Các sếp cũ của ACB, VNCB và OceanBank đều đã phải hầu hòa vì những sai phạm của mình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngân hàng.
Video: Anh Tú.
Ông Hà Văn Thắm bắt đầu hầu tòa ngày 27/2/2017 trong vụ án tại OceanBank. Ảnh: Giang Huy.
Ông Hà Văn Thắm trong lần đầu hầu tòa sáng 27/2. Ảnh: Chụp qua màn hình.
Trong quá trình điều hành OceanBank, nguyên Chủ tịch Hà Văn Thắm và cấp dưới được xác định thực hiện nhiều hành vi sai phạm, gây thiệt hại số tiền lớn. Trong đó, ông cho công ty của Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng — VNCB) vay 500 tỷ đồng trái quy định, không thể thu hồi.
Ông Thắm cũng chỉ đạo chủ trương chi tiền lãi suất ngoài với khách hàng gửi tiền tại OceanBank, gây thiệt hại gần 990 tỷ đồng. Trong đó, riêng việc ưu ái lãi suất huy động vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gây thiệt hại 550 tỷ đồng.
Ông Hà Văn Thắm trong giờ nghỉ trưa giữa 2 phiên xử. Ảnh: Giang Huy.
Cựu Chủ tịch OceanBank còn bị cáo buộc cùng cấp dưới vì động cơ cá nhân đã đề ra chủ trương “thu phí” của khách hàng vay vốn và khách hàng mua ngoại tệ thông qua Công ty BSC (do ông Thắm chỉ đạo điều hành) trái với quy định của nhà nước, dẫn đến thiệt hại cho nhà băng và khách hàng gần 71 tỷ đồng.
Cùng với ông Thắm, các vị nguyên tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc, giám đốc khối, chi nhánh của OceanBank cũng phải hầu tòa. Trong phần thẩm vấn căn cước tại phiên khai mạc sáng 27/2, nhiều bị cáo nữ đã bật khóc khi trả lời lý lịch. Bị cáo Nguyễn Minh Thu, cựu Phó tổng giám đốc OceanBank, không giữ được bình tĩnh khiến chủ tọa phải trấn an.
Nhiều sếp nữ OceanBank bật khóc trước tòa trong phiên xử đại án sáng 27/2.
Đây là những cá nhân có trách nhiệm trong việc quyết chủ trương đem 718 tỷ đồng của Ngân hàng Á Châu (ACB) đi gửi với lãi suất vượt trần tại VietinBank, để rồi bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt. Các vị này cũng thống nhất giao ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) đầu tư cổ phiếu, dẫn đến thua lỗ cho ngân hàng...
"Bầu" Kiên luôn tỏ thái độ tự tin khi đối chất trước tòa. Ảnh: TTXVN.
Trước tòa, Nguyễn Đức Kiên nhiều lần khẳng định không phạm tội Kinh doanh trái phép do không có quy định pháp luật nào nêu kinh doanh vàng trạng thái phải đăng ký.
Về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt 264 tỷ đồng khi bán 20 triệu cổ phần của Công ty thép Hoà Phát (đã thế chấp ngân hàng) cho Công ty TNHH Một thành viên thép Hoà Phát, luật sư và bị cáo Kiên cho rằng cấp sơ thẩm không xem xét thỏa đáng khi kết tội. Bị cáo Kiên khai không có mục đích chiếm đoạt tiền của Thép Hoà Phát. Việc Công ty ACBI sử dụng số tiền của Công ty TNHH Một thành viên Thép Hoà Phát là đúng quyền sở hữu.
Về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế, Hội đồng xét xử cho hay các luật sư và bị cáo Kiên khai không tác động đến các thành viên khác của ACB khi thống nhất chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền ở ngân hàng khác. Nghị quyết của HĐQT ACB ở thời điểm đó không trái với quy định của pháp luật.
Bầu Kiên đề nghị tại toà. Video: Thanh Tùng.
Viện kiểm soát cho rằng việc kết tội bị cáo Nguyễn Đức Kiên dùng các thủ đoạn để chiếm đoạt 264 tỷ đồng của công ty TNHH Một thành viên Thép Hoà Phát là không oan.
Ông Nguyễn Đức Kiên bị kết án 30 năm tù, nộp phạt hơn 75 tỷ đồng với các tội: Trốn thuế, Kinh doanh trái phép, Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái. Ông này còn bị cấm đảm nhiệm các hoạt động liên quan đến ngân hàng.
Bầu Kiên dặn vợ 'không bao giờ được chạy án'. Video: Xuân Bắc - Việt Dũng.
Lý Xuân Hải xuất hiện tại phiên toà sơ thẩm trong dáng vẻ gầy, ốm.
Khi là Tổng giám đốc ACB, thực hiện chủ trương của HĐQT ACB, ông Lý Xuân Hải đã chỉ đạo và ủy quyền cho kế toán trưởng ủy thác hơn 718 tỷ đồng cho 19 nhân viên ACB gửi tiền tiết kiệm tại một nhà băng khác là Vietinbank. Toàn bộ số tiền ủy thác này đã bị "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt. Bên cạnh đó, ông Hải còn bị cáo buộc thống nhất ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, dẫn đến gây thiệt hại cho ACB.
Ông Lý Xuân Hải từng khẳng định: "Nếu có bất cứ phán quyết nào, tôi cũng không bao giờ oán hận". Ảnh: Giang Huy.
Ông Lý Xuân Hải cho rằng mình không cố ý làm trái và là người có công dừng việc làm sai tại ACB và tránh tổn thất cho ngân hàng. Khi phát biểu lời cuối tại tòa, vị thuyền trưởng một thời của ACB mong Hội đồng xét xử xem xét tình tiết này.
“Mong dành cho tôi một cơ hội để sớm về chăm lo cho vợ con và người cha già. Nếu có bất cứ phán quyết nào, tôi cũng không oán giận”, ông Hải nói. Cuối cùng, tòa tuyên án Lý Xuân Hải 8 năm tù và tương tự như bầu Kiên, ông Hải bị cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến ngân hàng.
Cả 3 vị sếp cũ của ACB này đều phải ra toà vì có liên quan tới quyết định gửi 718 tỷ đồng tại VietinBank và bị Huyền Như chiếm đoạt cũng như việc giao bầu Kiên đầu tư cổ phiếu ACB.
Trước vành móng ngựa, 3 ông đều khai báo thành khẩn. Trong khi các ông Lê Vũ Kỳ và Trịnh Kim Quang bị tuyên án 4 năm tù thì ông Phạm Trung Cang bị phạt 3 năm tù.
Ảnh: Hải Duyên.
Xét xử năm 2016, ông Phạm Công Danh, người được tòa nhận định là chủ mưu gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng, giữ nguyên mức án 30 năm tù về các tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Phạm Công Danh đã dùng các công ty do mình thành lập để ký hợp đồng khống, rút tiền từ VNCB ra để chi tiêu cá nhân và trả nợ cho Tập đoàn Thiên Thanh (do Danh làm tổng giám đốc). Trong thời gian ngắn từ tháng 12/2012 đến tháng 5/2014, Phạm Công Danh đã đề ra chủ trương, chỉ đạo, tổ chức phân công cho những nhân viên dưới quyền của VNCB và những nhân viên làm thuê tại Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng.
Ông Phạm Công Danh hầu toà. Video: Vũ Đoan - Thanh Huyền.
Dù chưa hẳn là một “sếp” nhưng Huỳnh Thị Huyền Như — nguyên Quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ VietinBank (TP HCM) lại là một trong những tội phạm được nhắc tới nhiều nhất trong giới ngân hàng với màn siêu lừa hơn 4.000 tỷ đồng. Vụ án này được xem là một trong 6 "đại án" trong năm 2013.
Lợi dụng danh nghĩa và chức vụ của mình, Huyền Như đã dụ nhiều cá nhân và tổ chức (trong đó có nhiều ngân hàng) mang tiền gửi cho mình và chiếm đoạt. Huyền Như bị truy tố về 2 tội danh: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.
Huyền Như nức nở khi hầu toà. Video: Hồng Phúc.
Huyền Như bị tuyên án tù chung thân. Cô cũng sắp bị TAND TP HCM đưa ra xét xử sơ thẩm lần 2 về tội Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Thanh Thanh Lan
Đồ họa: Việt Chung