Tính đến hết ngày 20/3, top 5 bài thi dẫn dầu có số vote bám sát nhau như sau:
1. Cổng thông tin địa phương
Dự án có lượt bình chọn cao nhất tuần (500 vote) thuộc về nhóm The Innovators đến từ trường Đại học Thủy Lợi. Dự án xây dựng website/app có thể đưa tin, truyền thông thông báo của chính quyền địa phương tới người dân một cách nhanh chóng và cụ thể, nhằm giúp đỡ bà con nông dân cập nhật thông tin về nông, lâm, ngư nghiệp. Website với 6 mục chính, trong đó có các thông tin làm nông, tra cứu, kết nối người dân và chính quyền, tích hợp số hoá đất đai, gợi ý cho người dân loại cây nên trồng để đạt năng suất nhất; đặc biệt với vùng sâu vùng xa, nghèo khó chưa tiếp cận được nhiều kỹ thuật công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi. Nhóm kỳ vọng giải pháp sẽ giúp tiết kiệm thời gian, công sức hơn những cách truyền thống như treo poster, xe thông tin lưu động.
2. Website tự học chữ viết dân tộc Thái Việt Nam
Giải pháp hocchuthai.com của nhóm Hoa ban đỏ nhận được 475 lượt bình chọn. Với mục tiêu bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái, nhóm học sinh đến từ huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, đưa ra ý tưởng về website tự học dành cho cộng đồng muốn học chữ viết dân tộc Thái trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc, người dân tộc Thái cả nước. Sáng kiến hướng tới giải quyết những khó khăn còn tồn tại trong việc tự học tiếng dân tộc Thái, đề xuất phương pháp và lộ trình học.
Để tạo sự hứng thú cho người học, website tích hợp đầy đủ các phần học như bảng chữ cái, quy tắc ghép từ, các bài học từ cơ bản đến nâng cao theo giáo trình và tạo bài học sinh động qua video, luyện tập các từ khó nhớ, khó viết. Nhóm kỳ vọng phát triển dự án phi lợi nhuận, mang lại những khóa học miễn phí nhiều hơn cho người học, các em học sinh vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện mua khóa học.
3. Tổng hợp xanh nano bạc (AgNPs) từ dịch chiết hoa Quisqualis indica Linn cho ứng dụng kháng khuẩn và quang xúc tác
Dự án keo nano bạc (AgNPs) của nhóm Green Chemistry, gồm các thành viên từ trường THCS-THPT Liên Việt Kon Tum (Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum) và Đại học Công nghệ Đồng Nai nhận 329 lượt bình chọn. Nhóm chế tạo dung dịch keo nano bạc (AgNPs) bằng phương pháp tổng hợp xanh đơn giản, chi phí thấp và thân thiện môi trường từ dịch chiết hoa Quisqualis indica Linn với tiền chất AgNO3. Nguồn hoa Quisqualis indica Linn được thu thập từ địa phương, nhằm khai thác hoạt tính sinh học độc đáo của loại thực vật phổ biến này.
Các vật liệu hạt nano bạc đa ứng dụng được xem như hướng phát triển mới cho các sản phẩm khử khuẩn, kháng khuẩn, chống oxy hóa và quang xúc tác xử lý môi trường trong tương lai. Nhóm kỳ vọng thời gian định hướng ứng dụng AgNPs trong các sản phẩm khử khuẩn thương mại, phát triển rộng rãi trong nhiều lĩnh vực đời sống như xịt khử mùi giày dép, diệt nấm mốc trong tủ quần áo, xịt khử phòng.
4. Giải pháp kinh doanh cho các làng nghề truyền thống Việt Nam
Dự án "VitoMa" (Village to Market - từ Làng đến Chợ) đến từ 4 sinh viên trường Cao đẳng FPT Polytechnic Cần Thơ có 305 lượt bình chọn. Đây là giải pháp nhằm xây dựng ứng dụng sàn thương mại điện tử B2B "VitoMa" để giúp kết nối các sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam với doanh nghiệp trong nước. B2B "VitoMa" tổ chức các cuộc hội thảo trực tuyến, giúp các làng nghề truyền thống Việt Nam có thể giao lưu học hỏi, cập nhật kiến thức, xu hướng mới trên thế giới cũng như kiến thức giúp các làng nghề truyền thống nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm làng nghề.
Sàn thương mại điện tử B2B có tính năng phân loại các làng nghề dựa trên nhóm sản phẩm và vị trí địa lý, chia thành các giai đoạn phát triển cho các làng nghề ở các khu vực trong cả nước. Bước đầu nhóm tập trung ở Tây Nam Bộ, tập trung cho các làng nghề truyền thống như làm bánh tráng, bánh phồng, làng chằm nón lá, làng đan lưới Thơm Rơm, làng lụa Tân Châu hay làng nghề đường thốt nốt An Phú.... Ở mỗi làng nghề, sẽ có nhiều cửa hàng, mỗi cửa hàng tương ứng với 1 hộ gia đình và VitoMa sẽ hỗ trợ tổ chức các chương trình marketing, quảng cáo, hội chợ online để kết nối Làng nghề với thị trường.
5. TIR lens mới cho đèn LED công suất cao với giá thành thấp và chiếu sáng đồng đều
TIR lens mới thuộc lĩnh vực công nghệ chiếu sáng, ứng dụng trong dân dụng và công nghiệp, nông nghiệp và ngư nghiệp. Dự án đến từ TS Nguyễn Đoàn Quốc Anh, thuộc nhóm nghiên cứu tối ưu hóa hệ thống điện (PSO), Khoa Điện-Điện tử, trường Đại học Tôn Đức Thắng, với 272 lượt bình chọn.
Công nghệ TIR lens mới giúp tăng đồng dạng màu ánh sáng trắng, nghĩa là lens mới có thể phân bố lại bức xạ ánh sáng xanh và bức xạ ánh sáng vàng, từ đó nâng cao chất lượng màu ánh sáng trắng. Nhóm nhà khoa học nghiên cứu thay đổi sự phân bố đèn; khảo sát sự thay đổi màu sắc; hoặc độ rọi của đèn nhằm tăng hiệu quả chiếu sáng và giảm chi phí vận hành, giúp sử dụng đơn giản và áp dụng rộng rãi. Sáng kiến TIR lens mới nhận được Bằng sáng chế USPTO (Mỹ).
Cuộc thi Sáng kiến Khoa học (Creative Science Contest) năm 2023 đang diễn ra vòng Loại (từ ngày 15/3- 31/3). Ở vòng này, độc giả sẽ bình chọn cho sản phẩm/giải pháp mà mình yêu thích và đánh giá cao. Ban tổ chức và Ban giám khảo sẽ chấm điểm, chọn bài thi vào vòng chung kết dựa trên 40% bình chọn của độc giả và 60% điểm Ban giám khảo.
Khi bình chọn cho các bài thi, độc giả sẽ có cơ hội nhận được 01 pin sạc dự phòng Xiaomi Power Bank 3 10,000mAh Ultra Compact, trị giá 600.000 đồng. Từ ngày 20/3 đến 22/4, mỗi tuần VnExpress tổ chức quay thưởng một lần, mỗi lần chọn 3 độc giả may mắn để trao phần quà.
Thông tin về cuộc thi tại đây.
Như Quỳnh