Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) tại Seattle, Mỹ, vừa công bố nghiên cứu dự đoán Anh sẽ ghi nhận khoảng 66.000 ca tử vong do nCoV vào tháng 8, với mức tăng cao nhất là gần 3.000 người mỗi ngày.
Các nhà phân tích của IHME cho rằng các cuộc tranh luận về "miễn dịch cộng đồng" ở Anh đã khiến nước này chậm trễ đưa ra các biện pháp cách biệt cộng đồng. Anh lần đầu áp lệnh phong toả toàn quốc hôm 23/3, khi đã ghi nhận trung bình khoảng 54 người chết do nCoV mỗi ngày. Trong khi đó, Bồ Đào Nha đã nhanh chóng đưa ra những biện pháp quyết liệt ngay khi xuất hiện trường hợp tử vong đầu tiên.
IHME dự báo đến ngày 4/8, Anh sẽ ghi nhận 66.314 người chết do nCoV, chiếm khoảng 40% số ca tử vong ở châu Âu.
Khi quan sát các biện pháp Anh đang áp dụng để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, viện nghiên cứu này cho rằng đỉnh dịch sẽ diễn ra vào ngày 17/4, thêm rằng Anh khi ấy sẽ cần hơn 102.000 giường bệnh. Nước này hiện chỉ có gần 18.000 giường bệnh, còn thiếu khoảng 85.000 giường so với tính toán của IHME.
Viện nghiên cứu này cũng dự đoán Anh sẽ cần 24.500 giường chăm sóc đặc biệt và gần 21.000 máy trợ thở cho các ca nguy kịch. IHME cho biết khi đỉnh dịch xảy ra, sẽ có gần 2.932 người chết mỗi ngày ở Anh.
Họ nhận định số ca tử vong ở các nước châu Âu khác sẽ thấp hơn Anh. IHME dự đoán Tây Ban Nha, Italy và Pháp sẽ lần lượt ghi nhận số người chết là 19.209, 20.300 và 15.058. Đây đều là ba quốc gia đã áp đặt các biện pháp phong toả quyết liệt hơn chính phủ Anh.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cố vấn về dịch bệnh cho chính phủ Anh phản đối nghiên cứu này. Chuyên gia y tế Neil Ferguson từ Đại học Hoàng gia London khẳng định số liệu của IHME về "nhu cầu điều trị y tế", bao gồm số người chết và số giường bệnh cần có ở Anh, cao gấp đôi mức cần thiết.
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia London hồi tháng 3 cũng đưa ra dự đoán về mô hình phát triển dịch bệnh cho chính phủ Anh, trong đó cảnh báo nước này có thể ghi nhận 260.000 người chết nếu không hạn chế đi lại. Tuy nhiên, các chuyên gia Anh cho rằng con số này sẽ giảm xuống còn 20.000 nhờ các lệnh phong toả nghiêm ngặt.
"Mô hình này không phù hợp với tình hình hiện tại của Anh", Ferguson đề cập tới nghiên cứu của IHME, cho biết dữ liệu của viện nghiên cứu này cao hơn ít nhất hai lần so với thực tế. "Về cơ bản, dự đoán về nhu cầu chăm sóc sức khỏe của họ đã sai, ít nhất là đối với nước Anh".
Trong khi đó, IHME cho biết nghiên cứu của họ dựa trên ba yếu tố: tình hình thực tế ở các nước bị Covid-19 ảnh hưởng sớm hơn như Italy và Tây Ban Nha, thực tế ở Anh hiện nay và thời gian áp đặt các biện pháp cách biệt cộng đồng của Anh.
IHME cho rằng sự đồng tình trong chính phủ Anh với quan điểm "miễn dịch cộng đồng" đã khiến nước này chậm trễ khi áp đặt các hạn chế xã hội.
"Khi cách biệt cộng đồng được thực hiện và duy trì tốt, nó sẽ giúp kiểm soát dịch bệnh, dẫn đến tỷ lệ tử vong giảm. Đó là điều hiển nhiên", Tiến sĩ Christopher Murray, giám đốc IHME, cho biết.
Murray cảnh báo việc nới lỏng các biện pháp phong toả quá sớm trong đợt bùng phát đầu tiên của đại dịch có thể dẫn đến các đợt bùng phát tiếp theo, khiến số người nhập viện và số ca tử vong mới tiếp tục tăng.
"Để giảm nguy cơ của đợt bùng phát tiếp theo, các chính phủ cần cân nhắc xét nghiệm hàng loạt, theo dõi và cách ly chặt chẽ đối với những người bị nhiễm bệnh cho đến khi vaccine được tìm ra, sản xuất hàng loạt và phân phối rộng rãi", Murray nói thêm.
Một phát ngôn viên của Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội Anh khẳng định mọi biện pháp ứng phó với Covid-19 của họ đều dựa trên lời khuyên khoa học, mô hình dự đoán và những chứng cứ mới nhất.
"Chúng tôi đang làm việc suốt ngày đêm với các bác sĩ nổi tiếng thế giới, các chuyên gia y tế công cộng và các nhà khoa học hàng đầu để đảm bảo an toàn cho đất nước này", phát ngôn viên nhấn mạnh.
Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 1,4 triệu người nhiễm và hơn 82.000 người chết. Anh hiện ghi nhận hơn 55.000 ca nhiễm, trong đó hơn 6.100 người đã tử vong.
Ngọc Ánh (Theo Guardian)