Nhóm vũ trang Hamas do Iran hậu thuẫn ở Gaza xác nhận thủ lĩnh chính trị Ismail Haniyeh bị ám sát ở thủ đô Tehran, Iran rạng sáng 31/7. Vụ ám sát diễn ra ngay sau khi Haniyeh tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran ngày 30/7. Hamas cáo buộc Israel đứng sau vụ ám sát, song Tel Aviv chưa bình luận về sự việc.
Hamas mất thủ lĩnh Haniyeh vào thời điểm nhóm chịu nhiều tổn thất sau gần 10 tháng xung đột Gaza bùng phát. Khi được hỏi về người có thể thay thế Haniyeh, quan chức Hamas cho biết "chúng tôi chưa thảo luận về vấn đề đó vào lúc này".
Haniyeh, người sống lưu vong ở Qatar nhiều năm qua, được xem là đại diện ngoại giao quốc tế của Hamas và đóng vai trò trung tâm trong hoạt động đối ngoại của nhóm nhằm chấm dứt chiến sự Gaza.
Saleh Arouri, cấp phó của Haniyeh, theo lý thuyết sẽ là người kế nhiệm trong những trường hợp như này. Tuy nhiên, Arouri đã thiệt mạng trong cuộc tập kích của Israel ở Beirut hồi tháng 1. Vị trí của Arouri đến nay vẫn chưa có người thay thế.
Hội đồng Shura, cơ quan tham vấn chính của nhóm Hamas, có thể sẽ chỉ định người kế nhiệm sau khi hoàn tất tang lễ của Haniyeh ở Qatar, theo giới quan sát. Thành viên của hội đồng không được tiết lộ, song họ được cho là đại diện cho các chi nhánh của nhóm Hamas ở Gaza, Bờ Tây, cộng đồng người Palestine ở nước ngoài và những người đang bị bắt giam.
Zaher Jabarin được mô tả là giám đốc điều hành của nhóm vì đóng vai trò quan trọng về quản lý tài chính và có mối quan hệ tốt đẹp với Iran. Đây có thể là lựa chọn tiềm năng cho vị trí thay thế thủ lĩnh mới bị ám sát, theo các nhà quan sát.
Trong khi đó, Hani al-Masri, chuyên gia về các tổ chức của người Palestine, nói rằng lựa chọn hiện có thể là Khaled Mashaal, quan chức kỳ cựu của Hamas và cũng từng là lãnh đạo nhóm, hoặc Khalil al-Hayya, tiếng nói quyền lực trong nhóm Hamas và thân cận với Haniyeh.
"Việc lựa chọn sẽ không dễ dàng", al-Masri, người đứng đầu Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu Chiến lược của Palestine, nói.
Thủ lĩnh chính trị mới của Hamas sẽ phải quyết định xem liệu nhóm có nên tiếp tục cuộc chiến chống lại Israel bằng cách rút vào hoạt động bí mật, hay sẽ chấp nhận thỏa hiệp chính trị với Tel Aviv. Tuy nhiên, lựa chọn thứ hai khó có thể xảy ra, khi Hamas vẫn công khai tham vọng "hủy diệt Israel".
Mashaal, lãnh đạo Hamas cho đến năm 2017, có nhiều kinh nghiệm chính trị và ngoại giao, song mối quan hệ với Iran, Syria và Hezbollah đã lao dốc vì ông từng ủng hộ các cuộc biểu tình Mùa xuân Arab năm 2011. Khi Mashaal ở Lebanon năm 2021, các lãnh đạo Hezbollah được cho là đã từ chối gặp ông.
Ngược lại, Mashaal có mối quan hệ tốt đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, được những nước này coi là lãnh đạo có quan điểm ít cực đoan hơn những người khác. Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas cũng đã gọi điện cho Mashaal để chia buồn về vụ ám sát Haniyeh.
Tuy nhiên, Yahya Sinwar, người trực tiếp chỉ đạo mọi hoạt động của Hamas ở Dải Gaza, được cho khó có thể ủng hộ Mashaal trở thành người kế nhiệm Haniyeh.
Giống như Haniyeh, al-Hayya là lãnh đạo nổi tiếng của Hamas đang sống lưu vong và có các mối quan hệ quốc tế quan trọng. Hamas trước đây có quan hệ không suôn sẻ với "Trục Kháng chiến" do Iran dẫn dắt, vì nhóm này ủng hộ phe đối lập chống Tổng thống Syria Bashar Assad trong cuộc nội chiến bắt đầu hồi tháng 3/2011. Nhưng trong những năm gần đây, Hamas bắt đầu hàn gắn mối quan hệ với Iran và hòa giải với ông Assad.
Al-Hayya đã dẫn đầu phái đoàn tới Syria năm 2022 và gặp Tổng thống Assad. Ông cũng có quan hệ tốt với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Hezbollah.
"Ông ấy giống Haniyeh, là người cân bằng và linh hoạt. Cả hai bên đều không thấy có vấn đề gì khi ông ấy trở thành lãnh đạo", al-Masri nói.
Al-Masri thêm rằng Nizar Abu Ramadan, người từng cạnh tranh vai trò thủ lĩnh nhóm Hamas ở Gaza với Sinwar và thân cận với Mashaal, cũng là lựa chọn tiềm năng.
Trong khi đó, những nhà quan sát khác cho rằng Musa Abu Marzuk, thành viên bộ chính trị của Hamas và có lập trường tương tự Hanieyah, có thể là lựa chọn được cân nhắc. Marzuk có lập trường ôn hòa hơn nhánh vũ trang của Hamas và từng khuyến nghị nhóm chấp nhận nhà nước Palestine trong tương lai dựa trên biên giới phân định năm 1967, thời điểm Israel kiểm soát các vùng lãnh thổ ở Bờ Tây, gồm cả Đông Jerusalem, và Dải Gaza. Ông cũng từng đại diện cho Hamas trong một số vòng đàm phán gián tiếp với Israel.
Trong những năm 1990, ông bị bắt khi đang sống tại Mỹ vì cáo buộc giúp tài trợ cho cánh vũ trang Hamas. Sau đó, ông sống lưu vong ở Jordan, Ai Cập và Qatar.
Vai trò của thủ lĩnh chính trị rất quan trọng trong duy trì quan hệ với đồng minh của Hamas bên ngoài các vùng lãnh thổ của người Palestine. Al-Masri cho rằng bất kỳ lựa chọn nào cũng sẽ là tạm thời cho đến khi nhóm tổ chức bầu cử, ban đầu dự kiến năm nay nhưng phải trì hoãn vì xung đột.
Cuộc họp của nhóm lãnh đạo Hamas cũng có thể gặp khó khăn khi Sinwar, người có tầm ảnh hưởng và sẽ được tham vấn về lựa chọn người kế nhiệm, đang phải ẩn náu kể từ khi xung đột Gaza bùng phát.
Joost Hiltermann, giám đốc chương trình Trung Đông tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, nhận định rằng "Hamas nói chung sẽ không bị ảnh hưởng vì có nhiều phương án lựa chọn cho vị trí lãnh đạo".
Song Hugh Lovatt, nhà nghiên cứu của tổ chức Hội đồng Đối ngoại châu Âu, cho biết vụ ám sát Haniyeh vẫn là "sự kiện cực kỳ đau thương" đối với nhóm vũ trang Hamas. Ông thêm rằng việc mất Haniyeh có thể tạo điều kiện cho những người theo lập trường cứng rắn trong nhóm "trở nên quyết liệt hơn".
Xung đột Gaza đã nổ ra sau khi Hamas tấn công miền nam Israel hồi tháng 10/2023, khiến khoảng 1.200 người chết và bắt cóc 250 người. Tel Aviv lập tức tiến hành chiến dịch đáp trả đẫm máu ở Gaza, khiến hơn 39.000 người thiệt mạng.
Vụ ám sát Haniyeh cũng có thể ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán ngừng bắn vốn bế tắc giữa Israel và Hamas. "Theo những gì chúng tôi biết, chính giới lãnh đạo chính trị do Haniyeh đứng đầu ở Doha đã gây sức ép buộc Sinwar chấp nhận lệnh ngừng bắn", Lovatt nói.
Nhiều nhà quan sát lo ngại vụ ám sát có thể châm ngòi cho các hành động trả đũa chống lại Israel từ Bờ Tây hoặc các nhóm Hamas ở miền nam Lebanon. Sau cái chết của Haniyeh, cánh vũ trang của Hamas cũng đã đe dọa gây "hậu quả to lớn" cho toàn bộ khu vực.
Lina Khatib, nhà nghiên cứu của tổ chức Chatham House ở Anh, cảnh báo "mỗi hành động leo thang đều làm tăng nguy cơ mọi thứ vượt tầm kiểm soát".
Thùy Lâm (Theo AFP, AP, TOI)