1. Luôn khử mùi hôi các loại thịt
Các loại thịt này kết hợp với các loại gia vị để có thể chế biến thành nhiều món, từ hầm, chiên, xào, rán, luộc... Tuy nhiên nếu bỏ qua một bước quan trọng nhất, sẽ không có món ăn nào thực sự hoàn hảo. Đó là khử mùi của các loại thịt.
Trước khi chế biến, hãy nhớ ngâm thị lợn, bò, cừu trong baking soda 30 phút để có thể loại bỏ hoàn toàn mùi hôi, đồng thời giúp thịt mềm hơn. Không nên ngâm quá lâu vì sẽ làm ảnh hưởng mùi vị thịt.
Đây là bí quyết các đầu bếp chuyên nghiệp hay áp dụng, đặc biệt với thịt bò. Ngoài các công dụng như trên nó còn giúp thịt bò khi chín có màu và vị đậm đà, bắt mắt hơn.
2. Kỹ năng chiên cá
Nhiều người bị mất điểm ở món cá chiên vì làm cá nát.
Muốn chiên cá vàng rộm và không nát, cần phải học được cách tạo lớp chống dính cho chảo. Đầu tiên làm nóng chảo, cho một ít dầu ăn vào chảo, đun nóng, rồi đổ lớp dầu này đi. Tiếp đó, cho ít dầu lạnh vào, làm nóng rồi mới cho cá rán. Theo cách này bạn sẽ không sợ dính chảo nữa vì đã có một lớp màng bảo vệ.
Bạn cũng có thể dùng củ gừng chà lên bề mặt chảo trước khi rán. Gừng sẽ tạo ra một lớp chống dính, đồng thời khử mùi tanh giúp món cá thơm ngon hơn. Hãy chiên một mặt cho thật vàng, sau đó mới đổi sang mặt khác.
3. Cách làm rau xanh
Muốn rau xanh, không bị ra nước hãy xào trên lửa lớn với mỡ lợn. Mỡ lợn giúp rau không chỉ béo, ngon hơn mà còn tạo ra màng bọc làm giảm lượng nước trong rau tiết ra.
Tại các nhà hàng, người ta còn thường chần rau sơ, rồi thả vào chậu nước đá lạnh, khi ăn mới xào, giúp rau luôn xanh bắt mắt. Thời điểm cho muối vào rau cũng rất quan trọng. Phải đợi rau chín tới mới cho muối. Nếu cho sớm quá, rau sẽ bị ra nước, không còn bóng, chưa kể ăn mất ngon.
4. Khử mùi tanh của cá
Nhiều người sợ cá mè, cá trôi, cá trắm vì mùi tanh. Nhưng lý do thật sự mùi tanh của cá chủ yếu do chưa được làm sạch.
Nên dùng baking soda làm sạch cá, lý do trong bột này có tính kiềm, giúp loại bỏ chất nhầy trên bề mặt của các loại cá. Một khi hết chất nhầy sẽ hết mùi tanh.
5. Dùng rượu khi nấu ăn
Nhiều người nghĩ đến rượu đầu tiên để khử mùi cho các loại thịt, cá. Tuy nhiên không phải nguyên liệu nào cũng dùng được rượu.
Ví dụ khi trộn nhân thịt băm làm bánh, tuyệt đối không cho rượu, bởi khi rượu gặp nhiệt độ cao sẽ bay hơi cồn, làm cho nhân bánh có vị lạ.
6. Xử lý khi món ăn bị mặn
Các món canh có thể dễ xử lý khi bị mặn, vì chỉ cần cho nước. Nhưng các món xào, hay hầm, bạn không thể làm vậy.
Trong trường hợp rau củ xào bị mặn, hãy thêm một chút đường để phân tán vị mặn và cân bằng món ăn.
Nếu là món hầm, bạn có thể cho thêm khoai tây hoặc củ cải vào, vì hai loại này có khả năng hấp thụ muối rất tốt.
Bảo Nhiên (Theo Sohu)