‘Đỏ mắt’ tìm hàng Việt ở Bangkok

“Ở đây bán chủ yếu trái cây tươi và đã qua chế biến của Thái Lan. Hàng ngoại thì có một ít nhập từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Còn hàng Việt Nam hiện chúng tôi không có”, ông Pradit Intiya – Giám đốc phụ trách mảng thực phẩm khô của Eathai Market cho biết.

Eathai Market là khu vực kinh doanh thực phẩm nằm trong trung tâm thương mại Central Embassy tại Bangkok (Thái Lan). Trung tâm mua sắm này thuộc phân khúc cao cấp. Tuy nhiên, các loại trái cây tươi lẫn chế biến tại đây hầu hết là sản phẩm nội địa chứ ít có "đất" cho hàng nhập. Sau vài giây suy nghĩ, ông Pradit nhớ ra một quầy bán phở Việt Nam ở gian hàng ăn uống.

Quầy phở là địa điểm 'hot' tại Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan đang diễn ra. Ảnh: Viễn Thông

Phở có lẽ là sản phẩm dễ tìm và có thể được người Thái nhớ đến khi hỏi đến hàng hóa Việt Nam. Nhiều trung tâm mua sắm lớn ở Bangkok đều có quầy ẩm thực Việt. Tại Central Plaza Ladprao - một trong những trung tâm thương mại lớn nhất ở Bangkok, nhà hàng Viet Cuisine với logo cách điệu từ chiếc nón lá chiếm một vị trí khá đẹp trong khu ăn uống, bên cạnh các nhà hàng Nhật Bản.

Tuy nhiên, cũng tại đây, tìm sản phẩm thương hiệu Việt chưa dễ. Central Group, tập đoàn sở hữu hệ thống bán lẻ hàng đầu tại Thái Lan cho biết chỉ mới khoảng 20 doanh nghiệp Việt Nam đưa được hàng vào hệ thống này.

“Chúng ta có giấc mơ tạo dựng thương hiệu riêng của mình trên trường quốc tế đã rất lâu. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là giấc mơ vì chúng ta đang bán qua rất nhiều đại lý. Các đại lý này không dùng thương hiệu Việt Nam mà họ đóng gói lại theo thương hiệu của họ. Chính vì thế, hàng hóa thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế hầu như không phát triển được.”

Ông Đặng Hoàng Hải - Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu (Bộ Công Thương)

Có nhiều cái khó khác nhau. Trái cây là một ví dụ. Cho đến nay, khả thi nhất để "lội ngược dòng" sang Thái là trái vải. Mùa vải Việt Nam muộn hơn Thái Lan một tháng. Trái vải Việt được đánh giá là hạt lép và vị ngọt hơn trái vải Thái nên xuất khẩu được. Còn trái cây khác thì đang… vô phương.

“Ngoài trái vải thì rất khó có cơ hội cho trái cây khác xuất khẩu sang Thái. Vài năm nay, tôi đi khảo sát khắp các siêu thị bên này nhưng chưa thấy triển vọng. Ví dụ như nhãn. Nhãn loại thường bán ngoài đường ở Việt Nam cũng đã hơn 30.000 mỗi kg. Trong khi đó, nhãn loại ngon của Thái bán trong siêu thị hiện cũng chỉ có 39 baht (khoảng 26.000 đồng) mỗi ký thì làm sao mà xuất qua đây được”, ông Vũ Đào – Giám đốc Công ty Phong Sơn Tiệm cho biết.

 

Khảo sát VnExpress vừa thực hiện tại một vài siêu thị ở Bangkok, giá nhiều mặt hàng trái cây khá 'mềm'. Sầu riêng giá 99 baht (khoảng 67.000 đồng) mỗi ký. Chôm chôm 49 baht (khoảng 33.000 đồng) mỗi ký. Xoài và măng cụt có giá lần lượt 39 baht và 69 baht, tương đương khoảng 27.000 và 47.000 đồng mỗi ký.

Nhãn là một ví dụ điểm hình cho việc khó có cơ hội xuất khẩu qua Thái.

Mùa vải năm ngoái, công ty ông Vũ Đào xuất được 2 tấn vải sang Thái Lan. Ông cho biết, dù vải Việt Nam có chất lượng nhưng hàng rào kỹ thuật để nhập khẩu khá... căng.

“Thái Lan không phải là thị trường dễ tính. Năm ngoái mục tiêu của tôi là xuất 40 tấn vải nhưng cuối cùng chỉ được 2 tấn vì thời gian hoàn tất thủ tục lâu. Trái cây xuất sang họ không yêu cầu chiếu xạ như Australia, nhưng các tiêu chuẩn khác cũng cao tương tự. Bên tôi đã có kinh nghiệm xuất trái vải đi Australia rồi nên cũng mới không bỡ ngỡ”, ông Vũ Đào cho biết thêm.

Nỗ lực kép trong vòng một tháng

Cái khó không bó được nỗ lực. Chỉ trong tháng 8, với sự bảo trợ và ủy nhiệm của Bộ Công thương, các doanh nghiệp Việt Nam đã 2 lần tổ chức chiến dịch quy mô để tiếp cận thị trường Thái Lan.

Vào đầu tháng, Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) cùng hơn 20 doanh nghiệp sang Bangkok tham dự Hội chợ quốc tế thương mại ASEAN - Ấn Độ tại Bangkok với một gian hàng lớn được gọi là "Ngôi nhà quốc gia Việt Nam". Sự kiện được bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch BSA đánh giá là thành công bước đầu với buổi kết nối cung – cầu rất sôi nổi.

Ngay sau đó, từ ngày 17 đến 21/8, Bộ Công Thương và Tập đoàn Central Group đã tổ chức “Tuần Hàng Việt Nam tại Thái Lan lần thứ 2” tại Trung tâm thương mại Central Plaza Ladprao Bangkok. Chương trình thu hút 43 doanh nghiệp Việt Nam tham gia, bao gồm hơn 20 doanh nghiệp ngành thực phẩm và hơn 20 doanh nghiệp hàng gia dụng, thời trang, giày dép, phụ kiện và lưu niệm. Đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến cắt băng khai mạc sự kiện vào chiều 18/8.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự cắt băng khai mạc Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan chiều 18/8. Ảnh: Viễn Thông

“Tuần hàng Việt Nam” là chương trình được phát kiến bởi Bộ Công thương từ năm 2011 và đã được triển khai tại 8 quốc gia gồm Pháp, Đức, Ý, Cộng hòa Cezch, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Phillipines. Đây chỉ là mới năm thứ 2 chương trình diễn ra tại Thái Lan. Ông Đặng Hoàng Hải nhấn mạnh chương trình là một hoạt động quan trọng để thực hiện thành công đề án đưa hàng Việt xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống bán lẻ lớn trên thế giới của Chính phủ.

Sáng 18/8, 80 cuộc trao đổi giữa 43 doanh nghiệp Việt Nam và Bộ phận Thu Mua của Hệ thống cửa hàng bán lẻ Central Group tại Thái Lan đã diễn ra. Có doanh nghiệp vừa mới sang Thái Lan đầu tháng nay để dự hội chợ theo đoàn BSA thì nay lại tiếp tục sang để tìm cơ hội. Điện Quang, Minh Long I, Bích Chi, Vinamit… chính là những cái tên kiên trì đó. Thậm chí, Điện Quang đã tham gia Tuần hàng vào năm ngoái và sản phẩm đã vào được hệ thống của Central Group nhưng năm nay vẫn đi vì muốn mở rộng quy mô xuất khẩu do hàng cũng chỉ mới vào khá hạn chế.

Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan 2017
 
 

Hành trình chỉ mới bắt đầu

“Chúng tôi sang đây giới thiệu để tìm cơ hội xuất khẩu. Theo tôi, triển vọng là khá lớn vì bản thân Thái Lan cũng phải nhập nguyên liệu liệu từ Việt Nam”, bà Lương Thanh Hạnh – Giám đốc HanhSilk, một công ty chuyên về lụa tơ tằm, lạc quan.

Sản phẩm mà bà Hạnh mang qua trưng bày tại Tuần hàng là khăn lụa và vớ. Trong khi đó, Biti’s mang các mẫu giày Hunter mới sang chào hàng. Thiên Long hay Hồng Hà giới thiệu văn phòng phẩm. Bích Chi và Vinamit cũng kỳ vọng chinh phục đất Thái bằng các sản phẩm chế biến vốn khá nổi tiếng ở Việt Nam. Đặc điểm chung của các thương hiệu này là giới thiệu những mặt hàng vốn cũng thuộc các ngành công nghiệp thế mạnh của Thái Lan. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn rất lạc quan về cơ hội của mình.

Ông Đặng Hoàng Hải cũng tin là đề án xuất khẩu trực tiếp vào các kênh bán lẻ lớn sẽ thành công ở Thái Lan nhưng cũng khẳng định đây mới là bước đầu. Quan điểm này được bà Lê Thị Mai Linh – Phó chủ tịch điều hành phụ trách Marketing, Quan hệ công chúng và Trách nhiệm xã hội Central Group Việt Nam ủng hộ.

“Chúng phải phải có kiên nhẫn và thái độ cầu thị. Chúng ta hy vọng chuyện tốt nhất sẽ xảy ra nhưng cũng phải kiên trì chứ nó không thể xảy ra ngày vào ngày mai hay môt tháng sau được. Có một số doanh nghiệp đã tham gia lần thứ 2. Năm ngoái đi một lần chưa được thì năm nay đi tiếp và biết đâu có thể phải đi đến lần 3, lần 4 mới được. Có doanh nghiệp thì cũng đã gần đến bước đạt được hợp đồng xuất khẩu nhưng vẫn đi để quan sát thị trường xung quanh”, bà Linh chia sẻ.

Ông Đặng Hoàng Hải cũng tin là đề án xuất khẩu trực tiếp vào các kênh bán lẻ lớn sẽ thành công ở Thái Lan nhưng cũng khẳng định đây mới là bước đầu. Quan điểm này được bà Lê Thị Mai Linh – Phó chủ tịch điều hành phụ trách Marketing, Quan hệ công chúng và Trách nhiệm xã hội Central Group Việt Nam ủng hộ.

“Chúng ta phải kiên nhẫn và thái độ cầu thị. Chúng ta hy vọng chuyện tốt nhất sẽ xảy ra nhưng cũng phải kiên trì chứ nó không thể xảy ra ngày vào ngày mai hay môt tháng sau được. Có một số doanh nghiệp đã tham gia lần thứ 2. Năm ngoái đi một lần chưa được thì năm nay đi tiếp và biết đâu có thể phải đi đến lần 3, lần 4 mới được. Có doanh nghiệp thì cũng đã gần đến bước đạt được hợp đồng xuất khẩu nhưng vẫn đi để quan sát thị trường xung quanh”, bà Linh chia sẻ.

Bà Lương Thanh Hạnh – Giám đốc HanhSilk giới thiệu các mẫu lụa Việt Nam với các nhà thu mua. Ảnh: Viễn Thông

Nửa đầu năm, Việt Nam chi 4,7 tỷ USD để nhập hàng hóa từ Thái Lan và xuất khẩu sang nước này hơn 2,2 tỷ USD. Chênh lệch cán cân thương mại còn khá lớn. Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà hàng Thái được người Việt ưa chuộng. Vài năm gần đây, các tập đoàn Thái ra sức thâu tóm hệ thống bán lẻ của Việt Nam. Người Thái cũng kiên nhẫn đi xúc tiến thương mại liên tục. Đến nỗi, BSA từng nhận xét rằng các doanh nghiệp nước này thường xuyên kéo sang Việt Nam tổ chức hội chợ, hội thảo rất rầm rộ.

Sau hết, hàng Việt Nam sang Thái cũng nên tiếp tục học hỏi về giá và mẫu mã. Ông Vũ Đào cho rằng trái cây Việt Nam không thiếu về lượng lẫn chất để mang qua nước này, nhưng công nghệ chế biến sau thu hoạch còn "non tay" hơn người Thái. Dạo một vòng khu trưng bày của Tuần hàng, anh Việt Dũng, một khách tham quan người Việt, nhận xét “mẫu mã đóng gói của doanh nghiệp mình trông vẫn còn rất chán so với bên này”.

Viễn Thông

Bình luận
Ý kiến của bạn