Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước TVP hôm 15/2, khi được hỏi về khả năng thành lập "quân đội châu Âu", Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cho rằng nên thận trọng với cụm từ này vì "mọi người hiểu theo những cách khác nhau".
"Nếu hiểu theo nghĩa là hợp nhất quân đội các quốc gia, thì điều đó sẽ không diễn ra. Tuy nhiên, tôi luôn ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) nói riêng và châu Âu nói chung phát triển năng lực phòng thủ của riêng mình", ông cho hay.
Ông cũng tái khẳng định Ba Lan sẽ không xem xét khả năng triển khai lực lượng đến Ukraine, nhấn mạnh nghĩa vụ của Ba Lan đối với NATO là "bảo vệ sườn đông liên minh, tức lãnh thổ của chính chúng tôi".

Ngoại trưởng Radoslaw Sikorski tại Berlin, Đức ngày 17/1. Ảnh: AFP
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đó kêu gọi thành lập quân đội châu Âu, cho rằng châu lục này không còn chắc chắn được Mỹ bảo vệ và sẽ chỉ được tôn trọng nếu có quân đội mạnh.
"Quân đội châu Âu" là khái niệm thành lập một lực lượng quân sự thống nhất, đại diện cho toàn bộ châu Âu, thay vì quân đội của các quốc gia riêng biệt.
Theo ông Zelensky, thành lập quân đội châu Âu, trong đó có sự tham gia của Ukraine, là cần thiết để "tương lai của lục địa này chỉ phụ thuộc vào người châu Âu và các quyết định về người châu Âu sẽ được đưa ra tại châu Âu".
Chính quyền Tổng thống Donald Trump những ngày gần đây bày tỏ hy vọng châu Âu sẽ tự chịu trách nhiệm chính trong vấn đề phòng thủ của lục địa, do Mỹ còn những ưu tiên khác. Tuy nhiên, Washington khẳng định vẫn cam kết với liên minh quân sự NATO.
Huyền Lê (Theo Reuters)