Chủ trì phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo phòng chống lãng phí sáng 25/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các cơ quan sớm hoàn thiện Luật Tiết kiệm chống lãng phí để trình Quốc hội.
Theo Thủ tướng, chính sách ban hành chưa hoặc không phù hợp cũng gây ra lãng phí rất lớn. Vì vậy, các bộ ngành, địa phương phải sớm hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật quản lý kinh tế xã hội với tinh thần "chỉ rõ vướng mắc, ách tắc ở đâu, thẩm quyền của ai thì người đó phải giải quyết".
Cùng với hoàn thiện chiến lược quốc gia về phòng chống lãng phí bao quát tất cả lĩnh vực, lãnh đạo Chính phủ lưu ý hoàn thiện định mức kinh tế kỹ thuật không phù hợp thực tiễn.
Thủ tướng cho biết đã ban hành hai công điện yêu cầu tập trung giải quyết dứt điểm dự án tồn đọng, dừng thi công và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, nhiều bộ ngành, địa phương chậm trễ báo cáo, "thể hiện sự thiếu trách nhiệm", ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ xử lý, gây lãng phí nguồn lực.
Vì vậy, ông yêu cầu bộ trưởng, chủ tịch các tỉnh thành nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh ngay việc thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trường hợp không báo cáo đúng hạn sẽ bị xem xét trách nhiệm và xử lý. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (sắp tới là Bộ Tài chính) cùng Văn phòng Chính phủ được giao giám sát và đề xuất biện pháp xử lý đơn vị chậm trễ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo phòng chống lãng phí sáng 25/2. Ảnh: Nhật Bắc
Một số ban chỉ đạo, tổ công tác đang hoạt động có cùng chức năng tháo gỡ khó khăn cho các dự án tồn đọng, cần hợp nhất thành một ban chỉ đạo do Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình làm trưởng ban trước 28/2. Việc phân cấp, phân quyền, nhất là trong quản lý các dự án đầu tư công theo tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
Thủ tướng lưu ý cấp trên không làm thay cấp dưới mà phân định trách nhiệm rõ ràng, đề cao trách nhiệm cá nhân. "Đa số làm tốt thì quy trình, thủ tục phải theo đa số, không thể vì thiểu số hay một người làm không tốt mà thiết kế theo họ", Thủ tướng nói.
Ngoài ra, để tiết kiệm, chống lãng phí, các cơ quan cần đẩy nhanh ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) vào quản lý, giám sát. Hạ tầng số, dữ liệu các cơ quan phải liên thông, tránh tình trạng mỗi đơn vị vận hành một hệ thống riêng lẻ dẫn đến phân mảnh, gây khó khăn khi quản lý và khai thác thông tin.
Thủ tướng yêu cầu hóa dữ liệu tài nguyên khoáng sản cả nước, "xác định rõ có bao nhiêu, khai thác bao nhiêu, còn bao nhiêu".
Thời gian qua, Chính phủ và các cơ quan đã tháo gỡ vướng mắc nhiều dự án, như các dự án điện năng lượng tái tạo. Chính phủ đã ban hành nghị quyết về vấn đề này, "nếu đưa được dự án vào khai thác, sẽ giải phóng nguồn lực hàng chục tỷ USD".
Với các vướng mắc về đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số địa phương, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội ban hành nghị quyết, tạo cơ sở pháp lý giải quyết. Riêng Đà Nẵng có hơn 1.300 dự án sẽ được tháo gỡ.
Dự án bệnh viện Việt Đức 2 và Bạch Mai 2 cũng được chỉ đạo sớm hoàn thành; 4 ngân hàng thương mại yếu kém hoàn thành chuyển giao bắt buộc; 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả ngành công thương được xử lý. Chuỗi dự án điện khí lô B - Ô Môn kéo dài 20 năm cũng được thúc đẩy.
"Còn thực trạng còn lãng phí thời gian, công sức, nguồn lực, đất đai, tài nguyên, tài sản công và tư, mua sắm công, nhiều nhà, đất không sử dụng hoặc kém hiệu quả, không đúng mục đích", Thủ tướng nói.
Vũ Tuân