Tuyên bố được Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp về Y tế Công cộng của WHO, đưa ra trong cuộc họp ở Geneva, Thụy Sĩ, hôm 22/3. Mike Ryan cho rằng các biện pháp y tế công cộng là "vô cùng cần thiết" để ngăn ngừa đại dịch tái bùng phát sau này.
"Những gì chúng ta thật sự cần chú trọng là sàng lọc người mắc bệnh, người nhiễm virus để cách ly họ, tìm ra những người họ từng tiếp xúc và tiếp tục thực hiện cách ly", Mike Ryan nhận định.
"Nếu chúng ta không áp dụng các biện pháp y tế công cộng mạnh mẽ ngay bây giờ, sau khi gỡ lệnh hạn chế đi lại và phong tỏa, dịch có nguy cơ tái bùng phát", ông bổ sung.
Khi Covid-19 bước vào giai đoạn thứ hai - lan rộng trên thế giới, phần lớn các nước châu Âu, châu Mỹ đã học hỏi Trung Quốc và một số nước châu Á, đưa ra lệnh hạn chế cứng rắn để ngăn ngừa dịch lây lan. Hầu hết người lao động được yêu cầu làm việc tại nhà. Trường học, quán bar, quán rượu và nhà hàng bị đóng cửa.
Mike Ryan cho rằng các động thái trước đó từ Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc, kết hợp với biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, đã cung cấp mô hình ứng phó cho châu Âu - tâm dịch mới toàn cầu.
"Sau khi đã hạn chế di chuyển, chúng ta cần lần theo đường đi của các ca bệnh và chiến đấu với virus", Mike nói.
Italy là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19. Tính đến ngày 23/3, Italy ghi nhận hơn 59.000 ca dương tính và 5.476 người tử vong do đại dịch.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo hệ thống y tế Anh có thể bị quá tải bởi lượng người bệnh khổng lồ, trừ khi người dân thực hiện biện pháp phòng ngừa cá nhân hiệu quả, trong đó có tránh "tương tác xã hội". Bộ trưởng Y tế Anh cho biết chính phủ sẽ tăng gấp đôi bộ xét nghiệm trong tuần tới.
Mike Ryan thông báo một số vaccine đang được phát triển, song chỉ một loại đủ điều kiện thử nghiệm tại Mỹ. Ông hy vọng mọi người sẽ "thực tế" khi nhắc đến thời gian vaccine được đưa vào sử dụng, bởi đây là quá trình tương đối phức tạp.
Thục Linh (Theo Reuters)