Mùa thi đại học lại đến, những gia đình có con em đi thi đại học lại tất bật đưa đón con trong những ngày quan trọng này. Trong một lần đưa em đi thi đại học, tôi cùng một phụ huynh khác trong lúc chờ đợi đã làm một phép tính cho 4 năm học đại học.
Theo phân tích của tôi, một sinh viên học ở trường công lập học phí 1 năm từ 8 -10 triệu, tiền sinh hoạt 2 triệu (tính theo thời điểm hiện nay). Như vậy sau bốn năm một người sẽ tiêu hết 128 triệu. Đối với trường dân lập thì học phí cao gấp 2 lần tức là hết khoảng 160 triệu.
Trên đây là khoản chi phí cho một tấm bằng đại học, ngoài ra còn nhiều vấn đề khác như về thời gian phát sinh trả nợ môn học, tiền ăn ở, ốm đau bệnh tật... mà tôi chưa nói tới. Các chi phí trên chưa bao gồm sách vở, dụng cụ học tập, thực hành và chi phí làm đồ án, bảo vệ, luận văn… Sẽ hết thêm từ 3 -10 triệu nữa tùy vào từng trường và từng chuyên ngành.
Với chi phí trên 100 triệu cho 4 năm đại học đó làm cho cả tôi và bác phụ huynh kia phải giật mình. Nếu gia đình có thu nhập khá và các em thật sự cố gắng phấn đấu học giỏi, chịu khó đi làm thêm thì gánh nặng kia sẽ được san sẻ phần nào.
Ngược lại, nếu con em mình học trung bình hay học giỏi đi chăng nữa, nhưng không có ý thức bản thân, gia đình và tương lai mà chỉ biết ăn với học, mọi chi phí đều phụ thuộc bố mẹ, như thế số tiền trên là 100% gia đình chu cấp, chưa kể những phát sinh hoặc có tính đua đòi, chơi bời.
Có không ít sinh viên bây giờ khi về nhà thì tỏ ra rất ngoan để được bố mẹ tin tưởng. Nhưng đường sau đó thì các em lại ăn tiêu không tiết kiệm, không nghĩ tới bố mẹ vất vả làm lụng để mỗi tháng có tiền gửi cho mình ăn học.
Bây giờ xét về quá trình của một đời người có thể được tóm gọn như sau: tốt nghiệp trung học phổ thông xong thi đại học là 18 tuổi. Nếu đậu năm đầu thì không nói làm gì, nhưng nếu không đậu sẽ mất thêm một năm, thậm chí là vài năm để ôn thi lại.
Sau 4 năm, nếu suôn sẻ thì tốt nghiệp đúng hạn là 22 tuổi, đi xin việc và làm thử việc 3 năm đã 25 tuổi, lúc này mới tự kiếm tiền, tự nuôi sống, làm tốt lương khá thì 5 năm sau mới dư chút đỉnh tức là 30 tuổi. Nhưng để ổn định và dư giả thì 3-5 năm nữa, tầm 33 - 35 tuổi. Gần 1/2 đời người nếu mọi kế hoạch và mục tiêu trôi chảy.
Xét ở góc độ khác, nếu không theo tấm bằng đại học thì mất 2-3 năm học nghề, tức là vừa làm vừa học, có thể tự cung tự cấp thì xem như chi phí trên rất nhỏ, sau khi ra nghề tất nhiên là có việc làm ngay vì thị trường Việt Nam hiện nay thừa thầy thiếu thợ, một năm khoảng 20-30 nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học, trong khi 40-60 nghìn doanh nghiệp giải thể.
Một sự bất hợp lý đang diễn ra là các trường đào tạo thợ tay nghề lại có số lượng thi tuyển rất ít. Điều đó dễ thấy là một kĩ sư, cử nhân đại học đi xin việc tỷ lệ chọi cao gấp nhiều lần một thợ có tay nghề, trong khi mức lương chưa chắc đã bằng hoặc thấp hơn do chi phí nhiều hơn trong cuộc sống, giao tiếp, tính chất công việc.
Như vậy về thời gian thì hướng đi này sẽ rất ngắn, chỉ 20 tuổi đã ra nghề bắt đầu kiếm tiền, 25 tuổi tay nghề cứng và có 5 năm kinh nghiệm bắt đầu tích lũy và có dư, 30 tuổi ổn định cuộc sống nếu suôn sẻ các kế hoạch định hướng.
>>Xem thêm: Kêu học phí đắt, sinh viên tự ngẫm lại mình
Trần Văn Dũng
Chia sẻ những câu chuyện về định hướng nghề nghiệp của bạn tại đây.