-
Thu Thảo thất bại ở chung kết nhảy xa nữ
Bùi Thị Thu Thảo phạm quy ba trong bốn lần nhảy, nên không được tính kết quả lần nhảy thứ 1, thứ 2 và thứ 4. Lần thực hiện thứ 3 là lần hợp lệ duy nhất của Thu Thảo. Cô đạt thành tích 6,09 m. Thành tích này kém hơn so với khi Thu Thảo đoạt HC bạc SEA Games 32 với 6,13m và càng kém hơn khi vô địch Asiad 2018 với 6,55m.
Trong 9 VĐV đã hoàn thành phần thi, kết quả của Thu Thảo đứng thứ 8, không có khả năng cạnh tranh huy chương. Như vậy, ngày thi đấu hôm nay của Việt Nam khép lại với tấm HC đồng ở môn kurash.
-
Nhi Yến hụt huy chương 200m nữ
Trần Thị Nhi Yến về thứ bảy trong 8 VĐV tranh tài ở chung kết, với thành tích 23,85 giây. Thành tích này của cô kém hơn ở vòng loại sáng hôm qua, khi đạt kết quả tốt nhất năm 23,74 giây. Nhà vô địch SEA Games người Singapore Veronica Shanti Pereira về nhất sau 23,03 giây. HC bạc thuộc về Li Yuting (Trung Quốc) với 23,28 giây còn Edidiong Ofonime Odiong giành HC đồng sau 23,48 giây.
Với tấm HC vàng này, Shanti Pereira đi vào lịch sử khi trở thành VĐV Singapore đầu tiên vô địch cự ly chạy môn điền kinh tại Asiad. Trước đó, với tấm HC bạc nội dung 100m, cô giúp Singapore giành huy chương điền kinh đầu tiên kể từ năm 1974, khi họ về ba nội dung 4 x 100m tiếp sức và về nhì 4 x 400m tiếp sức.
-
Nguyễn Thị Oanh thất bại ở chung kết 3000m vượt chướng ngại vật
"Cô gái vàng" điền kinh Việt Nam Nguyễn Thị Oanh hoàn thành phần thi chung kết 3000m vượt chướng ngại vật với thành tích 9 phút 57,13 giây, về áp chót trong 7 VĐV tham dự. Tuy không giành huy chương, đây là thành tích tốt nhất của Nguyễn Thị Oanh trong năm nay, hơn gần 40 giây so với khi vô địch SEA Games 32 hồi tháng Năm (10 phút 34,37 giây).
Về nhất nội dung này là VĐV Bahrain Yavi Winfred Mutile với 9 phút 18,28 giây - kỷ lục Asiad. Chaudhary Parul (Ấn Độ) giành HC bạc sau 9 phút 27,63 giây. HC đồng cũng thuộc về một VĐV Ấn Độ - Priti với 9 phút 43,32 giây.
-
Cầu thủ gốc Hong Kong bị chế giễu sau thất bại của Trung Quốc
Trong khi chủ nhà Trung Quốc thua Hàn Quốc 0-2 và dừng bước ở tứ kết bóng đá nam, Hong Kong gây sốc với thắng lợi 1-0 trước Iran. Kết quả này làm nức lòng nhiều người hâm mộ bóng đá xứ cảng thơm và họ lập tức lên mạng xã hội để bày tỏ sự hả hê.
Tiền vệ trung tâm tuyển thủ Trung Quốc gốc Hong Kong Dai Wai-tsun trở thành cái tên được đề cập nhiều nhất. Tại Asiad 19, Dai là trụ cột của đội Olympic Trung Quốc, đá chính ở bốn trong năm trận đã đấu, chỉ ngồi dự bị rồi vào thay người ở hiệp hai trận hòa Bangladesh thuộc lượt cuối vòng bảng. Trước Hàn Quốc ở tứ kết hôm qua, Dai chơi trọn trận đấu, nhưng không thể giúp đội chủ nhà thoát thua.
Dai sinh ra và bắt đầu chơi bóng ở Hong Kong, là con của một cựu tuyển thủ xứ cảng thơm. Anh từng khoác áo đội U15 rồi U20 Hong Kong, nhưng lại chuyển quốc tịch từ 2018 để chơi cho đội tuyển quốc gia đại lục. Ở cấp CLB, tiền vệ 24 tuổi này từng chơi ba mùa các CLB Anh gồm Bury, Oxford rồi Wolves trước khi về đá cho Shenzen FC ở giải VĐQG Trung Quốc từ 2020.
-
Đội cầu mây nữ đảm bảo giành huy chương
Chiều nay, đội cầu mây nữ thắng Nhật Bản 21-11, 21-18 sau 42 phút ở bảng A nội dung 4 người, để giành suất vào bán kết sớm một lượt đấu. Bảng A có bốn đội, trong đó Việt Nam và Indonesia cũng thắng Myanmar và Nhật Bản ở hai trận đầu tiên, nên giành suất vào bán kết sớm. Ở lượt cuối, Việt Nam gặp Indonesia lúc 9h sáng mai.
Nội dung 4 người nữ của cầu mây được coi là niềm hy vọng vàng lớn của Việt Nam trong phần còn lại của Asiad 19, khi đội vừa vô địch thế giới năm 2022 bằng cách đánh bại Thái Lan. Thái Lan cũng không dự nội dung này ở Asiad 19, để tập trung vào những nội dung có khả năng giành HC vàng cao hơn.
-
Nhật Bản thống trị triathlon
Với chiến thắng ở nội dung tiếp sức hỗn hợp hôm nay, Nhật Bản thâu tóm trọn bộ ba HC vàng của bộ môn triathlon (ba môn phối hợp, gồm bơi - đạp - chạy) của Đại hội. Trước đó, các VĐV Kenji Nener (nam) và Yuko Takahashi (nữ) đã mang về cho đội triathlon Nhật Bản hai tấm HC vàng cá nhân trong hai ngày 29 và 30/9.
Ở phần thi tiếp sức hỗn hợp, đội Nhật Bản, gồm về nhất với tổng thời gian 1 giờ 26 phút 21 giây, nhanh hơn đội Trung Quốc về nhì tới 1 phút 27 giây. Hong Kong về ba, nhận HC đồng với 1 giờ 28 phút 22 giây.
Trong phần thi này, mỗi đội có bốn VĐV tham gia, với mỗi người lần lượt bơi 300 mét, đạp xe 6,7 km và chạy 1,86 km. Nhật Bản tung hai VĐV mạnh nhất là Nener rồi Takahashi vào thi ở hai lượt đầu tiên, từ đó tạo ưu thế áp đảo so với các đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Trung Quốc, Hong Kong, Hàn Quốc và Uzbekistan. Đây là kỳ Asiad thứ ba liên tiếp Nhật Bản giành HC vàng nội dung tiếp sức hỗn hợp triathlon, sau các kỳ ở Incheon 2014 và Jakarta 2018.
-
Tay vợt Lê Đức Phát bị loại
Tay vợt số một Việt Nam Lê Đức Phát thua cựu á quân thế giới Srikanth Kidambi (Ấn Độ) ở vòng 1/32 cầu lông đơn nam sau 29 phút, tỷ số 10-21, 9-21. Theo bảng thứ tự BWF, Đức Phát đang đứng vị trí 81 thế giới, còn Kidambi ở vị trí 21. Tay vợt 30 tuổi người Ấn còn là cựu số một thế giới.
-
Đô cử Triều Tiên phá 5 kỷ lục cùng lúc
Khi hoàn thành mức tạ 111 kg phần cử giật tại chung kết hạng 59kg nữ, Kim Ilgyong phá 5 cột mốc gồm: kỷ lục thế giới WR, kỷ lục châu Á AR, kỷ lục Asiad GR, kỷ lục trẻ thế giới JWR và kỷ lục trẻ châu Á JAR. Kim 20 tuổi, lần đầu dự một giải quốc tế, do Triều Tiên không thường xuyên thi đấu thể thao ở nước ngoài những năm qua.
-
Võ sĩ Việt Nam giành huy chương chỉ sau bốn tháng tập kurash
Sau khi đoạt HC đồng duy nhất cho kurash tại Asiad 19, Võ Thị Phương Quỳnh nói rằng cô mới tập môn này bốn tháng. "Trước đây tôi là võ sĩ judo", Phương Quỳnh nói chiều 2/10. "Khi có đợt tuyển võ sĩ dự Asiad 19 môn kurash, tôi chuyển sang học kurash tháng 6/2023 vì nghĩ rằng môn này cũng giống judo, không có nhiều điểm khác".
Không riêng Phương Quỳnh, phần lớn võ sĩ kurash Việt Nam hiện tại chuyển từ judo sang. Kurash là môn võ vật truyền thống Trung Á, còn judo quen thuộc hơn với Việt Nam do là võ vật Nhật Bản. Tại Asiad 2018, kurash lần đầu được đưa vào chương trình thi đấu đại hội, và Việt Nam ra về với một HC đồng. Lần này, Phương Quỳnh tái hiện thành tích cho đội, dù đối thủ của cô tại bán kết nặng hơn tới 10 kg.
-
Đô cử Hoàng Thị Duyên bị loại
Trong phần cử giật chung kết hạng 59kg nữ, Hoàng Thị Duyên không thể nâng mức tạ 93 kg ở cả ba lần thực hiện, nên không được dự phần cử đẩy. Thành tích giật của Duyên tại SEA Games 32 là 93 kg, còn ở Olympic năm 2021 là 95 kg.
Việt Nam vẫn còn một đô cử thi đấu, là Quàng Thị Tâm và cô đã thành công ở mức đầu tiên 92 kg, nhưng thất bại ở hai lần cử sau đó. Chung kết có nhiều đối thủ mạnh, đăng ký các mức tạ khởi điểm nặng hơn.