Có khoảng 7.000 người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập tại Ukraine, hiện chưa có thiệt hại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết trong thông cáo hôm nay. Đến trưa 1/3, đã có khoảng 200 người được đại sứ quán và các hội đoàn tại Ukraine hướng dẫn, hỗ trợ sơ tán ra khỏi vùng chiến sự.
Người phát ngôn cho biết Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan khác và các hãng hàng không trong nước xây dựng phương án đảm bảo an ninh, an toàn và điều kiện cần thiết để sơ tán công dân Việt Nam khỏi vùng chiến sự và về nước nếu có nguyện vọng.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở Ba Lan, Nga, Rumani, Hungary, Slovakia trực đường dây nóng bảo hộ công dân, trao đổi và phối hợp cơ quan chức năng sở tại cập nhật tình hình người Việt từ Ukraine sang, đề nghị tạo thuận lợi cho việc nhập cảnh, quá cảnh và lưu trú tạm thời, cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho người Việt Nam, phối hợp với các hội đoàn cộng đồng hỗ trợ người sơ tán. Bộ Ngoại giao cũng đã đề nghị giới chức các bên liên quan tạo hành lang an toàn cho kiều bào sơ tán.
Bộ Ngoại giao cho biết đã chỉ đạo đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine thường xuyên liên hệ, trao đổi với cộng đồng người Việt tại địa phương, đồng thời ra khuyến cáo an toàn, lưu ý công dân theo dõi sát và thực hiện nghiêm thông báo, hướng dẫn của giới chức địa phương, chuẩn bị nhu yếu phẩm, tìm nơi trú ẩn an toàn, giữ liên lạc với các hội đoàn và bạn bè, liên lạc ngay với các cơ quan chức năng thông qua đường dây nóng bảo hộ công dân trong trường hợp khẩn cấp hay cần trợ giúp sơ tán.
Nga ngày 24/2 mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine". Sau 6 ngày triển khai chiến dịch, lực lượng Nga đến nay đã kiểm soát được Berdyansk, thành phố duyên hải ở đông nam Ukraine và tuyên bố đang phong tỏa Kherson ở miền nam nước này. Lực lượng Nga cũng đang tăng cường bao vây các thành phố lớn khác của Ukraine như Kiev và Kharkov.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng nước này đã kiểm soát thành phố Enerhodar ở tây bắc tỉnh Zaporizhzhya, đông nam Ukraine, cũng như khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya. Tuy nhiên, Ukraine phủ nhận Nga đã kiểm soát khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya.
Trong lúc giao tranh căng thẳng, phái đoàn Nga và Ukraine hôm 28/2 đàm phán tại Belarus trong khoảng 5 giờ. Hai bên sau đó trở về thủ đô tham vấn lãnh đạo và đều tỏ ý sẵn sàng duy trì đối thoại.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 28/2, Tổng thống Putin nhấn mạnh một giải pháp hòa bình chỉ khả thi "khi lợi ích an ninh hợp pháp của Nga được tính đến vô điều kiện", bao gồm "công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea, hoàn thành nhiệm vụ phi quân sự hóa và phi phát xít hóa nhà nước Ukraine, cũng như đảm bảo trạng thái trung lập của Kiev".
Vũ Hoàng