Ngồi trong quầy thu ngân, chị Hà - chủ một cửa hàng mỹ phẩm trên phố Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội) rất phấn khởi khi thu về hơn 10 triệu đồng tiền hàng chỉ sau hơn một tiếng đồng hồ buổi trưa. Chị Hà cho biết đã mở cửa hàng này hơn 3 năm, bán sản phẩm ngoại nhập là chủ yếu và doanh thu năm sau luôn cao hơn trước ít nhất là 20%.
Trong hàng chục lượt khách đang ra vào tấp nập tại đây, Thủy - một nữ nhân viên văn phòng trên phố Ngô Quyền (Hoàn Kiếm) vừa ăn trưa cùng bạn gần đó cũng tranh thủ đi mua sắm. Thủy cho biết đang tìm mua thêm một loại son mới ra có giá trên dưới 1 triệu đồng. Khi được hỏi về "ngân sách" bỏ ra cho các sản phẩm làm đẹp cá nhân, Thủy thừa nhận là thường không tính đến. Tuy nhiên, nếu nhẩm theo khoảng 4-5 thỏi son đã mua năm qua, cùng nước hoa và các sản phẩm khác, cô cho biết số tiền dành ra không dưới 20 triệu đồng.
Những nữ nhân viên văn phòng như Thủy là khách hàng quen của chị Hà cũng như các doanh nghiệp, cửa hàng bán mỹ phẩm nhập khẩu tại nhiều đô thị lớn tại Việt Nam những năm gần đây. Đó là chưa kể một lượng lớn mỹ phẩm xách tay của hầu hết các thương hiệu lớn trên thế giới được bán qua mạng Internet. Người mua đa phần có thu nhập từ trung bình trở lên, được truyền cảm hứng bởi những thông điệp như "Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp", "Không ra đường nếu không có son"... Họ đã biến Việt Nam trở thành một mảnh đất không quá mới, song vẫn rất màu mỡ cho các thương hiệu mỹ phẩm ngoại nhập.
Theo dữ liệu từ Trade Map của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) và Ngân hàng Thế giới (WB), từ con số chưa đầy 500 triệu USD năm 2011, giá trị mỹ phẩm nhập khẩu vào thị trường Việt Nam đã tăng lên hơn 1,1 tỷ USD năm 2016. Con số này được dự báo tiếp tục tăng gấp đôi, lên khoảng 2,2 tỷ USD vào năm 2020.
Các số liệu này cũng được củng cố khi báo cáo nghiên cứu thị trường của Euromonitor International cũng cho biết, quy mô thị trường mỹ phẩm Việt Nam, với 90% là hàng nhập khẩu, đã vượt mốc 1 tỷ USD từ cách đây 2 năm với mức tăng trưởng hằng năm thường xuyên đạt 2 con số.
Tỷ trọng dành cho mặt hàng này trong tổng ngân sách của của người tiêu dùng cũng được các chuyên gia ước tính tăng lên mức 1,2% sau 3 năm nữa, so với con số 0,4% của năm 2011.
Giá trị nhập khẩu mỹ phẩm của Việt Nam ước đạt hơn 1,1 tỷ USD trong năm 2016. Nguồn: ITC Trademap và Worldbank
Cũng theo số liệu từ ITC, Singapore, EU, Thái Lan và Hàn Quốc đang là những nền kinh tế giữ thị phần cao nhất trong xuất khẩu mỹ phẩm vào Việt Nam. Riêng với khu vực châu Âu, trong khi mỹ phẩm nhập từ Pháp và Italy giảm trong thời gian gần đây với tỷ lệ lần lượt 16% và 3%, thì Tây Ban Nha, Đức và Ireland đang nhanh chóng thay thế với tốc độ tăng trưởng 2-16%.
Số liệu từ Tổng cục Hải Quan cho biết, chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2017, giá trị nhập khẩu các mặt hàng chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh từ Singapore vào Việt Nam đã đạt gần 30 triệu USD. Các quốc gia khác như Italy, Pháp, Hàn Quốc, Thái Lan đạt từ 2 đến 7 triệu USD.
Tổ chức kết nối thương mại Liên minh châu Âu – Việt Nam (EU – Vietnam Business Network - EVBN) trong một báo cáo mới công bố đã nhận định: "Phần lớn tốc độ tăng trưởng này đến từ quá trình đô thị hóa, sự tiếp xúc với phương tiện truyền thông quốc tế và sự gia tăng sức mạnh tiêu dùng".
Đứng đầu trong danh sách những mặt hàng mỹ phẩm nhập khẩu vào Việt Nam là nước hoa (chiếm 55%) và các sản phẩm trang điểm (make-up, chiếm 21%). Các dòng sản phẩm còn lại như chăm sóc tóc, các loại kem cạo râu và tinh dầu chiếm 2 - 8%.
Nước hoa và đồ trang điểm tại thị trường Việt Nam theo số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế cũng là hai dòng sản phẩm có xu hướng tăng giá mạnh nhất, đạt lần lượt 27% và 10%.
Sau 3 năm kinh doanh trên phố Xã Đàn, chị Hà cho biết đang tìm địa điểm để mở 2 cửa hàng nữa tại quận Hai Bà Trưng và Hoàng Mai, đồng thời đẩy mạnh việc kinh doanh trên mạng. Bà chủ này nhìn nhận những khách hàng như Thủy ngày một đông và sẵn sàng chi tiêu từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng cho mỗi lần khi gặp được sản phẩm ưng ý tại địa chỉ cung cấp uy tín. Quan trọng hơn, họ còn thường xuyên trao đổi và giới thiệu bạn bè đến cửa hàng của chị.
Theo khảo sát tại các cửa hàng, doanh nghiệp bán mỹ phẩm, mặt hàng chăm sóc sắc đẹp nhập khẩu tại Việt Nam hiện có mức giá trung bình từ vài trăm cho tới vài triệu đồng tùy thương hiệu, trong đó nhóm sản phẩm cao cấp (high-end) có giá lên tới hàng chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng.
"Giá trị một thỏi son tầm vài triệu, một bộ sản phẩm chăm sóc da khoảng 20-30 triệu đồng là điều không hiếm và không quá tầm với nhiều khách hàng đam mê sản phẩm làm đẹp", đại diện một nhà nhập khẩu chia sẻ.
Theo Tổ chức kết nối thương mại Liên minh châu Âu – Việt Nam (EU – Vietnam Business Network - EVBN), khu vực miền Nam và Nam Trung Bộ đang dẫn đầu cả nước về xu hướng tiêu dùng các sản phẩm làm đẹp với quy mô hơn 67% toàn thị trường, khu vực miền Bắc chiếm gần 30% trong khi Bắc Trung Bộ chỉ chiếm khoảng 3,13%.
Báo cáo vừa công bố của Kantar Worldpanel, tổ chức nghiên cứu hành vi người mua hàng cho biết, có 80% người tiêu dùng tại thành thị mua ít nhất 1 sản phẩm chăm sóc sắc đẹp trong 1 năm. Tỷ lệ chi tiêu cho các dòng sản phẩm này chiếm khoảng 25% tổng chi cho chăm sóc cá nhân.
Khảo sát của tổ chức này cũng cho thấy, trung bình mỗi người tiêu dùng chi khoảng 104.000 đồng cho mỗi lần mua sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, cao hơn 41% so với số tiền chi ra cho các sản phẩm chăm sóc cá nhân thông thường. Trong đó, những nhóm hàng được ưa chuộng theo khảo sát của Kantar gần đây là sản phẩm tẩy trang, kem chống nắng và son, dưỡng môi.
Nguồn: Kantar Worldpanel
"Thị trường làm đẹp Việt Nam vẫn đang trong quá trình phát triển. Đây chính là cơ hội chiếm lĩnh thị phần và giành phần thưởng giá trị cho những ai dẫn đầu xu hướng và biết dẫn dắt người tiêu dùng, bởi ngày nay, kiến thức về sắc đẹp cũng như về các phương thức làm đẹp đã được phổ cập nhiều hơn", chuyên gia của Kantar Worldpanel đánh giá. Hãng nghiên cứu này cũng cho rằng với khoảng 20 triệu phụ nữ Việt trong độ tuổi từ 15 đến 39 (40% dân số nữ), các thương hiệu mỹ phẩm đang có một mảnh đất đầy tiềm năng để khai thác.
Và bất chấp xu hướng mua các sản phẩm có giá thành thấp hơn ở nhiều ngành hàng, mỹ phẩm vẫn là lĩnh vực không quá thách thức với các sản phẩm cao cấp, có giá thành cao hiện nay. Điển hình như người tiêu dùng ngày nay đã chi nhiều hơn cho các sản phẩm dầu xả tóc, dưỡng da, trang điểm phân khúc cao hơn, thay cho các lựa chọn có giá thành thấp trước đó.
Minh Sơn - Anh Tú