Thói quen dùng từ khi phát biểu của Trump
Jennifer Sclafani, phó giáo sư ngôn ngữ học tại Đại học Georgetown, đã phân tích những cụm từ ông Trump thường sử dụng, theo CNN.
“Tin tôi đi”.
Nói trong 26 bài phát biểu.
"Việc giải thích cụm từ này tùy thuộc vào khán giả", Sclafani nói. "Với những người ủng hộ Trump, nó giống như lời bảo đảm từ tổng thống mà họ tin tưởng. Nhưng đối với người phản đối, nó giống như đề nghị tuyệt vọng từ một nhà lãnh đạo không đáng tin cậy”, bà nhận xét.
“Nhưng những cụm từ này có chức năng tương tác với khán giả”, bà nói thêm. Trong một bài phát biểu dài, cụm từ như "tin tôi đi" khiến khán giả chú ý, nhằm làm nổi bật hay nhắc lại một điểm nhất định.
Chúng ta sẽ khiến…
Nói trong 12 bài phát biểu
Cách diễn đạt này "có thể được hiểu như sự bảo đảm của một nhà lãnh đạo hay doanh nhân tự tin", Sclafani nói. "Cấu trúc này cho thấy một cái nhìn tích cực và lạc quan về những gì tổng thống có thể làm và sẽ thực hiện cho đất nước".
Nhiều tiền
Nói trong 9 bài phát biểu
"Ông Trump thường hay nói chung chung", Sclafani nhận xét. "Cách nói này thường có nhiều mục đích, nhưng đôi khi tổng thống sử dụng chúng để tạo phản ứng từ phía khán giả, có thể là sốc, mất tinh thần, hoặc ghét bỏ.
Ông ấy là người tuyệt vời
Nói trong 6 bài phát biểu
Ông Trump có xu hướng đưa ra những nhận định cá nhân, cả tích cực lẫn tiêu cực. Trong chiến dịch tranh cử, ông được biết đến nhiều hơn với những lời công kích cá nhân, nhưng ông cũng là một tổng thống rất hay khen ngợi người khác.
Tuy nhiên, "lời khen ngợi của ông thường không có nhiều giá trị vì nó không nhận xét về năng lực hay khả năng của đối phương mà là đánh giá chung chung", Sclafani bình luận.
Chiến thắng thêm lần nữa
Nói trong 5 bài phát biểu
"Chiến thắng" là một trong những mô típ có sức thuyết phục yêu thích nhất của ông Trump. Từ "chiến thắng" sẽ tạo phản ứng từ khán giả ngay lập tức. Chiến thắng là điều tốt. Chiến thắng là điều mọi người đều muốn. Nó cũng khiến mọi điều hiện lên giống như một thách thức, một cuộc thi để phải giành chiến thắng. Việc này cũng giống với tính cách cạnh tranh và xuất thân thương trường của ông Trump.
Nó cũng khiến công chúng nhớ lại khoảnh khắc mang tính biểu tượng trong chiến dịch tranh cử của ông. Tại cuộc mít tinh ở Albany, New York tháng 4/2016, ông Trump có bài phát biểu hùng hồn với rất nhiều từ "chiến thắng".
Trump liên tục dùng từ chiến thắng khi phát biểu
Chúng ta sẽ chăm lo cho...
Nói trong 8 bài phát biểu
"Cách diễn đạt này khiến tôi nhớ đến điều nhà ngôn ngữ học George Lakoff gọi là mô hình chính phủ 'người cha nghiêm khắc', trong đó đất nước là một gia đình và tổng thống được coi là phụ huynh", Sclafani nói. Lakoff cho rằng những người bảo thủ thường có cách nhìn kiểu này - tổng thống vừa là người cai quản và thi hành kỷ luật, vừa là người bảo vệ gia đình.
"Tôi cũng bị ấn tượng bởi cách ông Trump thường dùng ngôi số nhiều thay vì xưng 'tôi' như ông hay làm trong chiến dịch tranh cử", chuyên gia nhận xét thêm. "Xét về mặt này, có thể thấy kể từ khi trở thành tổng thống Mỹ, ông Trump đã có sự thay đổi trong ngôn ngữ để thể hiện sự đoàn kết đất nước.
Những người đàn ông và phụ nữ đáng kinh ngạc
Nói trong 6 bài phát biểu.
Đây là một ví dụ khác về những lời khen thường thấy của Trump. Khi Trump nói về "những người đáng kinh ngạc", ông thường nói về quân đội hoặc nhân viên hành pháp.
Trong 6 lần ông Trump dùng cụm từ này, 4 lần nói về cán bộ hành pháp, một lần nói về hải quân Mỹ và một lần nói về những người “phục vụ đất nước trong bộ đồng phục”.
Hàng tỷ hàng tỷ USD
Nói trong 7 bài phát biểu
"Số tiền chính xác không quan trọng trong việc truyền đạt thông điệp, vì nó có thể rất nhiều đối với một số người nhưng có thể không nhiều đối với người khác, tùy thuộc vào kinh tế cá nhân của họ", Sclafani nói.
"Vì vậy, cách diễn đạt như “rất nhiều tiền” và "hàng tỷ, hàng tỷ USD" là cách truyền đạt ý tưởng về một số tiền rất lớn mà không cần phải cung cấp chi tiết cụ thể.
"Nhìn chung, phong cách hùng biện của Trump có thể được xem như sự tiếp nối phong cách của ông trong thương trường. Điều này đặc biệt rõ ràng khi chúng ta so sánh phong cách của ông với các đối thủ trong cuộc bầu cử năm 2016 và các tổng thống tiền nhiệm", Sclafani nói.
"Trong khi những người khác quá thận trọng, hàn lâm, hoặc quá cụ thể, Trump không bận tâm đến việc đi vào chi tiết. Ông thể hiện mình là nhà lãnh đạo chỉ tập trung vào tầm nhìn ông vạch ra cho tương lai đất nước", bà đánh giá.
Phương Vũ