Antonio Conte: Khi thắng thua là chuyện sinh tử

Từ Juventus, tuyển Italy đến Chelsea. Conte luôn truyền sinh khí vào những cơ thể đang lâm bệnh, đập tan các rào cản tâm lý và hướng họ đến mục tiêu tối thượng: Chiến thắng.

HLV nào mà không muốn chiến thắng, nhưng khao khát đến mức ám ảnh, để nó dẫn dắt đời mình như Conte thì cổ kim hiếm gặp. 

Ông xem mỗi lần thất bại là một lần trọng thương. Sinh ra ở Lecce, miền nam Italy, nhưng Conte có 13 năm tắm mình trong văn hóa chiến thắng ở Juventus. Ai mà không ghét thất bại, nhưng với Conte, ông căm thù và khinh khi nó. Chiến thắng trở thành một sứ mệnh sống còn đối với HLV sinh năm 1969 từ khi còn là cầu thủ. Đến cả đứa con gái, ông cũng đặt tên là Vittoria (nghĩa là "chiến thắng"). Khi Juventus để vuột scudetto mùa 1999-2000, ông đã không ngủ suốt năm ngày.

Andrea Pirlo gọi nỗi ám ảnh thua trận thường trực của Conte là "một sự dày vò không có điểm khởi đầu và không có hồi kết". Và cũng Pirlo, chỉ xét riêng về chiến thuật, đã đặt Conte lên trên cả những huyền thoại trong làng huấn luyện Italy như Marcello Lippi và Carlo Ancelotti. "Tôi có thể khẳng định Conte là một thiên tài", Pirlo nói. "Và cũng như mọi thiên tài khác, ông ấy hơi tưng tửng".

Conte bảo chỉ có chiến thắng mới giúp ông tìm thấy một chút an bình trong tâm trí. Còn đa số thời gian còn lại, ông nghĩ về... cách thắng trận tiếp theo. Ông bận rộn như một vị tướng quân khi cuộc chiến đã đến hồi khốc liệt. "Một ngày có 24 tiếng", Conte từng trả lời trên ESPN. "Tôi ngủ năm tiếng, dành ba tiếng cho gia đình. Nghĩa là chỉ còn 16 giờ làm việc".

Vợ của Conte, Elisabetta, thỉnh thoảng vẫn giật mình vào nửa đêm và không thấy chồng đâu. Bà bước xuống nhà thì thấy đức lang quân đang cắm mặt vào TV, tay bấm liên tục vào cái  điều khiển để dừng lại một hình ảnh nào đó. Pirlo nói: "Tôi biết ông ấy thường xuyên thức đến 3-4h sáng, nghiên cứu băng hình, cố tìm ra những sai sót và đọc vị đối thủ tiếp theo. Để sống với một người chồng như thế, Elisabetta đã chịu khổ không ít".

Năm 2012, Conte bị cấm chỉ đạo bốn tháng vì một lỗi lầm khi còn là cầu thủ: không trình báo về một cuộc dàn xếp tỷ số mà ông biết khi còn thi đấu cho Siena. Án cấm này khiến Antonio gần như phát điên vì ông ấy không được phép bước vào phòng thay quần áo. Thỉnh thoảng khi mọi người đã ra về, ông ấy lén vào đó ngồi một chút để... lấy hơi.

Người viết hồi ký cho Conte là Alessandro Alciato kể lại vào thời gian ấy, Elisabetta đã phải mua cả một băng ghế huấn luyện về đặt trong phòng khách, để Conte ngồi cho đỡ nhớ. Với ông, bóng đá là một tôn giáo, vào phòng thay đồ và ngồi lên băng ghế huấn luyện gần như là một nghi thức. "Conte không thích làm việc, ông ta cần phải làm việc," Alessandro Alciato viết.

Các cầu thủ là những người cảm nhận rõ hơn ai hết sự hăng hái trong công việc của Conte. Ông luôn đòi hỏi những nỗ lực không ngừng nghỉ. Cuộc họp trước khi vào trận luôn tràn ngập những từ khóa như: hy sinh, mồ hôi và đau đớn. Ở Juventus, ông bảo các cầu thủ phải chiến thắng, dù có phải "ăn cỏ". Khi cầm đội tuyển Italy, ông bảo hai hậu vệ cánh cứ việc chạy và tranh chấp hết sức, chừng nào "hộc máu thì thôi". Hậu vệ Mattia Destro từng phải thức dậy lúc 5h sáng, bỏ lại người vợ mới cưới để tập trung đội tuyển cho kịp giờ. Biết thông tin này, Conte đã nói: "Nếu là tôi, tôi đã đi ngay sau khi cắt bánh cưới kìa".

Pirlo đặt Conte lên trên nhiều tên tuổi lớn khác trong giới HLV ở Italy.

Đấy là niềm đam mê dành cho công việc. Là một HLV, bạn luôn nhìn thấy hiểm họa, kể cả khi đội nhà đang chơi tốt. Giữ cho tinh thần cầu thủ luôn tập trung cao độ có ý nghĩa rất quan trọng.

Antonio Conte

Conte luôn tràn ngập cảm xúc, chủ yếu là tức giận. Không bao giờ ông bước vào một cuộc họp nào với thái độ nhã nhặn, vui vẻ. Ông căm thù nhất là sự tự mãn. Pirlo gọi chỗ ngồi cạnh cửa ra vào phòng thay đồ là nơi nguy hiểm nhất Turin, bởi Conte luôn phang mọi thứ có thể vào đó. "Ông ấy chẳng bao giờ vui vẻ cả. Bao giờ cũng có một chi tiết nào đó khiến Conte không vừa ý",  Pirlo viết.

Ở Juventus, trận cầm quân cuối cùng của Conte tại Serie A vẫn còn được nhắc mãi. Hôm đó, Juventus đá với Cagliari trên sân nhà, khi scudetto đã thuộc về họ từ trước mấy vòng đấu. Một chiến thắng sẽ giúp Juventus nâng tổng số điểm từ 99 lên thành 102. Giữa lúc Conte và các cầu thủ đang nghiên cứu băng ghi hình thì thủ thành Gianluigi Buffon bước vào, cùng với Giám đốc điều hành Giuseppe Marotta.

"Xin lỗi vì làm phiền ông", Buffon nói. "Ngài Giám đốc chỉ muốn làm rõ chuyện tiền thưởng của chúng ta trước khi đá trận cuối cùng của mùa giải".

Conte đã phát điên khi bị Buffon ngắt ngang buổi xem phim. Ông đuổi tất cả ra khỏi phòng và sạc cho Buffon một trận. "Tôi không muốn nghe thêm một từ tiền thưởng nào nữa cả. Các anh là một nỗi hổ thẹn. Cái giây phút mà anh mở mồm nói ra chữ tiền thưởng thì chúng ta đã thất bại rồi", Conte gầm lên.

Các cầu thủ Juventus sợ chết khiếp. Thế nên, dù trận đấu chỉ là thủ tục, họ vẫn cố đè bẹp Cagliari 3-0 để ông thầy vui lòng.

Conte la hét bên ngoài đường biên
 
 

Thất vọng, cáu giận, liên tục hò hét ngoài đường biên truyền lửa cho các học trò là những hình ảnh quen thuộc về một Conte HLV.

Conte lớn lên ở Lecce, trong kỷ nguyên hoàng kim của Calcio. Năm ông 12 tuổi,   Italy vô địch World Cup 1982 tại Tây Ban Nha. Ở Serie A, sự xuất hiện của Diego Maradona và Michel Platini đã khẳng định vị thế của giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh. Conte lớn lên, thần tượng Marco Tardelli và Giuseppe Furino, người được biết đến với biệt danh Furia (có nghĩa là "Cuồng nộ"). Cả hai đều chơi cho Juventus, đội bóng yêu thích nhất của Conte.

Ở trường, Conte là một học sinh giỏi, liên tục được các thầy cô khen ngợi. Bên cạnh thời gian đến lớp, chàng trai trẻ chơi bóng cho CLB địa phương Juventina Lecce, được huấn luyện bởi chính ông bố Cosimino. Cơ sở vật chất nơi này không tốt, nhưng Conte và đám trẻ chơi rất say mê. Bên cạnh đá bóng, chúng còn thích trèo cây. "Chúng tôi leo trèo như sóc vậy", Conte nói với tờ El Pais. "Cả đám hay chơi bóng trên khu đất của nhà thờ, chỗ ấy lỗ chỗ những ổ gà. Nhưng với đám nhóc, đấy cứ như là San Siro vậy. Tất cả những gì tụi tôi cần chỉ là một quả bóng".

Conte từng choáng ngợp khi mới sang Juventus, nơi có quá nhiều tượng đài sừng sững.

Sau đó, Conte gia nhập Lecce. Chi phí chuyển nhượng lúc ấy là 200 lire và ... tám quả bóng. Mười sáu tuổi, Conte ra mắt đội một dưới thời HLV Eugenio Fascetti và trở thành cầu thủ không thể thay thế dưới thời Carlo Mazzone, dù suốt sáu năm khoác áo Lecce, ông chỉ ghi vỏn vẹn một bàn. Sau này, Conte cho biết Fascetti và Mazzone cũng là hai HLV có ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp của ông.

Năm 1991, giấc mơ thời thơ ấu của Conte thành hiện thực: gia nhập Juventus. Giovanni Trapattoni vừa trở lại cầm quân cho "Lão Bà" lần thứ hai và thừa hưởng một đội hình gồm có Roberto Baggio, Toto Schillaci, Stefano Tacconi. Mùa bóng đầu tiên của Conte, theo chính lời ông, là "rất tệ". Ở tuổi 21, chàng trai trẻ choáng ngợp trước các thần tượng lớn. Sau này, Conte hồi tưởng khi trả lời phỏng vấn FourFourTwo: "Tôi chẳng thể mở miệng được một tiếng nào. Kia là Trapattoni vĩ đại, đây là Roberto Baggio. Là cầu thủ rồi, nhưng tôi vẫn là fan cuồng của họ".

Phải đến năm thứ hai ở Turin, Conte mới tự tin và được thi đấu thường xuyên hơn. Bù cho tài năng và kỹ thuật cá nhân hạn chế như tự thừa nhận, Conte có khả năng lãnh đạo, sự thông minh và đặc biệt là sức chiến đấu bền bỉ. Khi Italy sang Mỹ dự World Cup 1994, Conte đã là thành viên không thể thay thế của Juventus và ra mắt trong màu áo đội tuyển vào ngày 27/5. Tuy sau này, Conte chỉ được dự thêm một giải đấu lớn là Euro 2000, những kinh nghiệm từ mùa hè nước Mỹ năm 1994 với ông là vô giá.

HLV của Italy năm ấy là Arrigo Sacchi. Phong cách làm việc bất kể giờ giấc của Sacchi đã ảnh hưởng sâu đậm đến Conte và trở thành những câu chuyện dân gian ở Italy. Khi bạn hỏi Sacchi về chuyện gì đó, ông ta bảo: "Chuyện này thì liên quan gì đến bóng đá". Ông luôn cố điều chỉnh để chiến thuật tốt hơn, có khi theo từng phút một.

Danh thủ Alessandro Costacurta bảo với Sky Italia là Sacchi vẫn hay gõ cửa các cầu thủ vào lúc nửa đêm để thông báo cho họ những điều chỉnh nhỏ và ông vừa nghĩ ra. Quá mệt vì cả ngày tập luyện và bị nghe Sacchi "tụng" suốt trong những cuộc họp, nhiều cầu thủ giả vờ như đã ngủ. Sacchi không biết giữ cảm xúc khi phát hiện ra một điều gì mới mẻ. Giữa đêm thanh vắng tại khu tập trung, các cầu thủ vẫn nghe tiếng thét của ông thầy, cứ như nhà bác học lỗi lạc Archimede hét lên "Eureka" khi tìm ra chân lý. Conte nói: "Tôi biết chắc Sacchi mơ thấy gì mỗi đêm: Chúng tôi".

Giai đoạn ngắn làm việc cùng Arrigo Sacchi (trong ảnh) ở World Cup 1994 giúp ích rất nhiều cho Conte khi làm HLV về sau.

Với các cầu thủ, Sacchi là phù thủy ác độc. Với Conte, Sacchi là thiên thần. Conte bảo mỗi lần được gọi lên tuyển là mỗi lần phải làm bài thi. Khi cả đội tập trung ăn tối, chẳng ai dám ngồi gần Sacchi vì đã phát ngán những cuộc nói chuyện về bóng đá. Riêng Conte thấy Sacchi ở đâu thì sáp vào. Cả kỳ World Cup 1994 mà Italy vào đến chung kết, Conte chỉ đá có hai trận. Nhưng ông luôn tri ân Sacchi mỗi khi có thể. "Tôi trở thành HLV là nhờ cảm hứng từ Arrigo. Ông ấy dạy tôi rất nhiều".

Trở lại Juventus, mùa hè 1994 chứng kiến CLB thay đổi HLV lần nữa. Lippi thay Trapattoni và thói quen chiến thắng trở lại. Juventus giành ba scudetto, vào chung kết Champions League ba năm liên tiếp và vô địch một lần. Năm 1999, Lippi nhường chỗ cho Ancelotti. Nhưng sau đó ông quay trở lại và cùng Juventus giành thêm hai scudetto nữa vào các năm 2002, 2003. Khi Lippi chia tay lần nữa vào năm 2004, Conte cũng treo giày, chấm dứt 13 năm thi đấu không biết mệt mỏi ở vị trí tiền vệ, trong đó rất nhiều trận vào sân cùng chiếc băng thủ quân.

Chặng đường sự nghiệp của Conte
 
 

Chặng đường sự nghiệp của Antonio Conte. Videographic: Tiến Thành - Nhật Tảo.

Conte không phải là người Turin, mang băng thủ quân ở một nơi toàn tai to mặt lớn như Paolo Montero, Edgar Davids, Didier Deschamps, Ciro Ferrara... là một thành tựu. Họ đều là những chiến binh kiêu hãnh, nhưng ai cũng phải thừa nhận Conte là quái vật. Ancelotti từng nói với The Times: "Đấy là phòng thay đồ rắn rỏi nhất mà tôi từng biết. Juventus ngày ấy là tập hợp của những gã đổ tể sẵn sàng đổ máu ngay trên sân". Ancelotti không hề quá lời. Đến giờ, kỷ lục 16 chiếc thẻ đỏ ở Serie A của Montero vẫn chưa ai có thể tiếp cận.

Montero từng chặn một chiếc xe buýt, ngay cả khi Ancelotti yêu cầu xe hãy chạy đi, chỉ để đợi Zinedine Zidane. Nhưng gã hung thần ấy cũng phải kính phục Conte. Bên cạnh cá tính, sức chiến đấu thì theo thời gian, Conte còn chinh phục người khác bởi kiến thức tuyệt vời về bóng đá. Ancelotti viết trong một bài cho Telegraph: "Conte quan sát và học hỏi không ngừng. Ngay lúc ấy, tôi đã biết cậu ấy sớm muộn gì cũng trở thành HLV".

Conte quả thực đã nghĩ đến chuyện cầm quân rất sớm. Ông đăng ký học ngành khoa học thể thao ở đại học Foggia, học tiếp ở Coverciano và làm trợ lý cho Luigi De Canio ở Siena để lấy kinh nghiệm. "Tôi tự cho mình vài năm để nghỉ ngơi trước khi làm cho một CLB lớn", Conte nói. "Nếu chưa thể thành công ngay với công việc mới, tôi sẽ dành thêm thời gian cho gia đình".

Giữa một tập thể đầy rẫy các tên tuổi lớn như Zidane, Deschamps, Montero, Ferrara..., Conte vẫn nổi lên với tư cách thủ lĩnh và tố chất lãnh đạo.

Năm 2006, Conte thất bại ở Arezzo tại Serie B. Khởi đầu mùa giải tệ hại khiến Conte bị sa thải ngay trong tháng 10, chỉ sau chín trận đấu và không giành nổi một chiến thắng. Nhưng vì người thay thế làm cũng chẳng tốt hơn, nên Conte được mời trở lại vào tháng Ba. Lần này, Conte có lúc giành đến năm chiến thắng liên tiếp và cải thiện rất nhiều so với trước đó. Nhưng chừng ấy vẫn chưa đủ để ngăn Arezzo rớt hạng vào đúng ngày cuối cùng của mùa bóng.

Trong mấy tháng thất nghiệp giữa mùa bóng, Conte tranh thủ đến Hà Lan để tầm sư học đạo một người mà ông rất ngưỡng mộ: Louis van Gaal. Mang người vợ Elisabetta theo cùng, Conte đến xem một buổi tập mở tại AZ Alkmaar, nhưng lại không đủ dũng cảm đến mở lời với Van Gaal. Hôm sau Conte lấy hết can đảm quyết tâm đi gặp Van Gaal thì... sân tập đóng cửa, không cho người lạ vào xem. Thế là ông... xem trộm, và bị bảo vệ sân tóm được. Sau này Conte kể lại "tay bảo vệ ấy nom giống Ronald Koeman phết, nhưng mặt ác hơn".

"Ông do thám Van Gaal à?", người bảo vệ hỏi.

"Tôi không phải gián điệp. Tôi là cầu thủ, là cựu cầu thủ Juventus! Tôi chỉ muốn xem thôi".

Cuộc nói chuyện khiến Elisabetta bật cười. Sau cuộc đối thoại ngập ngừng ấy, Conte quyết định... học tiếng Anh.

Rời Arezzo vào cuối mùa bóng 2006-2007,Conte nghỉ ngơi thêm nửa năm rồi mới trở lại huấn luyện. Lần này, ông nhận đến Bari vào tháng 12/2007, giúp CLB này kết thúc Serie B ở giữa bảng điểm. Mùa giải tiếp theo, ông đưa Bari đến ngôi vô địch.

Ngay lập tức, có tin Conte được Juventus tiếp cận. Bari cũng đề nghị một bản hợp đồng mới hậu hĩnh hơn để giữ chân Conte. Rốt cục cả hai vế đều không thành sự thật. Juventus bổ nhiệm Ferrara, còn Conte gia nhập Atalanta. Sự nghiệp của Conte xấu đi ở CLB mới. Tháng 1/2010, ông bị các ultra tấn công trong một trận sân nhà. Ngay hôm sau, Conte từ chức, để lại một Atalanta trong khu vực rớt hạng.

Thất bại ấy khiến Conte chỉ còn cách quay lại với Serie B, lần này ông đến Siena vào tháng 5/2010. CLB vừa rớt hạng, yêu cầu dành cho Conte là mang CLB trở lại Serie A ngay lập tức. Conte thử nghiệm sơ đồ 4-2-4 dựa trên khả năng pressing của các cầu thủ ngay trên phần sân đối phương. Cách chơi này đòi hỏi thể lực kinh khủng và các cầu thủ phải tập luyện thêm rất nhiều, cả những bài về cơ bắp lẫn chiến thuật.

Siena để thua trận cuối cùng trước kỳ nghỉ Đông. Khi các cầu thủ trở lại, họ bị yêu cầu phải thu dọn hành trang. Conte kéo cả đội đi xa 400 dặm, đến Sicily cho một cuộc tập huấn giữa mùa. Các cầu thủ Siena khóc thét, nhưng kết quả thật mỹ mãn. Cuối mùa CLB thăng hạng, và Conte được Juventus bổ nhiệm.

Trở lại Juventus, Conte như cá gặp nước. Tài thao lược của ông bắt đầu phát tiết rực rỡ.

Juventus là một mớ hỗn loạn cái ngày Conte đến. Sau khi Calciopoli khiến CLB rớt hạng vào năm 2006, họ đã trở lại Serie A cùng với Didier Deschamps. Dưới thời Claudio Ranieri họ về thứ ba và thứ nhì. Juventus lại loay hoay bổ nhiệm Ferrara, Alberto Zaccheroni và Luigi Del Neri, nhưng chỉ đổi lại là hai lần kết thúc Serie A ở vị trí thứ bảy.

Đấy là một sự sỉ nhục với Juventus. Những tháng năm lạc lối ấy càng làm cho người ta nhớ về phương châm cả CLB, vốn dựa trên câu nói nổi tiếng của Giampiero Boniperti: "Chiến thắng không quan trọng, chiến thắng là tất cả".

Cùng với sự xuất hiện của Conte, Juventus cũng có sự thay đổi trong Ban lãnh đạo. Tháng 5/2010, Jean-Claude Blanc rời ghế Giám đốc điều hành, nhường lại cho Andrea Agnelli, con trai của Umberto Agnelli và trở thành nhân vật thứ tư của gia tộc Agnelli hùng mạnh ngồi vào Ban lãnh đạo Juventus sau Edoardo, Gianni và Umberto.

Khi Conte đến, Juventus cũng đã chuyển sang một sân vận động mới, cũng đồng nghĩa với những thuận lợi lớn về mặt tài chính. Tiền bán vé xem trận đấu sẽ đi thẳng vào ngân quỹ của CLB chứ không còn phải chia lại với hội đồng thành phố Turin. Cùng lúc, sếp chuyển nhượng Marotta tậu được những cái tên mới thật sự hứa hẹn: Arturo Vidal, Mirko Vučinić, và bản hợp đồng miễn phí mang tên Pirlo từ AC Milan.

Conte kết hợp hài hoà giữa đội ngũ ông được kế thừa và những sự bổ sung như Pirlo, và truyền vào tập thể ấy khí chất của nhà vô địch.

Hàng thủ của Juventus khi ấy đã là hàng thủ của đội tuyển Italy: Buffon, Giorgio Chiellini, Andrea Barzagli, Leonardo Bonucci. Thế nhưng cũng hàng thủ ấy chỉ có thể cùng Juventus về thứ bảy hai mùa giải liên tiếp trước đó. Conte muốn khơi lại văn hóa chiến thắng của CLB ở thập niên 1990. Buổi gặp đội đầu tiên, ông đã nói với họ: "Chúng ta đã về bảy trong hai mùa giải gần nhất. Thật là điên rồ và nhục nhã. Tôi đến đây để ngăn chặn việc ấy. Đã đến lúc ngưng sự sỉ nhục lại rồi".

Sức mạnh của Conte tỏa ra từ khí chất và lời nói. Ông không thỏa hiệp với bất kỳ sự lười biếng nào. Ông buộc các cầu thủ phải đến sân tập ngay vào những ngày nghỉ của họ. Ông thẳng tay loại những ai không nỗ lực. Eljero Elia bị bán đi sau vỏn vẹn bốn trận đấu tại Serie A. Tiền vệ người Hà Lan sau này thừa nhận là Conte ghét đến mức chẳng muốn nói chuyện với anh.

Tháng 11, Juventus lên dẫn đầu bảng điểm. Conte bảo ông muốn các cầu thủ phải trở nên "hư hỏng", thà thắng xấu còn hơn thua đẹp. Khi Juventus hạ Inter Mlan ở Giuseppe Meazza, Conte mang Simone Pepe từ cánh phải sang cánh trái chỉ để vô hiệu hóa Maicon. "Simone là một cầu thủ đa năng nên cậu ấy chơi được nhiều vị trí", Conte nói. "Với lại tôi còn có một cây gậy bóng chày với đầy đinh trên đó. Mỗi lần Pepe lơi chân, tôi đều vác gậy ra dọa cậu ấy".

Chúng ta đã về bảy trong hai mùa giải gần nhất. Thật là điên rồ và nhục nhã. Tôi đến đây để ngăn chặn việc ấy. Đã đến lúc ngưng sự sỉ nhục lại rồi.

Antonio Conte nói trong buổi họp đầu tiên với các cầu thủ Juventus

Juventus chính là sự phản chiếu hình ảnh của chính Conte trên sân: mãnh liệt, rắn rỏi và pressing không ngừng nghỉ. Trên hết, họ biết cách thắng những trận đấu, dù cách này hay cách khác. Juventus trở thành đội bóng thứ ba trong lịch sử giành Scudetto mà không thua một trận nào, sau Perugia của mùa 1978-1979 và Milan mùa 1991-1992, và cả hai đội bóng ấy đều bất bại khi Serie A chưa mở rộng quy mô lên thành 20 đội.

Trước đó, vào tháng Tư, Juventus và Milan có một trận đấu mang ý nghĩa quyết định đến cục diện Serie A. Conte có buổi nói chuyện dài 12 phút với các cầu thủ trước trận. Theo Football Italia, ông đã nói như sau: "Người ta đang ca ngợi chúng ta, nhưng những lời khen ấy làm tôi nổi gai ốc. Vì sao ư? Vì tôi sợ lắm, tôi sợ một vài người trong số các anh ở đây có tâm trạng thư giãn. Lời khen thì cũng sướng đấy, nhưng còn thực tế thì sao? Thực tế là sân cỏ ngoài kia, thực tế là mồ hôi, thực tế là sự hy sinh. Tất cả những thứ ấy đã mang chúng ta đến giai đoạn này, nơi chúng ta có thể định đoạt số phận chính mình. Nhưng cũng ngay lúc này, chúng ta chưa cầm được thành quả nào trong tay cả".

Conte hay treo những bài báo trong phòng thay đổ để kích thích các cầu thủ, tất nhiên, đấy toàn là những bài báo chê và chỉ trích. Những đoạn cay nghiệt nhất, ông gạch dưới bằng viết đỏ. Ít nhất một tuần, Conte tập trung cầu thủ lại để điểm báo. Đa số là những bài viết chỉ trích chiến thuật và lối chơi của Juventus.

"Bài này rác rưởi quá", các cầu thủ phản ứng.

Trong một bài viết, phóng viên gọi Juventus là "đội bóng bị ghét nhất hành tinh".

"Tay này viết đúng ấy chứ", Conte nói. "Khi gặp nhân vật ấy, hãy nói lời cám ơn. Bởi người ta chỉ ghét mấy đội mạnh thôi. Nếu y bảo ta bị ghét nhất, nghĩa là ta mạnh nhất. Juventus đã trở lại".

Conte giữ cho Juventus đầy tính cạnh tranh, hết mùa này sang mùa khác. Khi họ để thua Inter trong một trận đấu vào tháng 11, mạch 49 trận bất bại ở Serie A đã bị chặn đứng. Hôm ấy, Conte không có bên đường pitch. Ông phải nhận án cấm chỉ đạo mười tháng vì không trình báo vụ dàn xếp tỷ số. Phán quyết này khiến Conte gần như nổi điên. Thứ nhất, ông bị nghi là kẻ không trung thực. Thứ hai, vụ dàn xếp ấy khiến cho Siena chậm lại trong cuộc đua. Đấy là điều mà vạn lần Conte không bao giờ chấp nhận. Án cấm này sau đó giảm xuống còn bốn tháng, nhưng với Conte nó dài như bốn năm. Ông chỉ được đến sân tập, chứ không được phép đứng bên đường pitch, chỉ đạo từ xa cũng không.

Đấy là bốn tháng đầy thử thách. Conte không biết phải "xả" những cảm xúc của mình khi xem trận đấu vào đâu. Những ngày thứ Tư, thứ Bảy và Chủ Nhật mà Juventus ra sân, Conte như kiến bò trên chảo nóng. Ông cố chuẩn bị cho các cầu thủ tốt nhất có thể. Ông trao quyền kiểm soát lại cho hai trợ lý trung thành Angelo Alessio và Massimo Carrera (một người mà Conte biết từ khi còn đá cùng tại Juve mùa 1991-1992), ngay cả những bài phát biểu sau trận đấu cũng là dựa trên ngôn ngữ và ý tưởng của Conte.

Ngày 9/12, Conte trở lại sau án cấm, trong một trận làm khách trên sân Palermo. Báo chí gọi hôm ấy là "Ngày Conte". Đài Sky dành riêng một camera chỉ để theo sát Conte từ đầu chí cuối. Sau khi Juventus thắng trận, Conte đã nói về "bốn tháng đau đớn" và bày tỏ sự tự hào vì Juventus vẫn giữ được khoảng cách bốn điểm ở ngôi đầu bảng. "Nó cho thấy chúng tôi có một đội ngũ đặc biệt và những cầu thủ đặc biệt. Và có lẽ tôi cũng đặc biệt nốt", Conte nói.

Không đối thủ nào theo kịp Juventus trong phần còn lại của mùa bóng. Họ tiến đến một chức vô địch nữa, lần này bỏ xa đến chín điểm so với đội về nhì Napoli. Trong lễ mừng công, các cầu thủ đã ném Conte vào bồn nước đá.

Cầu thủ Juventus ném Conte vào hồ tắm hơi
 
 

Phương pháp huấn luyện của Conte giờ đã trở nên phổ biến. Trong một chừng mực nào đó, nó là sự kết hớp giữa phương pháp của Sacchi và Van Gaal. Ảnh hưởng của Sacchi thể hiện qua các bài tập và sự chú ý đến từng chi tiết nhỏ nhất. Trên sân tập, Conte thiết lập những trận đấu 11 đấu với... không ai cả. Các cầu thủ phải chơi với một đối thủ tưởng tượng với yêu cầu tiên quyết là phải giữ được cự ly đội hình thật chuẩn. Và cho dù các cầu thủ đã tập bao nhiêu đi nữa, Conte đều nhìn ra những sai sót. 

"Tôi muốn các cậu chiến thắng tất cả" là câu cửa miệng Conte nói với các học trò.

Với Van Gaal, Conte thừa hưởng tư duy tập thể. Van Gaal, trái ngược hoàn toàn với Johan Cruyff, không thích xây dựng đội bóng trên những ngôi sao. Conte nói năm 2013: "Tôi không có tài năng của Zinedine Zidane hay Roberto Baggio khi còn thi đấu. Tôi là mẫu cần cù bù khả năng. Nhưng thỉnh thoảng, tôi lại rơi vào tình trạng không tìm thấy đồng đội để chuyền và làm mất bóng. Thành ra khi đã cầm quân, tôi luôn muốn tìm giải pháp cho các cầu thủ của mình khi bóng đến chân họ".

Đấy là lý do giải thích vì sao Conte thích công nhân hơn phù thủy. Nếu các cầu thủ tuân theo chỉ thị, Conte tin là những cơ hội ghi bàn sẽ tự nhiên xuất hiện. Đấy là triết lý của Van Gaal, sự sáng tạo sẽ đến từ hệ thống chứ không phải từ những cá nhân. Rafa Benitez, cũng là một người ngưỡng mộ Sacchi, cũng tin vào điều này. Thật tình cờ khi lúc còn thi đấu, cả Conte, Van Gaal lẫn Benitez đều là những tiền vệ thiên về cần cù hơn sáng tạo.

Năm 2013, nhiều người tự hỏi Juventus có thể duy trì sự ổn định của mình hay không. Và câu trả lời của Conte thật thuyết phục. Chiến thắng 3-0 trước Cagliari ở vòng đấu cuối cùng giúp Juventus cán đích với kỷ lục 102 điểm, trở thành đội bóng đầu tiên ở Serie A vượt qua được cột mốc 100 điểm. Họ lần đầu tiên vô địch scudetto ba lần liên tiếp kể từ năm 1935. Họ cũng toàn thắng mọi trận đấu sân nhà mùa ấy, một điều chưa từng có tiền lệ từ khi Serie A chuyển sang thể thức 20 đội.

Với Conte, Juventus đoạt ba scudetto liên tiếp, khép lại hoàn toàn đêm trường đen tối hậu Calciopoli.

Đang ở đỉnh cao của danh tiếng, Conte bất ngờ tuyên bố từ chức. Nhiều người cho rằng ông không thể giúp Juventus tiến bộ hơn được nữa. Ở châu Âu, Juventus thường xuyên bị loại sớm và người ta cho rằng Conte không đủ bản lĩnh để đá các giải quốc tế. Cách chơi với hàng thủ ba người của ông bị chê là lỗi thời ở châu Âu. Về phần bản thân, Conte cho thấy ông không hài lòng với ngân quỹ chuyển nhượng của CLB. Họ rất hay bán những cầu thủ được giá mà không hỏi ý kiến ông. "Người ta không thể vào ăn nhà hàng một trăm đô với chỉ mười đô trong túi," Conte nói.

Juventus bổ nhiệm Massimiliano Allegri chỉ 24 giờ sau khi Conte từ chức. Juventus tiếp tục vô địch Scudetto hai năm tiếp theo. Việc họ vào đến chung kết Champions League đã khiến mọi người đặt Allegri lên cao hơn Conte về chiến thuật. Ngay trong đội, đã có nhiều người ngỏ ý đặt Allegri lên cao hơn.

Tháng 8/2014, Claudio Marchisio nói với Tuttosport là Juve đã chơi tự do hơn dưới thời Allegri. Một năm sau đó, trên La Stampa, Andrea Barzagli nói: "Conte là một người truyền động lực, nhưng Allegri lại làm việc nhiều hơn về chiến thuật và quản lý. Điều này giúp đội bóng có hình dáng cụ thể hơn". Trên El Pais năm 2015, Tévez nói: "Với Allegri, tôi được phép chơi tự do hơn".

Conte không nói gì về đội bóng cũ sau khi rời khỏi đó. Ông đi du lịch và âm thầm học ngoại ngữ. Nhưng khi đội tuyển Italy mời Conte sau một World Cup 2014 thảm họa cùng Cesare Prandelli, Conte nhận lời, trở thành HLV đội tuyển quốc gia có lương cao thứ ba thế giới.

Tôi sẽ mang văn hóa chiến thắng vào đội tuyển, tôi sống để chiến thắng. Sự khác biệt thắng lợi và thất bại với tôi lớn giống như sự sống và cái chết.

Conte nói trong lễ nhậm chức HLV tuyển Italy
Cảm xúc của Conte khi Italy thắng Tây Ban Nha 2-0 ở tứ kết Euro 2016
 
 

Conte truyền lửa cho tuyển Italy trong trận thắng Tây Ban Nha 2-0 ở vòng 1/8 Euro 2016.

Không ai tin Conte thành công trong bối cảnh Italy đang chịu cơn khô hạn tài năng lớn nhất lịch sử. Khi Italy đến với Euro 2016, báo chí châu Âu nhận định đấy là đội hình thuộc hàng kém nhất những lần dự các giải đấu lớn. Bản thân Conte cũng đã gần như xới tung cả đất nước hình chiếc ủng lên để tìm những cầu thủ tốt nhất cho Azzurri. Những ai chỉ trích HLV này kém về chiến thật đã phải nuốt lại nhận định của họ, bởi ông Conte thấy ông có khả năng linh hoạt với nhiều sơ đồ khác nhau.

Phong cách bào mòn thể lực của các cầu thủ vẫn nhất quán như thế. Khi Marchisio dính chấn thương nặng trên sân tập, Juventus chỉ trích ông vì không biết giữ chân cho cầu thủ của họ. CĐV quá khích của Juventus thậm chí còn dọa giết Conte. Sau sáu tháng đầu tiên, đã có tin Conte từ chức.

Nhưng Conte vẫn đến Pháp trong bối cảnh không có hai tiền vệ trụ cột Marchisio và Marco Verratti vì chấn thương. Conte cũng không gọi cậu học trò cũ Pirlo vì anh đã sang Mỹ thi đấu. Không có ba tiền vệ tốt nhất, Italy vẫn chơi thứ bóng đá khiến tất cả sửng sốt và thán phục. Chỉ có loạt sút luân lưu may rủi mới khiến Italy dừng bước trước Đức. Nhưng niềm tự hào Azzurri đã được Conte khơi lại.

Chỉ một tuần sau khi rời khỏi nước Pháp, Conte trở lại làm việc. Ông ra mắt ở Chelsea, nói thứ tiếng Anh rất sõi. Ở California, ông làm việc sáu giờ một ngày dù đang là giờ nghỉ ngơi. Ông phải nhập kẹo từ Italy sang vì mất giọng. "Tôi la hét nhiều quá đó mà," ông mỉm cười nói với báo Anh.

Và thành quả của những tiếng la hét, của những giờ lao động không biết mệt mỏi ấy là một Chelsea dần trở lại với hình hài của một kẻ chinh phục, khác xa với một Chelsea bạc nhược của mùa bóng trước. Ông la hét nhiều đến mức khiến vị tiền nhiệm Jose Mourinho phải ngứa mắt cho dù Mourinho cũng từng hò hét như ai. Có lẽ vì Mourinho nhận ra ông có hét to cách mấy, cũng không bằng được... Conte. Bởi vì khi Conte hét, cả sân Stamford Bridge đều gầm theo ông.

Tôi có cảm giác mình như chơi trò lắp ghép các cầu thủ trong mỗi trận đấu. Tôi cho thấy sự đam mê, ý chí và khát khao khi luôn tin tưởng học trò ở mọi khoảnh khắc. Đó chính là con người của tôi.

Antonio Conte

Infographic: Tiến Thành - Nhật Tảo

"Conte là một cái búa", Leonardo Bonucci nói tại Euro 2016. "Khi bước vào một buổi tập hay một trận đấu, một trận giao hữu hay một trận vòng loại, một trận tranh Cup hay một trận ở giải vô địch. Conte luôn là Conte, cái búa luôn là cái búa".

Và cái búa ấy đã đóng đinh vào tâm trí các cầu thủ của Chelsea những câu bất hủ:

- Nỗ lực là thứ tôi không bao giờ thỏa hiệp.

- Chúng ta chỉ có thể trở thành nhà vô địch nếu tư duy như nhà vô địch.

- Hãy sợ thất bại, như người ta sợ chết.

Và với Conte, các cầu thủ Chelsea đã tìm thấy một vị tướng quân. Chỉ cần ông hô "Xung phong", họ sẽ liều mình bước vào trận đánh. Họ không sợ hãi, vì bao giờ Conte cũng đi trước tiên! Tinh thần ấy đã đưa thầy trò ông đến chức vô địch Ngoại hạng Anh hôm qua 12/5, sau trận thắng chủ nhà West Brom 1-0 ở vòng 37.

Nhưng như thói quen, chiến thắng trước West Brom cùng danh hiệu Ngoại hạng Anh vừa đoạt được cũng chỉ giúp Conte thảnh thơi trong ... chốc lát. Ông ngay lập tức đốc thúc các học trò chiến đấu mục tiêu tiếp theo. "Nghỉ ngơi là quan trọng sau một mùa giải thành công, nhưng giờ là lúc đội bóng có thể giành Cup FA", Conte nhấn mạnh khi trả lời Sky Sports sau chức vô địch.

Cầu thủ Chelsea trút nước đá và champagne lên người Conte mừng chức vô địch
 
 

Cầu thủ Chelsea dội nước đá vào Conte mừng chức vô địch Ngoại hạng Anh.

Hoài Thương tổng hợp

Bình luận
Ý kiến của bạn