8 năm cấp cứu ‘báo động đỏ’ giành lại nhiều sinh mạng

Kể từ sáng kiến năm 2008 của Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 thời ấy là bác sĩ Tăng Chí Thượng, quy trình cấp cứu "báo động đỏ" huy động mọi nguồn lực đã cứu nhiều tính mạng đang ngấp nghé cửa tử, được nhân rộng khắp cơ sở y tế và giành giải nhất "Chất lượng bệnh viện" ở TP HCM.

8 năm ‘báo động đỏ’ cứu khẩn nhiều mạng sống tại Sài Gòn

Gần 30 trường hợp đã được các bác sĩ hợp sức giữ lại mạng sống một cách kỳ diệu trong suốt 8 năm qua nhờ quy trình cấp cứu báo động đỏ tại TP HCM.

5 giờ giành sự sống hai bé trai bị kẻ chán đời đâm 11 nhát

Tháng 6/2013, Sài Gòn chấn động với vụ án hai bé trai 6 tuổi và 2 tuổi bị nam thanh niên chán đời đâm liên tiếp 11 nhát tại một chung cư ở quận 5. Hai bé được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1. Các bác sĩ đã phát lệnh báo động đỏ, huy động các kíp mổ và ngân hàng máu vào cuộc phẫu thuật khẩn cấp kéo dài 5 giờ để kịp thời cứu mạng sống cả hai cháu. 

Quy trình báo động đỏ đã được Nhi đồng 1 áp dụng từ năm 2008 và cứu sống vài bệnh nhi nguy kịch, song phải khi hai cháu bé lần này thoát chết một cách thần kỳ, quy trình cấp cứu khẩn cấp mới bắt đầu được biết đến rộng rãi hơn. "Với tình trạng mất máu ồ ạt, hai bệnh nhi có lẽ khó cầm cự được nếu không phát lệnh báo động đỏ cho cuộc siêu cấp cứu", bác sĩ Đào Trung Hiếu, phó giám đốc bệnh viện, trưởng kíp mổ khi ấy chia sẻ.

 

Hơn 10 ngày điều trị, hai cháu bé xuất viện khỏe mạnh và có thể chơi đùa tại nhà, trong sự vui mừng ngỡ ngàng "không thể tin được" của gia đình. Ảnh: Lê Phương.

Phép màu giúp hồi sinh cậu bé văng khỏi bụng mẹ

Ngày 25/10/2014, sản phụ Nguyễn Thị Kim Ngọc ở An Giang chuyển dạ, trên đường được chồng đưa vào bệnh viện sinh thì bị tai nạn va quẹt với ôtô đi cùng chiều. Mẹ tử vong tại chỗ, còn em bé văng ra khỏi bụng mẹ với một chân đứt lìa. Bố cháu cũng bị mất một chân. Hai bố con được đưa vào viện cấp cứu. Cháu bé chào đời với phương thức kỳ lạ nhất này được sơ cứu ở bệnh viện An Giang trước khi chuyển về Nhi đồng 1. Bệnh viện Nhi đồng 1 đã kích hoạt hệ thống "báo động đỏ" ngay trong ngày nghỉ khi tiếp nhận cấp cứu bé, huy động tất cả chuyên khoa cho ca phẫu thuật sinh tử.

Sự bình phục của cậu bé sau hơn 2 tuần thập tử nhất sinh được các y bác sĩ xem như một phép màu. Cháu bé được đặt tên là Nguyễn Quốc Huy. Bé Huy sống sót được nhiều người ví như chú lính chì dũng cảm với chân phải bị cắt cụt đến gối. Bố bé là Nguyễn Văn Nam phải tháo khớp gối chân phải và sau đó được lắp chân giả.

Hiện hơn 2 tuổi, bé Huy đã có thể đi lại, chạy nhảy vững chãi trên chiếc chân giả.

Sau 25 ngày đấu tranh với tử thần và giành chiến thắng một cách kỳ diệu, bé Huy được các bác sĩ trao tận tay cha Nguyễn Văn Nam khi xuất viện. Người bố cũng bị mất một chân như bé sau tai nạn cướp đi sinh mạng của người mẹ.

Những bước đi đầu tiên với chân giả của bé Huy
 
 

Những bước tập đi đầu tiên với chân giả của bé Nguyễn Quốc Huy (lúc 11 tháng tuổi)

Giờ phút căng thẳng mổ rút dao cứu bé 11 ngày tuổi bị đâm

Bé Phát sinh ngày 28/7/2015, khi mới 11 ngày tuổi đang nằm điều trị bệnh ở Bệnh viện Vĩnh Long thì bị một người đàn bà lạ đâm dao vào hốc mắt trái xuyên đến não. Bé được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM cấp cứu hôm 8/8/2015 trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ đã trải qua ca mổ căng thẳng để rút dao khỏi não và khâu các vết thương ở đầu cho bé. Vượt qua giai đoạn hiểm nghèo, cậu bé đã từng bước hồi phục ngoài mong đợi. Hiện bé hơn 18 tháng tuổi, kháu khỉnh, lanh lẹ song hơi yếu phía trái người và chưa biết đi do di chứng.

Giây phút mổ lấy dao khỏi đầu bé sơ sinh
 
 

Giây phút mổ rút dao khỏi đầu bé sơ sinh (video phẫu thuật có cảnh máu, độc giả cân nhắc khi xem)

Bé Phát đùa vui cạnh mẹ khi đi tái khám tại Bệnh viện Nhi đồng ngày 28/12, lúc tròn 17 tháng tuổi. Ảnh: Lê Phương.

Báo động đỏ liên viện

Từ hiệu quả quy trình báo động đỏ nội viện, Sở Y tế TP HCM trong năm 2016 đã triển khai "báo động đỏ liên viện", nhiều bệnh viện trên địa bàn phối hợp nhau, tận dụng thời gian vàng kịp thời cứu chữa bệnh nhân.

Hai bệnh viện hợp sức cứu sống mẹ con sản phụ

Sáng 21/9/2016, Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận sản phụ 20 tuổi, mang thai 9 tháng trong tình trạng rất nguy kịch, co giật rồi ngưng tim ngưng thở, thai nhi có nguy cơ tử vong. Do bệnh viện không có khoa sản, khoa nhi và cũng không thể chuyển viện vì nguy hiểm đến tính mạng cả hai mẹ con, các bác sĩ đã nhờ đến sự hỗ trợ của Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương. Cuộc mổ bắt con nhiều căng thẳng được phối hợp thành công, bé trai chào đời nặng 3,4kg.

Các bệnh viện Gia Định, Trưng Vương, quận Thủ Đức, quận Tân Phú... trên địa bàn TP HCM trong năm qua cũng đã thực hiện báo động đỏ liên viện để cứu sống nhiều người bệnh.

Bác sĩ hai bệnh viện phối hợp mổ khẩn cấp cứu bé trai ngã lầu

Đêm 26/10/2016, bé Minh ngã từ lầu 2 xuống đất bị hai thanh sắt hàng rào đâm ở tư thế nằm ngửa, đưa vào Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu với hai vết thương sau lưng và một vết thương trước ngực. Thống Nhất là bệnh viện chuyên về điều trị người lớn, không có y dụng cụ lẫn kinh nghiệm gây mê phẫu thuật trẻ em, nếu chuyển bé đến bệnh viện nhi đồng thì chắc chắn bệnh nhi sẽ chết. Các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất cầu cứu đồng nghiệp ở Bệnh viện Nhi đồng 1. Các bác sĩ 2 viện quyết định bỏ qua siêu âm tim mà tiến hành mổ ngay cho bé, sau ca mổ mới đưa bé về Nhi đồng 1 để điều trị tiếp. Suốt quá trình hồi sức sau đó, bé lại nhiều lần đối diện những hiểm nguy như tụt huyết áp, rối loạn đông máu, liệt chân... Trải qua 3 tuần gian nan chiến đấu với tử thần, bé trai hồi phục khỏe mạnh. 

Một tháng sau khi thoát chết trong tai nạn ngã lầu, cậu bé 5 tuổi khỏe khoắn, lanh lợi trong cuộc hội ngộ với các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) sáng 28/11.

Giành giải nhất chất lượng bệnh viện

Cục trưởng Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê (phải) trao giải nhất "Chất lượng bệnh viện" cho Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 Nguyễn Thanh Hùng (trái) ngày 10/2.

Quy trình cấp cứu báo động đỏ vừa vượt qua 115 hoạt động y tế khác để đoạt giải nhất chất lượng khám chữa bệnh cấp thành phố năm 2016, sáng 10/2. Phó giáo sư Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết báo động đỏ cho phép bác sĩ bỏ qua các giai đoạn như hội chẩn, các xét nghiệm, siêu âm, chẩn đoán hình ảnh... mà chuyển thẳng bệnh nhân từ phòng cấp cứu lên phòng mổ. Khi nhận được tín hiệu, các êkip gây mê, hồi sức, phẫu thuật, ngân hàng máu... đồng thời tốc lực vào cuộc, ưu tiên chạy đua với thời gian để xử trí nhanh nhất. Bộ Y tế cũng đã đưa quy trình báo động đỏ vào tiêu chí chất lượng bệnh viện 2016, triển khai cho toàn bộ hệ thống của ngành y tế cả nước.
Cấp cứu báo động đỏ
 
 

Phó giáo sư Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, người sáng lập quy trình "báo động đỏ" khi làm Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1.

Lê Phương

Bình luận
Ý kiến của bạn