Cuộc đua của các ngân hàng cổ phần sau 5 năm tái cơ cấu

Nửa thập kỷ tái cơ cấu hệ thống là giai đoạn chứng kiến nhiều thay đổi về quy mô, hoạt động và cạnh tranh của các ngân hàng thương mại cổ phần ngoài Nhà nước. Cán cân về lợi nhuận, định hướng phát triển của các nhà băng vì thế cũng có nhiều biến động.

Nhiều ngân hàng cổ phần thay tên đổi họ, thậm chí biến mất trên thị trường.

2012 là năm ngành ngân hàng chính thức bước vào cuộc cải tổ với một đề án tái cấu trúc đồ sộ. Sau 5 năm, diện mạo toàn hệ thống, đặc biệt với các ngân hàng thương mại, đã có nhiều đổi thay. Từ con số 42, đến nay, số lượng ngân hàng thương mại rút về còn 34. 

Cuộc cải tổ cũng làm thay đổi trật tự khối ngân hàng cổ phần mà Nhà nước không chi phối, theo các số liệu tính đến hết năm 2016. Nhiều thương hiệu biến mất, một số thay tên đổi họ, một vài nhà băng bỗng nhiên lớn gấp đôi, gấp ba về quy mô tổng tài sản, nguồn vốn... thông qua mua bán, sáp nhập. Các ngân hàng ở tốp giữa cũng ghi nhận đà bứt phá mạnh.

Cục diện các ngân hàng thương mại sau 5 năm
 
 

Xét về quy mô tài sản, tốp 5 có nhiều thay đổi với sự gia nhập của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ở các vị trí thứ 3 và 5, với hơn 200.000 tỷ đồng mỗi nhà băng. Có tổng tài sản tăng gấp đôi nhờ nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã vươn từ vị trí thứ 5 lên dẫn đầu, thay thế Ngân hàng Kỹ Thương (Techcombank). 2 cái tên rời tốp là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và Ngân hàng Á Châu (ACB).

Top 5 ngân hàng cổ phần ngoài Nhà nước có tổng tài sản lớn nhất có nhiều thay đổi sau 5 năm.

Cũng sau thương vụ với Southern Bank, Sacombank trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất, trong khi đơn vị dẫn đầu 5 năm trước - Eximbank xuống vị trí thứ 4. Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) - nhà băng hợp nhất đầu tiên của cuộc tái cơ cấu - cũng xuất hiện ở tốp 3.

Ngoài ra, SHB, VPBank và Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng là những trường hợp tăng trưởng nhanh về quy mô khi tổng tài sản thêm gấp 1,5-2 lần. Tuy nhiên, trong khi Sacombank hay SHB tăng trưởng phần lớn nhờ sáp nhập (SHB nhận thêm Habubank) thì VPBank và VIB đều không trải qua một cuộc M&A nào.

SCB - ngân hàng hợp nhất đầu tiên trong quá trình tái cơ cấu có mặt trong tốp 5 về vốn điều lệ sau 5 năm.

Như vậy, phần lớn những đột biến về tổng tài sản và vốn điều lệ của các ngân hàng cổ phần ngoài Nhà nước trong 5 năm qua đều nhờ các cuộc mua bán, sáp nhập. Sacombank là một ví dụ khi “lớn nhanh như thổi” về quy mô chủ yếu sau cuộc "hôn nhân" với Southern Bank.

Vì vậy, một chuyên gia tài chính ngân hàng lưu ý: "Nếu chỉ đánh giá về quy mô, sẽ khó để biết sự lớn mạnh thực sự, bởi trong số những cái tên thuộc tốp đầu, chắc chắn có nhiều trường hợp phải tranh cãi. Bản thân họ cũng còn trong diện tái cơ cấu", vị này nhận định.

Những cái tên có thể kể đến ngoài Sacombank và SCB còn có Ngân hàng Đại Chúng (PVcomBank). Theo Ngân hàng Nhà nước, dù mọi nhà băng đều phải tái cơ cấu trong năm nay nhưng với hệ quả sau sáp nhập, hợp nhất... cả 3 đơn vị nêu trên đều phải trải qua một lộ trình tái cơ cấu đặc biệt hơn, khó khăn hơn.

Cùng lúc, cuộc đấu về lợi nhuận của các nhà băng trong 5 năm qua cũng rất kịch tính, với nhiều thay đổi trên cán cân hai miền. Giữa tâm điểm của cuộc tái cấu trúc, những nhà băng phía Nam niêm yết sớm như Sacombank, ACB, Eximbank hay Navibank (tiền thân của Ngân hàng Quốc dân - NCB) dần lộ ra trục trặc và phải dành nhiều thời gian, nguồn lực để khắc phục những sai lầm trước đó. Tăng trưởng lợi nhuận cũng vì thế mà chững lại.

Sau 5 năm, Sacombank và Eximbank rời tốp 5 về lợi nhuận. Thay vào đó, nhóm dẫn đầu chứng kiến sự đi lên của VPBank, SHB.

Do đó, ngoại trừ Ngân hàng Quân đội (MB) và Techcombank vẫn tăng trưởng ổn định, các ngân hàng còn lại thuộc nhóm “lợi nhuận nghìn tỷ” của năm 2012 đều khá khó khăn: Eximbank trượt khá xa, Sacombank gặp khó khi sáp nhập Southern Bank, trong khi ACB chỉ vừa có lợi nhuận khả quan trở lại năm 2016 sau một giai đoạn nhiều biến động.

Nhìn lại 5 năm qua, những cái tên trong tốp đầu về lợi nhuận đều là các ngân hàng rất đầu tư cho mảng bán lẻ và có chính sách mạnh tay trích lập dự phòng từ giai đoạn trước. Như Techcombank, lợi nhuận ước tính năm 2016 khoảng gần 3.900 tỷ đồng, hay MB ghi nhận mức lãi khoảng 3.650 tỷ...

Riêng VPBank được xem là một “hiện tượng” về lợi nhuận. Năm 2012, lãi trước thuế của nhà băng chỉ khoảng trăm tỷ đồng. Nhưng dần dần, từ khi tập trung hẳn vào bán lẻ thay vì cố "bơi" trong mảng bán buôn, ngân hàng này liên tục báo lãi lớn. Năm 2015, lợi nhuận của VPBank vượt 3.000 tỷ đồng và đến năm 2016 là xấp xỉ 5.000 tỷ, vượt xa “quán quân” cũ là MB.

Một nguồn tin cho biết, riêng dư nợ cho vay tín chấp mảng doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ hay tiểu thương, hộ gia đình của VPBank năm 2016 đã vượt 4.000 tỷ đồng. Chưa kể, mảng thẻ tín dụng và cho vay tín chấp cũng đóng góp tới 40% doanh thu của cả khối khách hàng cá nhân với dư nợ đạt gần 9.000 tỷ đồng.

Biểu đồ lợi nhuận qua 5 năm cho thấy MB giữ phong độ khá ổn định nhưng lại để VPBank vươn lên là quán quân vào năm 2016. Trong khi đó, lãi trước thuế của Sacombank ngày một sụt giảm.

Bên cạnh đó, không thể phủ nhận VPBank lãi lớn nhờ công ty tài chính là FE Credit. Một phần ba lợi nhuận năm 2015 và gần một phần tư lãi 2016 của nhà băng đến từ đơn vị này.

Những trường hợp như VPBank khiến không ít lãnh đạo ngân hàng cổ phần khác cho rằng mở công ty tài chính là một trong những giải pháp giúp cải thiện lợi nhuận. Đến nay, một loạt đơn vị cũng đã vận hành công ty dạng này. “Tuy nhiên, các ngân hàng sẽ đối mặt không ít thách thức về quản trị rủi ro, đặc biệt khi khai thác sâu vào lĩnh vực cho vay tiêu dùng nên cần cẩn trọng. Chưa kể, số lượng nhân viên mà một ngân hàng vận hành công ty cho vay tiêu dùng sẽ rất lớn, có thể cũng là một vấn đề đau đầu”, đại diện một công ty kiểm toán trong nhóm Big 4 cảnh báo.

 

Nhìn lại quá trình tái cơ cấu cũng như vận hành 5 năm qua của khối ngân hàng cổ phần mà Nhà nước không chi phối, MB có thể xem là đơn vị ổn định nhất khi xét về hiệu quả hoạt động với lợi nhuận ít trồi sụt trên ngưỡng 3.000 tỷ đồng. Mỗi nhân sự của MB hiện tạo ra khoảng 340 triệu đồng lợi nhuận - hiệu suất cao nhất trong khối.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự ổn định này cũng có thể xem là nhược điểm khi nhà băng vẫn đi theo con đường, chiến lược thận trọng, chậm đổi mới... trong khi nhiều đối thủ khác đã lên kế hoạch bứt tốc, quyết tâm "đánh" mạnh vào mảng bán lẻ. Kết quả lợi nhuận của các đơn vị trong 2 năm gần đây là một minh chứng.

Một đặc điểm khác là trong khi các nhà băng niêm yết ở phía Nam như ACB, Eximbank, Sacombank hay NCB chững lại sau các cuộc khủng hoảng thì Techcombank và VIB hay VPBank đều đã có kế hoạch niêm yết lên sàn chứng khoán sau nhiều giục giã của nhà đầu tư. Cổ phiếu của VIB đã lên sàn từ đầu tháng 1/2017 với giá khởi điểm 17.000 đồng, cao hơn rất nhiều so với một số nhà băng quy mô lớn hơn.

Sắp tới, khi các nhà băng cổ phần cùng lên sàn, hoặc buộc phải niêm yết và đề án tái cơ cấu hệ thống được hoàn thiện hơn, cục diện của nhóm này sẽ tiếp tục còn nhiều thay đổi.

Thanh Thanh Lan

Đồ họa: Việt Chung - Video: Anh Tú

Bình luận
Ý kiến của bạn