Thông điệp được AmCham đưa ra hôm nay (8/4), sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump có cuộc điện đàm tối 4/4, xoay quanh đề nghị của Việt Nam về việc đưa mức thuế quan về 0% với hàng hóa nhập khẩu lẫn nhau.
Chủ tịch AmCham Việt Nam Mark Gillin cho rằng giảm thuế chỉ là một trong những điều kiện của Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR). Song song đó, các rào cản phi thuế quan cũng cần được Mỹ ra yêu cầu cụ thể.
Theo công bố ngày 2/4, Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu đối ứng với hơn 180 đối tác thương mại. Việt Nam nằm trong nhóm các nước chịu mức cao nhất với thuế suất là 46%, dự kiến có hiệu lực từ 9/4.
Báo cáo do USTR phát hành cho rằng thâm hụt hàng hóa của Mỹ với Việt Nam tăng từ 104,5 tỷ USD vào 2023 lên 123,4 tỷ USD năm ngoái. Thuế suất Việt Nam áp dụng với hàng hóa Mỹ bình quân khoảng 9,4%, với phần lớn chịu cao nhất 15% hoặc thấp hơn. Cơ quan này đồng thời nhận xét về một số vấn đề liên quan đến thương mại với Việt Nam nhưng không đề cập cần cải thiện ra sao.
Theo số liệu từ Cục Hải Quan, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng trị giá 119,5 tỷ USD và nhập từ thị trường này 15,1 tỷ USD.

Cụm cảng Lạch Huyện, Hải Phòng, ngày 20/1. Ảnh Lê Tân
Ngay sau khi Mỹ ra chính sách, sáng 3/4, Chính phủ đã họp, báo cáo Bộ Chính trị tổng thể tình hình và các giải pháp ứng phó, trong đó chú trọng giao thiệp với phía Mỹ, đề nghị tạm thời chưa áp thuế đối ứng để đàm phán. Tối 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump có cuộc điện đàm.
AmCham Việt Nam hoan nghênh phản ứng nhanh chóng và hợp lý của Việt Nam, sự lãnh đạo và tính thực tế của Tổng Bí thư Tô Lâm khi giải quyết trực tiếp một trong những mối quan ngại của Mỹ bằng cách đưa ra mức thuế đối ứng là 0%.
Theo ông Mark Gillin, phản hồi sau cuộc điện đàm của Tổng thống Trump phát tín hiệu rằng đối thoại mang tính xây dựng là khả thi và có khả năng mang lại kết quả tốt nhất. AmCham một lần nữa đề nghị Mỹ trì hoãn áp dụng thuế đối ứng, dành thời gian để thảo luận và cân nhắc các đề xuất có lợi. Ông cho rằng, trong thời gian tiến tới đàm phán, phía Mỹ nên tránh gây tổn thất không cần thiết doanh nghiệp hai bên đã tham gia thương thảo hoặc đầu tư cho các giao dịch sắp tới.
Ngoài ra, việc tiến tới đàm phán cũng mở ra cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam tốt hơn cho các nhà xuất khẩu Mỹ, đặc biệt là nông sản nước này, theo ông Mark Gillin. Do đó, Hiệp hội kêu gọi các thành viên có những đề xuất cụ thể hơn nhằm nâng kim ngạch ở thị trường này.
Viễn Thông