Khi Covid-19 lan khắp toàn cầu, Maria Van Kerkhove, lãnh đạo đơn vị theo dõi bệnh mới nổi và bệnh lây truyền từ động vật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhấn mạnh tầm quan trọng việc báo cáo chính xác số ca nhiễm và tử vong.
Theo Kerkhove, việc nắm được số người nhiễm và chết vì Covid-19 sẽ giúp nhà chức trách cũng như giới chuyên gia hiểu rõ hơn về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh ở từng nơi, tính toán đúng tỷ lệ lây nhiễm và tử vong do dịch, từ đó lên phương án ứng phó, kiểm soát.
Tuy nhiên, với một đại dịch khó lường như Covid-19, việc thống kê, ghi nhận số ca nhiễm đối mặt rất nhiều thách thức. Đây được coi là lý do Trung Quốc từng gây hoài nghi về cách họ ghi nhận số ca nhiễm nCoV, khi liên tục thay đổi phương thức tính ca F0. Bắc Kinh nhiều lần bác bỏ cáo buộc nước này không minh bạch trong giai đoạn đầu ứng phó đại dịch.
Hồi đầu tháng 2/2020, thời điểm dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ở Trung Quốc, tâm dịch Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, báo cáo những tín hiệu tích cực, khi số ca nhiễm mới được thống kê mỗi ngày chỉ dừng ở vài trăm, cho thấy tốc độ lây lan của virus dường như đang chậm lại, đồng nghĩa nỗ lực kiểm soát dịch đã phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, tình thế đột ngột xoay chuyển sau khi giới chức Hồ Bắc ngày 13/2 bất ngờ báo cáo thêm gần 15.000 ca mới, cao gấp 10 lần so với một ngày trước đó và là mức tăng mạnh nhất một ngày kể từ thời điểm bùng dịch.
Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc giải thích họ quyết định thay đổi phương pháp tính số ca nhiễm "để phù hợp với báo cáo từ các tỉnh khác". Với cách tính mới, Hồ Bắc sẽ ghi nhận ca F0 dựa trên cả chẩn đoán lâm sàng của bác sĩ, thay vì chỉ dựa vào kết quả xét nghiệm axit nucleic như trước đây.
Gần 15.000 ca nhiễm mới được ghi nhận hôm 13/2 là những người được bác sĩ xác nhận có triệu chứng phù hợp với Covid-19, nhưng không nhất thiết phải có kết quả xét nghiệm dương tính với virus. Giới chức Hồ Bắc được cho là buộc phải đưa ra quyết định này bởi có quá nhiều người xuất hiện triệu chứng nhiễm nCoV, trong khi các cơ sở y tế ở tỉnh này thiếu dụng cụ, thiết bị để tiến hành quá trình xét nghiệm phức tạp.
Theo cách tính mới, những người được bác sĩ chẩn đoán nhiễm nCoV chỉ dựa trên kết quả chụp CT phổi cũng được tính vào số ca F0. Sự đơn giản hóa quy trình ghi nhận ca nhiễm này sẽ giúp thêm nhiều bệnh nhân được nhận vào bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 và được chăm sóc thích hợp, giới chức địa phương cho hay.
Tuy nhiên, chụp CT phổi được cho là phương pháp không chính xác để chẩn đoán người mắc Covid-19. Những bệnh nhân bị cúm mùa cũng có thể xuất hiện dấu hiệu viêm phổi khi chụp CT.
Đến ngày 19/2, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc lại ra chỉ đạo thay đổi cách tính, yêu cầu chỉ công nhận các ca nhiễm nCoV nếu xét nghiệm axit nucleic cho kết quả dương tính, đảo ngược quyết định của Hồ Bắc một tuần trước đó. Những người có chẩn đoán lâm sàng chỉ được coi là "ca nghi nhiễm".
Trung Quốc giải thích thay đổi về cách tính này là do họ đã cải thiện năng lực xét nghiệm. "Hồ Bắc ban đầu đưa ra tiêu chí chẩn đoán lâm sàng để điều trị kịp thời cho bệnh nhân nhiều khả năng nhiễm nCoV và giảm tỷ lệ tử vong", Vương Quý Cường, giám đốc Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm thuộc Hiệp hội Y khoa Trung Quốc, cho biết. "Nhưng giờ tình hình ở Hồ Bắc đã thay đổi"
"Khả năng xét nghiệm axit nucleic đã được cải thiện rất nhiều. Hiện tất cả trường hợp nghi nhiễm hoặc chưa được xác nhận có thể được xét nghiệm nhanh chóng. Xét nghiệm axit nucleic không còn là vấn đề nữa", ông nói thêm.
Đầu tháng 4/2020, Trung Quốc thông báo bắt đầu báo cáo các ca không triệu chứng nhằm "đáp ứng kịp thời mối quan tâm của xã hội". Trước đó, Trung Quốc không coi những ca không triệu chứng là F0, dù họ có kết quả xét nghiệm dương tính.
Theo Yanzhong Huang từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, việc tách riêng các ca F0 dựa trên cơ sở triệu chứng là điều hoàn toàn không bình thường, đặc biệt là khi hàng loạt nghiên cứu đã chỉ ra rằng những ca nhiễm thầm lặng, người mang virus nhưng không biểu hiện triệu chứng, là nguyên nhân gây ra nhiều đợt bùng dịch.
Một nghiên cứu của Đại học Hong Kong chỉ ra rằng Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã ban hành 7 định nghĩa khác nhau về ca nhiễm từ tháng 1/2020 đến đầu tháng 3/2020, trước khi công bố ghi nhận cả ca không triệu chứng. Sau 8 lần thay đổi, cách tính ca nhiễm của Trung Quốc được giữ nguyên đến hiện nay.
Trung Quốc đến nay về cơ bản đã kiểm soát được Covid-19 nhờ chiến lược phong tỏa chặt chẽ, xét nghiệm diện rộng và tiêm chủng quy mô lớn, giúp cuộc sống gần như trở lại bình thường. Một số ổ dịch bùng phát gần đây ở vài địa phương liên quan đến chủng Delta, nhưng nhanh chóng được khống chế.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 29/9 ghi nhận 6 ca lây nhiễm cộng đồng ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, cùng 16 ca nhập khẩu. Nước này không ghi nhận ca tử vong mới nào vì Covid-19 trong 24 giờ qua. Trung Quốc đã ghi nhận hơn 96.000 ca nhiễm và hơn 4.600 ca tử vong.
Ben Cowling, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hong Kong, một tác giả của nghiên cứu trên, cho biết định nghĩa ca F0 ban đầu mà Trung Quốc đưa ra rất hạn chế, chỉ bao gồm những bệnh nhân nặng. Họ sau đó dần dần mở rộng phạm vi, cho phép công nhận cả các ca bệnh nhẹ.
Những thay đổi liên tục về cách ghi nhận và báo cáo ca bệnh này được cho là đã phần nào cản trở thế giới có cái nhìn chính xác hơn về mức độ nghiêm trọng của đại dịch vào giai đoạn đầu.
"Tại Vũ Hán, trong giai đoạn đầu tiên, xét nghiệm được thực hiện khá hạn chế, chỉ với những bệnh nhân nặng", Cowling nói. "Đây là một trong những sai lầm ban đầu về cách phản ứng khi chỉ tập trung vào các ca nặng và không công nhận rất nhiều ca nhẹ khác".
Tuy nhiên, theo David Fisman, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Toronto, với virus lần đầu xuất hiện và khó lường như nCoV, cách giới chức xác định ca nhiễm thường thay đổi khi họ hiểu thêm về bệnh.
"Giới chức Trung Quốc mở rộng cách ghi nhận ca F0 khi cần để không bỏ sót các trường hợp nhiễm virus", ông giải thích. "Khi mọi thứ được kiểm soát, họ thu hẹp tiêu chí để làm cho nó nhất quán hơn, nhằm theo dõi những gì đang thực sự xảy ra".
Vũ Hoàng (Theo Time, CNBC, NYTimes)