án) các khoản vay này còn dư nợ hơn 285.000 tỷ đồng. Sau khi cấn trừ giá trị tài sản đảm bảo, các khoản vay này còn nợ gần 183.000 tỷ đồng nợ gốc và gây thiệt hại cho SCB 65.000 tỷ đồng tiền lãi.
Trong đó, Hoàng đã lập tờ trình, duyệt hồ sơ cho 59 công ty thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát vay hàng chục nghìn tỷ đồng. Các khoản này đều có chung tài sản đảm bảo là Dự án Mũi đèn đỏ - là tài sản hình thành trong tương lai, chưa được cấp cuối cùng (Thủ tướng) phê duyệt.
Làm việc với cơ quan điều tra, Hoàng thừa nhận, biết rõ các khoản vay của bà Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đều trái quy định của pháp luật nhưng vì "được cho tiền nhiều lần và được trả mức lương rất cao" nên đã thực hiện theo chỉ đạo.
Cụ thể, Hoàng được trả lương 130-500 triệu đồng mỗi tháng. Vào các dịp lễ, Tết, Hoàng còn được bà Lan thưởng nhiều lần, tổng cộng 5 tỷ đồng. Hoàng dùng 3 tỷ đồng để mua cổ phiếu SCB, còn 2 tỷ đồng sử dụng vào mục đích cá nhân.
Ngoài ra, năm 2021, Hoàng còn được Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho 300 nghìn cổ phần SCB (tương đương 3 tỷ đồng) và 10 triệu cổ phần (tương đương 100 tỷ đồng) vào tháng 7 năm 2022. Số cổ phần này Hoàng để vợ và bố mẹ vợ đứng tên. Quá trình điều tra, Hoàng xin được nộp lại toàn bộ số cổ phần trên để khắc phục hậu quả của vụ án.
"Ai vào điều kiện như vậy cũng phải thực hiện theo chỉ đạo của bà Lan. Nếu không làm theo sẽ bị thay thế, mất thu nhập. Hơn nữa, mọi lãnh đạo của SCB đều chịu sự chi phối của bà Lan", Hoàng khai với cơ quan điều tra.
Đến ngày 12/8/2022, Hoàng quyết định xin nghỉ việc vì "lo sợ những hành vi trái pháp luật của mình có nguy cơ bị xử lý". Hai tháng sau, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án và lần lượt bắt tạm giam hàng loạt người liên quan đến các sai phạm tại Vạn Thịnh Phát và SCB.
Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc sử dụng SCB như một công cụ tài chính để huy động vốn, sau đó làm khống hồ sơ rút tiền phục vụ hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Dù không nắm chức vụ gì tại SCB, song với việc nắm giữ 91,5% cổ phần, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát đã chi phối, lũng đoạn chỉ đạo toàn bộ hoạt động ngân hàng. Trong 10 năm liên tiếp (từ 2012 đến 2022), SCB đã giải ngân cho nhóm bà Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng - chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng. Đến năm 2022, nhóm bà Lan còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.
Với sự giúp sức tích cực của nhiều lãnh đạo chủ chốt của SCB, bà Lan đã chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng của ngân hàng. Cùng với các sai phạm từ năm 2017 trở về trước, bà Lan và đồng phạm gây thiệt hại cho SCB tổng cộng 498.000 tỷ đồng.
Bà Lan bị xác định là người chủ mưu cầm đầu trong vụ án, bị truy tố về ba tội Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và Tham ô tài sản.
Những người còn lại bị xét xử về các tội: Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.
Riêng bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) bị xác định tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trong ngày đầu xét xử, TAND TP HCM cho biết sẽ tạo điều kiện cho các luật sư được tiếp xúc với thân chủ trong thời gian giải lao, song phải đảm bảo sức khoẻ cho các bị cáo do phiên tòa kéo dài. Bị cáo nào không đủ sức khoẻ tham gia phiên tòa cần thông báo cho HĐXX hoặc thông qua luật sư gửi văn bản để được xem xét.
Đối với bị cáo Chu Lập Cơ (68 tuổi, chồng bà Lan), tòa sẽ tạo điều kiện cho luật sư được tiếp xúc với thân chủ trong thời gian diễn ra phiên tòa. Tuy nhiên, các buổi làm việc này phải có sự giám sát của điều tra viên Bộ Công an.
Hiện, VKS chưa công bố xong cáo trạng.
Hải Duyên