Khi xung đột giữa Hamas và Israel ở Dải Gaza chưa có dấu hiệu chấm dứt, các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cố gắng tái khẳng định cam kết đối với các nước đông Địa Trung Hải, khi lo ngại xung đột lan rộng khắp khu vực.
Mối đe dọa mới ở Trung Đông đã thu hút quan tâm của các thành viên NATO, giữa lúc cuộc chiến của Nga ở Ukraine tiếp diễn. Họ lo ngại cho sự an toàn của lực lượng NATO ở Iraq, tình trạng hỗn loạn ở các nước đối tác Trung Đông của NATO như Jordan và căng thẳng bùng phát trở lại ở nhóm nước Nam Tư cũ.
Một nhóm chuyên gia của NATO đang xem xét chiến lược tăng cường an ninh cho các thành viên cực nam. Các quan chức châu Âu tại NATO nói rằng liên minh quân sự ngày càng lo lắng về những lỗ hổng an ninh do tình trạng bất ổn ở Trung Đông và khả năng đối phó mối đe dọa của châu Âu, giữa lúc họ tập trung cho xung đột Ukraine và vấn đề nhập cư bất hợp pháp.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cuối tháng 11 tới Brussels, Bỉ để tham dự các cuộc họp với NATO cùng liên minh G7. Ông sau đó dự cuộc họp của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu tại Skopje, Bắc Macedonia, trước khi bay tới Trung Đông để dự cuộc họp ở Israel và Bờ Tây.
Ông Blinken và các quan chức cấp cao của Mỹ gần như hiện diện liên tục ở khu vực này kể từ ngày 7/10, khi Hamas tấn công miền nam Israel khiến 1.200 người chết và bắt 240 con tin. Cuộc tấn công đã dẫn tới chiến dịch oanh tạc dữ dội của Israel.
"Chúng tôi chắc chắn đã thảo luận về xung đột Gaza, nhưng điều đó không có nghĩa chúng tôi đánh mất sự tập trung cao độ cho Ukraine và khu vực Tây Balkan trong những ngày qua. Chúng tôi đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington vào mùa xuân tới", ông Blinken nói.
Phát biểu trong cuộc họp của 31 ngoại trưởng thành viên và ứng viên Thụy Điển ở Brussels, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tái khẳng định chính sách của liên minh rằng Trung Đông nằm ngoài phạm vi trách nhiệm của liên minh và không có ý định can dự vào xung đột Israel - Hamas.
Tuy nhiên, các phái đoàn thành viên nhấn mạnh rằng NATO không nên thờ ơ trước những tác động an ninh tiềm tàng từ xung đột ở Gaza. Một số quốc gia cũng bày tỏ thất vọng với Mỹ và Anh khi hỗ trợ Israel oanh tạc Dải Gaza.
"Các bộ trưởng bày tỏ lo ngại về xung đột ở Trung Đông Với tư cách liên minh, NATO không đóng vai trò trong xung đột Israel - Hamas. Nhưng một số nước thành viên có thể can dự theo những cách khác", ông Stoltenberg nói.
Trong khi đau đầu với hai cuộc chiến lớn ở Ukraine và Gaza, các thành viên NATO cũng phải giải quyết những căng thẳng mới bùng phát trong cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa Serbia và Kosovo, nơi liên minh triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình từ năm 1999. Giao tranh nhiều lần bùng phát ở khu vực này kể từ khi Nam Tư tan rã vào đầu những năm 1990.
"Điều chúng ta không muốn là các cuộc đụng độ tái diễn", Ngoại trưởng Mỹ nói về vùng Balkan.
Sứ mệnh của NATO ở Iraq, bắt đầu từ năm 2018, liên quan tới việc triển khai hàng trăm quân nhân và cố vấn dân sự để huấn luyện lực lượng Iraq. Sự an toàn của họ ngày càng trở thành vấn đề đáng lo ngại, khi các cuộc tấn công nhắm vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq và Syria gần đây gia tăng.
Mỹ đã giảm đáng kể hiện diện ngoại giao ở Iraq kể từ sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel, do lo ngại sự ủng hộ của Washington với Tel Aviv sẽ khiến người Mỹ ở khu vực trở thành mục tiêu của các nhóm vũ trang.
Jordan đã hợp tác về an ninh khu vực với NATO từ năm 1995. Vua Abdullah đã thăm trụ sở của liên minh và gặp Tổng thư ký Stoltenberg đầu tháng 11.
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO duy nhất có biên giới với khu vực Trung Đông, song Mỹ, Anh và nhiều nước khác đã triển khai khí tài quân sự tới phía đông Địa Trung Hải, gần sườn nam NATO để răn đe các nhóm vũ trang khác, đặc biệt là Hezbollah ở Lebanon.
Tại hội nghị thượng đỉnh thường niên của NATO Litva hồi tháng 7, các lãnh đạo đã xem xét đề xuất do Bồ Đào Nha đưa ra để giải quyết "các mối đe dọa và cơ hội họp tác" ở sườn nam, đặc biệt là khu vực Trung Đông, Sahel và Bắc Phi.
"Một phần sự bất ổn mà chúng tôi thấy ở sườn nam liên minh liên quan tới xung đột ở Trung Đông", Stoltenberg nói tháng trước.
Với tư cách nhà đảm bảo an ninh của châu Âu, NATO những năm gần đây chịu trách nhiệm đối phó với những rủi ro của lục địa, như khủng bố và tình trạng di cư không kiểm soát từ các khu vực phía nam, gồm Trung Đông và châu Phi.
Sau phong trào Mùa xuân Arab bắt đầu năm 2010 và nội chiến Syria sau đó, hàng triệu người đã rời khỏi khu vực và gia nhập dòng người di cư từ châu Phi và Afghanistan. Trong năm 2015, hơn một triệu người di cư đã áp đảo biên giới châu Âu, gây ra cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng.
Tổng thư ký Stoltenberg đã liên tục cảnh báo về những hậu quả tiềm tàng của cuộc chiến.
"Một trong những thông điệp từ NATO là không thể để xung đột leo thang thành cuộc khủng hoảng khu vực lớn hơn. Thông điệp gửi tới Iran là họ phải kiềm chế những lực lượng ủy nhiệm", ông Stoltenberg nói. Hamas và Hezbollah là hai nhóm vũ trang được Iran hỗ trợ.
Những nỗ lực của NATO song hành cùng các tổ chức khác có nhiều thành viên liên minh. Liên minh châu Âu (EU), khối 27 thành viên trong đó có 22 thành viên NATO và ứng viên Thụy Điển, đã đóng vai trò tích cực hơn trong xử lý xung đột Trung Đông. Nhóm G7 cũng đóng vai trò tích cực như vậy.
Bên lề hội nghị bộ trưởng NATO, các ngoại trưởng nhóm G7 đã lên tiếng ủng hộ thành lập nhà nước Palestine như một phần giải pháp hai nhà nước cho xung đột Gaza. Họ cũng hoan nghênh Hamas thả con tin để tạm dừng chiến sự và cung cấp viện trợ nhân đạo cho dân thường Gaza.
Quan chức chính sách đối ngoại EU Josep Borrel, người đã gặp Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cuối tháng trước, nói rằng khối có thể xử lý đồng thời hai cuộc khủng hoảng.
"Cuộc chiến ở Gaza đã trở thành tâm điểm trong các chương trình nghị sự quốc tế, nhưng chúng tôi muốn đảm bảo với Ngoại trưởng Kubela rằng nó không làm chúng tôi xao nhãng sự ủng hộ vững chắc dành cho Ukraine", ông nói.
Thanh Tâm (Theo WSJ)