"Chúng tôi sẽ bắt đầu tiêm chủng tại nhà cho những người không thể đến các trung tâm tiêm chủng, gồm người bị hạn chế vận động, người khuyết tật và những người có nhu cầu đặc biệt. Khuyến nghị đã được ban hành", tiến sĩ VK Paul, thành viên y tế thuộc tổ chức tư vấn chính sách công của chính phủ Ấn Độ NITI Aayog hôm 23/9 cho hay.
Quyết định được đưa ra trong bối cảnh quốc gia 1,3 tỷ dân tăng cường chiến dịch tiêm chủng. Bộ Y tế Ấn Độ cho biết dù ca nhiễm giảm, Ấn Độ vẫn ở giữa sóng lây nhiễm thứ hai. Kerala là bang duy nhất có hơn 10.000 ca nhiễm chưa khỏi.
Về tốc độ tiêm chủng của Ấn Độ, tiến sĩ Paul nói rằng gần 1/4 dân số trưởng thành đã tiêm đủ hai mũi và gọi đây là "cột mốc quan trọng".
"Khoảng 2/3 dân số trưởng thành được tiêm một mũi, tương đương 66% dân số từ 18 tuổi trở lên, và gần 1/4 dân số trưởng thành đã được tiêm cả hai mũi, đó là một cột mốc quan trọng", ông nói.
Thế giới đã ghi nhận 231.338.204 ca nhiễm nCoV và 4.741.313 ca tử vong, trong khi 207.984.280 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Một ban cố vấn về tiêm chủng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị tiêm mũi tăng cường vaccine Pfizer/BioNTech cho người từ 65 tuổi và một số người trưởng thành tiềm ẩn bệnh lý khiến họ có nguy cơ trở nặng nếu mắc Covid-19.
9/15 thành viên ban cố vấn bác đề xuất tiêm mũi tăng cường cho người từ 18 đến 64 tuổi hoặc làm việc trong các cơ sở nguy cơ lây nhiễm cao, như nhân viên y tế, giáo viên, cư dân các trại tạm trú dành cho người vô gia cư và nhà tù. Một số thành viên ban cố vấn cho biết thực hiện đề xuất như vậy rất khó khăn.
"Tôi không nghĩ chúng ta có dữ liệu để ủng hộ tiêm mũi tăng cường cho các nhóm đó", thành viên ban cố vấn Lynn Bahta cho hay.
Các khuyến nghị trên vẫn cần được giám đốc CDC Rochelle Walensky ký duyệt, không có giá trị ràng buộc và các bang cũng như các khu vực pháp lý khác có thể bỏ qua, áp dụng cách tiếp cận khác về mũi tiêm tăng cường.
Dữ liệu của chính phủ được công bố hôm 22/9 cho thấy tiến độ tiêm phòng ở Mỹ chậm nhất kể từ tháng 7. Khoảng 312.000 người đã tiêm mũi đầu tiên vào tuần trước, giảm 7% so với tuần trước đó và 35% so với tháng trước. Hiện khoảng 182 triệu người ở Mỹ (54,9% dân số) đã được tiêm chủng đầy đủ.
Nga hôm 23/9 ghi nhận ca tử vong do Covid-19 cao kỷ lục với 820 trường hợp được ghi nhận trong 24 giờ qua, và 21.438 ca nhiễm mới. Ca nhiễm ở vùng dịch thứ năm thế giới tăng cao từ tháng 8, khi chiến dịch tiêm chủng bị đình trệ.
Thủ đô Moskva, trung tâm đợt bùng phát ở Nga, chứng kiến ca nhiễm tăng đột biến tuần qua và giới chức cảnh báo ca nhập viện sẽ tăng. Phó thị trưởng Anastasia Rakova cho biết sự gia tăng này một phần do chuyển mùa và tiếp xúc giữa mọi người sau kỳ nghỉ hè. Biến chủng Delta là nguyên nhân gây toàn bộ ca nhiễm ở thủ đô nước Nga.
Nga có sẵn một số loại vaccine Covid-19, nhưng tâm lý nghi ngại của một bộ phận người dân khiến chiến dịch tiêm chủng chững lại. Hiện 28% dân số Nga đã được tiêm chủng đầy đủ.
Số người có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV ở Anh đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6. John Bell, giáo sư y khoa tại Đại học Oxford, cho biết Anh "đã vượt qua điều tồi tệ nhất" và "sẽ ổn" sau mùa đông.
"Nếu nhìn vào quỹ đạo đang đi, chúng ta đã khá hơn rất nhiều so với cách đây 6 tháng", ông nói. "Vì vậy, áp lực với Bộ Y tế phần lớn đã giảm. Các ca tử vong do Covid-19 có xu hướng là những người rất cao tuổi và không hoàn toàn rõ ràng chính Covid-19 gây ra tất cả ca tử vong đó. Tôi nghĩ bây giờ chúng ta đã vượt qua những điều tồi tệ nhất".
Ông cũng nhận định sẽ có khá nhiều điều kiện tiếp xúc với biến chủng Delta nên Anh có thể chứng kiến ca nhiễm khá cao. Nếu họ bị nhiễm mà không có triệu chứng, điều đó sẽ bổ sung đáng kể khả năng miễn dịch cộng đồng.
"Chúng ta phải vượt qua mùa đông để đến mốc đó, nhưng tôi nghĩ sẽ ổn thôi", giáo sư nhấn mạnh.
Huyền Lê (Theo AFP, Guardian, Reuters)