Sau cuộc gặp với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ở Dublin ngày 12/4, Thủ tướng Ireland Simon Harris cho biết nước này muốn phối hợp với Tây Ban Nha và các quốc gia châu Âu khác nhằm sớm công nhận nhà nước Palestine ở Liên Hợp Quốc.
"Chúng tôi muốn cùng càng nhiều nước càng tốt đưa ra quyết định này nhằm tăng sức nặng và phát đi thông điệp mạnh nhất. Người dân Israel xứng đáng có một tương lai hòa bình, an toàn và người dân Palestine cũng thế. Chủ quyền bình đẳng, được tôn trọng như nhau, trong một khu vực nơi những người thuộc mọi tín ngưỡng, phong tục chung sống hòa bình với nhau", ông Harris nói.
Ireland và Tây Ban Nha sẽ cùng nhau nêu vấn đề công nhận nhà nước Palestine tại hội đồng châu Âu tuần tới, hai lãnh đạo cho biết.
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Sanchez thăm Olso, nơi người đồng cấp Na Uy Jonas Gahr Store cũng tuyên bố Na Uy sẵn sàng cùng "các quốc gia cùng chí hướng" công nhận nhà nước Palestine.
Ông Sanchez cho biết Tây Ban Nha muốn công nhận Palestine "càng sớm càng tốt", như một cách tạo động lực cho tiến trình hòa bình ở Dải Gaza, khẳng định các nước sẵn sàng ra tuyên bố "khi có điều kiện thích hợp".
Hiện mới chỉ có 8 trong số 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU) công nhận nhà nước Palestine, gồm Ba Lan, Bulgaria, Romania, Hungazy, Czech, Slovakia, Thụy Điển và Cyprus.
Nếu Ireland, Tây Ban Nha, Na Uy ra quyết định mới, số thành viên EU công nhận nhà nước Palestine sẽ tăng lên 11. Tuy nhiên, khối EU đến nay chưa thực hiện điều này, bất chấp nhiều áp lực ngoại giao.
Một số thành viên quyền lực nhất EU, trong đó có Pháp và Đức, cho rằng nhà nước Palestine chỉ nên được công nhận như một phần của giải pháp "hai nhà nước" với Israel.
Tuyên bố mới của Tây Ban Nha, Na Uy và Ireland được đưa ra trong bối cảnh chỉ trích quốc tế liên quan đến chiến sự ở Dải Gaza nhằm vào Isreal ngày càng tăng.
Những lo ngại về thương vong, nạn đói, thiệt hại hạ tầng ở Gaza khiến nhiều quốc gia châu Âu thay đổi quan điểm, xem xét khả năng công nhận tư cách nhà nước Palestine. 139/193 thành viên Liên Hợp Quốc đã công nhận nhà nước Palestine.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bác kế hoạch quốc tế công nhận nhà nước Palestine, cho rằng ý tưởng này sẽ "mang lại phần thưởng lớn cho Hamas".
Mỹ hôm 3/4 tuyên bố phản đối Palestine trở thành thành viên đầy đủ của Liên Hợp Quốc, nói thêm rằng chỉ ủng hộ tư cách nhà nước thành viên của Palestine sau khi họ đàm phán với Israel.
Trong hiệp định Oslo được ký năm 1993, Israel và Palestine nhất trí với giải pháp "hai nhà nước", trong đó hai bên công nhận quyền tồn tại của nhau. Tuy nhiên, quá trình đàm phán thực hiện hiệp định đình trệ kể từ khi Hamas lên nắm quyền ở Dải Gaza năm 2007. Xung đột lên đến đỉnh điểm với cuộc đột kích của Hamas vào lãnh thổ Israel hôm 7/10 và chiến dịch đáp trả vào Dải Gaza sau đó của Tel Aviv.
Đức Trung (Theo Reuters, Guardian)