Ảnh vệ tinh thương mại chụp sân bay quốc tế Zhulyany ở thủ đô Kiev của Ukraine hồi tháng 9/2023 và được công bố ngày 27/10 cho thấy 11 bệ phóng tên lửa, gấp rưỡi số lượng bệ phóng trong một khẩu đội Patriot hoàn chỉnh, được triển khai ở trận địa nằm giữa khu đỗ máy bay và đường băng duy nhất của cơ sở này.
Mỗi bệ phóng được đặt trong một công sự riêng biệt có tường kiên cố bao bên ngoài, với giãn cách tối thiểu giữa các công sự là hơn 100 m. Chưa rõ toàn bộ bệ phóng là thật hay có mô hình nằm xen kẽ. Cách bố trí này giúp hạn chế tối đa thiệt hại trong đòn không kích của Nga, tránh nguy cơ một quả đạn có thể xóa sổ nhiều bệ phóng cùng lúc.
Ở giữa các bệ phóng là khu vực được phủ kín bạt và xuất hiện thiết bị chưa rõ chủng loại, có thể là radar dẫn bắn hoặc đài chỉ huy khẩu đội Patriot. Có 5 công sự bỏ trống, dường như dành cho các bệ phóng dự bị hoặc cho phép phòng không Ukraine luân chuyển lực lượng có sẵn để gây khó cho nỗ lực nhắm mục tiêu của đối phương.
Ảnh vệ tinh còn cho thấy một hố sâu gần công sự có bệ phóng tên lửa, nhiều khả năng là do một quả đạn của Nga gây ra.
Loạt công sự dường như được xây dựng sau cuộc không kích của Nga nhằm vào trận địa Patriot ở thủ đô Kiev hồi tháng 5/2023, do ảnh vệ tinh vào thời điểm đó cho thấy khu vực này vẫn là bãi đất trống và không có công trình phòng thủ.
Theo trang tin quân sự AviaPro của Nga, Ukraine còn triển khai hàng loạt tổ hợp tên lửa và pháo phòng không tự hành xung quanh trận địa Patriot ở sân bay Zhulyany, nhằm tăng khả năng bảo vệ loại khí tài đắt tiền nhất trong biên chế quân đội nước này.
Bộ Quốc phòng Nga và quân đội Ukraine chưa bình luận về thông tin.
Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Kateryna Chernohorenko hồi tháng 5 bày tỏ lo ngại ảnh vệ tinh thương mại làm lộ bí mật quân sự, như trận địa phòng không và điểm tập kết khí tài, đồng thời muốn các công ty hạn chế chụp ảnh lãnh thổ nước này.
Lực lượng Nga nhiều lần nhắm mục tiêu sân bay Zhulyany kể từ khi phương Tây chuyển giao tên lửa Patriot cho Ukraine đầu năm 2023.
Trong cuộc tập kích ngày 16/5/2023, Nga phóng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal vào trận địa Patriot ở Kiev và tuyên bố đánh trúng mục tiêu. Video từ máy quay an ninh công cộng tại thủ đô của Ukraine khi đó cho thấy tổ hợp nghi là Patriot khai hỏa liên tiếp 30 tên lửa trong hai phút để đối phó đòn không kích từ Nga.
Một số quan chức Mỹ xác nhận tổ hợp Patriot của Ukraine chịu hư hại, song chưa bị phá hủy.
Patriot là hệ thống vũ khí đắt nhất mà Mỹ và đồng minh viện trợ cho Ukraine. Mỗi tổ hợp có giá gần 1,1 tỷ USD, trong đó đạn tên lửa có giá 690 triệu USD và các thành phần khác có giá 400 triệu USD.
Ukraine đang vận hành khoảng 3-5 tổ hợp Patriot được Mỹ và một số nước châu Âu chuyển giao. Đây từng được kỳ vọng là vũ khí có thể thay đổi đáng kể cục diện trên bầu trời Ukraine, nhờ năng lực chiến đấu vượt trội so với các hệ thống phòng không mà phương Tây viện trợ trước đó.
Tuy nhiên, Nga từng nhiều lần phóng tên lửa đạn đạo Iskander-M và tên lửa siêu vượt âm Kinzhal nhằm vào các trận địa Patriot, cũng như bệ phóng trên đường hành quân. Nguồn đạn cho những tổ hợp phòng không Ukraine cũng đang cạn dần, khiến những đợt tập kích bằng tên lửa và UAV Nga có tỷ lệ thành công cao hơn.
Trong sự việc gần đây nhất, Nga hôm 9/10 công bố video trận địa Patriot Ukraine đang khai hỏa tại tỉnh Dnipro trước khi trúng tên lửa đạn đạo Iskander-M. Moskva tuyên bố đòn tấn công đã phá hủy đài chỉ huy AN/MSQ-104, radar đa năng AN/MPQ-65 và một bệ phóng, gây hư hại một bệ phóng khác, trong khi Kiev không bình luận về hình ảnh.
Nguyễn Tiến (Theo RIA Novosti, AFP, AP)