Lá cờ xanh trắng của Phần Lan bắt đầu tung bay bên ngoài trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ở ở Brussels, Bỉ, ngày 4/4, đánh dấu khoảnh khắc Helsinki trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự lớn nhất thế giới và giúp biên giới giữa NATO với Nga tăng gấp đôi.
Động thái này được xem là đòn giáng chính trị và chiến lược đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người từ lâu phàn nàn về nỗ lực mở rộng về phía đông của NATO và xem đây là một trong những lý do khiến ông phát động chiến dịch ở Ukraine.
"Điều chúng ta thấy là ông Putin phát động cuộc chiến ở Ukraine nhằm làm suy yếu NATO, song nhận kết quả ngược lại", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói.
Trước khi gia nhập NATO, Phần Lan từng duy trì mô hình an ninh độc đáo với một quân đội được trang bị hiện đại, một xã hội với lực lượng dự bị đông đảo sẵn sàng được huy động khi đất nước bị tấn công, kết hợp với chính sách ngoại giao mềm mỏng, luôn sẵn sàng xoa dịu những quan ngại của Nga về mối đe dọa từ NATO.
Chính sách không liên minh quân sự của Phần Lan có nguồn gốc lịch sử sâu sắc. Trên lâu đài Suomenlinna ở ngoại ô Helsinki, một dòng chữ từ thế kỷ 18 có nội dung: "Hậu thế, hãy giữ vững lập trường và đừng bao giờ dựa vào sự giúp đỡ bên ngoài".
Sau một thế kỷ dưới sự cai trị của Sa hoàng Nga, Phần Lan giành độc lập năm 1917. Cuộc Chiến tranh Mùa đông với Liên Xô năm 1939-1940 đã góp phần định hình chính sách đối ngoại, an ninh của nước này trong hơn 7 thập kỷ sau đó.
Cuộc chiến nổ ra vào tháng 11/1939, sau khi lãnh đạo Liên Xô Stalin đề nghị Phần Lan trao đổi một phần lãnh thổ của nước này nhằm đảm bảo an ninh vùng biên giới phía bắc trước nguy cơ từ Đức Quốc xã, do thành phố Leningrad của Liên Xô khi đó chỉ cách biên giới 32 km.
Helsinki từ chối yêu cầu này, khiến Moskva phát động tấn công. Sau 100 ngày giao tranh và tổn thất ít nhất 25.000 người, Phần Lan chấp nhận nhượng lại một phần vùng Tây Karelia cho Liên Xô.
Sau cuộc chiến, Phần Lan bắt đầu thực hiện chính sách trung lập về quân sự. Khi NATO thành lập năm 1949, Helsinki đã quyết định không gia nhập liên minh, chủ yếu để tránh khiêu khích Moskva. Ở vị trí trung lập, Phần Lan đã tổ chức hội nghị an ninh và hợp tác châu Âu năm 1973, dẫn đến Hiệp định Helsinki nhằm giảm căng thẳng giữa Liên Xô và phương Tây.
Sau Chiến tranh Lạnh, trong khi các nước châu Âu liên tục cắt giảm ngân sách quốc phòng, Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Kaikkonen nói "chúng tôi không làm như vậy".
Họ xây dựng lực lượng pháo binh lớn nhất Tây Âu với 1.500 khẩu. Nước này mua tên lửa đất đối không tiên tiến của Mỹ và sở hữu một trong những hệ thống phòng thủ không gian mạng tốt nhất lục địa. Nghĩa vụ quân sự vẫn là chế độ bắt buộc ở quốc gia này.
Kể từ giữa những năm 1990, Phần Lan đã đảm bảo quân đội nước này có thể tương tác với NATO, có nghĩa các lực lượng của họ có thể tiến hành các hoạt động huấn luyện, diễn tập, tác chiến cùng quân đội NATO. Đồng thời, Helsinki cũng đã mua và sản xuất những khí tài tương thích với các thành viên của liên minh.
Năm 1995, Phần Lan có bước đột phá đầu tiên kể từ khi theo đuổi chính sách trung lập, khi quyết định gia nhập Liên minh châu Âu cùng Thụy Điển. "Từ khi gia nhập EU, chúng tôi đã không còn mô tả mình là quốc gia trung lập. Chúng tôi đã trở thành một thành viên của gia đình phương Tây", ông Kaikkonen nói.
Nhưng Helsinki vẫn duy trì chính sách không liên minh quân sự, dù ngày càng xích gần lại NATO, tham gia các sứ mệnh quân sự ở Bosnia, Kosovo và Afghanistan. Việc Nga mở chiến dịch ở Gruzia năm 2008 và sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 khiến giới chức an ninh Phần Lan tăng cường cảnh giác, nhưng không làm thay đổi mối quan hệ giữa họ với NATO. Đa số người dân Phần Lan vẫn phản đối phương án gia nhập liên minh quân sự này.
Nhưng sau khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraine, dư luận Phần Lan đã thay đổi, khi xu hướng ủng hộ gia nhập NATO ngày càng tăng. Phần Lan đã phá vỡ chính sách không chuyển vũ khí tới các vùng xung đột, khi quyết định gửi tên lửa chống tăng, súng trường tấn công và thực phẩm cho Ukraine.
Năm nay, Phần Lan dự kiến tăng ngân sách quốc phòng thêm 20%, tương đương 2,25% GDP. Phần Lan cũng đã hoàn thành thương vụ mua 64 tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ trị giá 9,4 tỷ USD.
Theo giới quan sát, khi Phần Lan gia nhập liên minh, NATO có thêm một thành viên đã dành nhiều thập kỷ phát triển "an ninh toàn diện", chiến lược huy động sức mạnh tổng thể được nước này xây dựng để đẩy lùi những cuộc xung đột như ở Ukraine.
Theo chiến lược an ninh toàn diện của Phần Lan, nước này có thể huy động một đội quân thời chiến 280.000 người và có thêm 600.000 quân dự bị, trở thành một trong những lực lượng vũ trang lớn nhất châu Âu tính theo đầu người.
Quy định xây dựng của Phần Lan yêu cầu các khu chung cư và công trình lớn phải có nơi trú ẩn chống chịu được bom và đòn tấn công hóa học. Quy định này khiến Phần Lan có hệ thống đường hầm dưới lòng đất và nơi trú ẩn trên khắp cả nước, có thể chứa hơn 4 triệu người, tương đương 70% dân số. Ở Helsinki, những hầm trú ẩn khổng lồ được sử dụng làm sân trượt băng hoặc sân vận động thể thao trong thời bình.
Cơ quan Cung ứng Khẩn cấp Quốc gia chịu trách nhiệm xây dựng kho dự trữ hàng hóa và dịch vụ bảo mật, điều phối hơn 1.000 công ty để tạo ra các liên kết trực tiếp giữa khu vực tư nhân và nhà nước. Phần Lan dự trữ 5 tháng nhiên liệu nhập khẩu và 6 tháng ngũ cốc, các nhà sản xuất thuốc cũng phải dự trữ 3-10 tháng.
Hơn 10.000 lãnh đạo doanh nghiệp và cộng đồng phải tham gia khóa học quốc phòng kéo dài nhiều tháng, trong đó họ tìm hiểu về vai trò của mọi người trong tình huống khẩn cấp, theo Janne Kankanen, giám đốc điều hành Cơ quan Cung ứng Khẩn cấp Quốc gia (NESA).
"Đôi khi mọi người hỏi liệu có có thể học hỏi được gì từ Phần Lan hay không. Tôi luôn nhấn mạnh vào các khóa học quốc phòng", Petri Toivonen, tổng thư ký ủy ban an ninh Phần Lan, nói.
Khi dư luận Phần Lan bắt đầu thay đổi quan điểm về gia nhập NATO, nước này đã bị tấn công mạng, gây cản trở hoạt động của các ngân hàng, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng. Giới chức Phần Lan cho rằng Nga đứng sau hoạt động này, nhưng Moskva bác bỏ.
Máy bay Nga đã áp sát Phần Lan khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trước quốc hội nước này vào đầu tháng 4/2022 và một lần nữa vào đầu tháng 5/2022, khi Helsinki tiến hành cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ và các nước NATO khác.
Những động thái đó càng khiến nhiều người dân Phần Lan ủng hộ quyết định gia nhập NATO. "Chúng tôi là một đất nước nhỏ. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác", ông Vaino Kinnunen, 90 tuổi, nói.
Giống tất cả thành viên NATO, Phần Lan từ nay được bảo vệ bằng Điều 5, chính sách phòng thủ tập thể của liên minh khi bất kỳ thành viên nào bị tấn công. Đồng thời, Phần Lan cũng phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng bảo vệ các đồng minh khác.
"Đây là một thay đổi lớn", Minna Alander, thành viên nghiên cứu tại Viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan, nói về tư cách thành viên NATO của Helsinki.
Alander thêm rằng dù từ lâu là đối tác thân thiết với liên minh, Phần Lan sẽ có "thay đổi lớn về tâm lý, bởi bây giờ chúng tôi không còn đơn độc nữa và chúng tôi có thể mong đợi sự giúp đỡ từ các đồng minh, thay vì phải tự mình bảo vệ lãnh thổ".
Thanh Tâm (Theo WSJ, AP, Bloomberg)