Trong buổi họp báo ở Gliwice, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki ngày 29/7 cho biết nhóm 100 lính Wagner di chuyển đến thành phố Grodno của Belarus, nằm gần biên giới với Ba Lan. Ông không tiết lộ nguồn tin ghi nhận hành tung của nhóm lính Wagner.
"Tình hình ngày càng nguy hiểm. Nhiều khả năng thành viên Wagner sẽ giả dạng làm biên phòng Belarus và hỗ trợ người nhập cư trái phép xâm nhập lãnh thổ Ba Lan gây rối. Cũng có nguy cơ họ giả làm người nhập cư trái phép để vào Ba Lan", ông Morawiecki bình luận.
Trong khi đó, Anton Motolko, người sáng lập dự án Hajun giám sát hoạt động quân sự trong Belarus, nói nhóm chưa thu thập được bằng chứng nào cho thấy lính Wagner tiếp cận Grodno.
Thành phố phía tây Belarus mang ý nghĩa chiến lược do nằm gần vùng Suwalki, dải đất nối giữa Belarus và vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga. Vùng Suwalki chạy dọc theo đường biên giới Ba Lan - Litva.
Trong tháng 7, Ba Lan đã chuyển thêm 1.000 quân đến khu vực phía đông nước này, lo ngại tình hình biên giới diễn biến phức tạp hơn khi tổ chức quân sự tư nhân Wagner hiện diện ở Belarus.
Yevgeny Prigozhin, trùm Wagner, tuyên bố lực lượng dưới quyền sẽ không tiếp tục tham gia chiến sự tại Ukraine. Ông hoan nghênh các thành viên Wagner đến Belarus huấn luyện và củng cố tiềm lực cho các hoạt động tại châu Phi. Một số thành viên Wagner đã đến thao trường lữ đoàn lính dù 38 của Belarus, ngoại ô thành phố Brest, gần biên giới Ba Lan.
Lực lượng Wagner tới Belarus sau vụ nổi loạn ngày 24/6, tham gia một số hoạt động huấn luyện và diễn tập với quân đội nước này ở gần biên giới. Tổng thống Alexander Lukashenko đã đề nghị Wagner hỗ trợ bảo vệ Belarus "ngay khi có yêu cầu".
Năm 2021, EU cáo buộc Belarus kích động cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới, tạo điều kiện cho hàng chục nghìn người từ Trung Đông, châu Á và châu Phi đến Ba Lan để vào khối, nhằm trả đũa lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Minsk. Belarus bác bỏ cáo buộc.
Cả Ba Lan và Litva đều dựng hàng rào ở biên giới với Belarus và Nga, cáo buộc Minsk và Moskva điều phối dòng người di cư vào EU nhằm gây bất ổn cho khối.
Trong khi đó, Minsk hồi tháng 4 cáo buộc Ba Lan "chứa chấp" những người Belarus lưu vong "đang huấn luyện cho một cuộc nổi dậy ở quê nhà". Chính phủ Belarus cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ những người này, đồng thời cáo buộc họ cũng được huấn luyện ở Ukraine, Latvia, Litva và Cộng hòa Czech.
Thanh Danh (Theo Reuters)