Bộ Ngoại giao Áo ngày 13/3 tuyên bố hai nhà ngoại giao Nga là "người không được chào đón vì có hành động không phù hợp với vị trí của họ", song không cung cấp thêm chi tiết. Hai nhà ngoại giao Nga có thời hạn đến ngày 19/3 để rời khỏi Áo .
Bộ Ngoại giao Nga gọi quyết định này là "vô căn cứ". Đại sứ quán Nga tại Vienna bày tỏ tức giận trước động thái "hoàn toàn mang tính chính trị" của Áo.
"Cũng như những lần trục xuất trước, lần này chúng tôi không được cung cấp bằng chứng dù là nhỏ nhất, chưa nói đến bằng chứng về bất kỳ hành vi nào vi phạm Công ước Vienna về Quan hệ Ngoại giao. Chắc chắn Moskva sẽ phản ứng quyết liệt", đại sứ quán Nga tại Áo đăng trên Telegram, đồng thời cáo buộc Vienna khiến quan hệ song phương tiếp tục đi xuống.
Vienna là trung tâm ngoại giao lớn, nơi có Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) và các tổ chức của Liên Hợp Quốc, như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Những nước lớn như Nga, Mỹ thường có đại sứ riêng tại Áo, OSCE và các tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc.
Áo, quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) duy trì quan điểm trung lập, vốn có mối quan hệ chặt chẽ với Nga. Đất nước 9 triệu dân có truyền thống coi mình là cầu nối giữa phương Đông và phương Tây.
Trước khi chiến sự Ukraine bùng phát, Áo hiếm khi trục xuất ngoại giao. Áo chỉ từng trục xuất một nhà ngoại giao Nga bị cáo buộc hoạt động gián điệp vào tháng 4/2020.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Áo trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga vào tháng 4/2022 trong phản ứng phối hợp với EU liên quan cáo buộc quân đội Nga sát hại dân thường ở vùng ngoại ô Bucha của Kiev. Nga bác bỏ, cho rằng sự việc ở Bucha là hình ảnh "dàn dựng" để tạo cớ cho loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Moskva.
Áo tiếp tục trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga vào tháng 2/2023, trong đó có hai người được Liên Hợp Quốc công nhận ở Vienna. Nga đáp trả bằng cách trục xuất 4 nhà ngoại giao Áo.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)