"Chúng tôi đang cân nhắc việc ba bệnh viện ở miền bắc Gaza đề nghị được sơ tán, nhưng điều quan trọng là sơ tán đi đâu? Không có nơi nào an toàn", người phát ngôn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Christian Lindmeier phát biểu tại Geneva, Thụy Sĩ hôm nay.
Ba bệnh viện gồm Al-Shifa, Indonesian và Al-Ahli. Theo ông Lindmeier, đề nghị sơ tán được nhân viên các bệnh viện đưa ra, do lo ngại về an toàn tại các cơ sở, đồng nghĩa tình hình thực tế ở miền bắc Gaza "rất nghiêm trọng". Trong khi đó, các bệnh viện ở miền nam Gaza đang quá tải và thiếu thốn.
"Việc sơ tán đang ở giai đoạn lên kế hoạch và chưa có thêm thông tin", ông Lindmeier nói. Nỗ lực này cần có sự phối hợp với các bên liên quan trong xung đột, nhằm đảm bảo đoàn xe sơ tán không bị tập kích như những gì đã xảy ra với Hội Chữ thập Đỏ Quốc tế và tổ chức từ thiện Bác sĩ không biên giới (MSF).
Israel cuối tháng 10 đẩy mạnh chiến dịch tấn công tại Dải Gaza để đáp trả vụ đột kích ngày 7/10 do Hamas thực hiện. Quân đội nước này đã bao vây Gaza City, đô thị lớn nhất miền bắc Gaza, điều các đơn vị tiến sâu vào thành phố. Giao tranh giữa hai bên đã khiến khoảng 14.500 người thiệt mạng, khoảng 35.600 người bị thương tính đến ngày 21/11.
Binh sĩ Israel phong tỏa bên ngoài một số bệnh viện ở khu vực, trong đó có Al-Shifa, cho rằng Hamas đặt sở chỉ huy tại những cơ sở này nhưng tổ chức kiểm soát Gaza bác bỏ. Binh sĩ Israel tiến vào Al-Shifa tuần trước và tuyên bố tìm thấy vũ khí, địa đạo của Hamas.
Trong khi đó, phát ngôn viên Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) James Elder hôm nay cảnh báo nguy cơ "bùng phát dịch bệnh hàng loạt" có thể khiến tỷ lệ trẻ em tử vong tăng tại những khu vực đông người. Số trường hợp dưới 5 tuổi bị tiêu chảy đã tăng lên gấp 10 lần so với mức trung bình tháng trước khi xung đột xảy ra.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết người dân Gaza chỉ nhận được 1-3 lít nước mỗi ngày, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế trong tình trạng khẩn cấp.
Như Tâm (Theo Reuters)