Cầu thủ Italy đứng rải rác như những chú bồ câu ngoài Điện Doge tại Quảng trường St Mark ở Venice. Khi Lorenzo Pellegrini đứng trước bóng, cẩn thận dò xét từng chút một trước khi thực hiện quả đá phạt, tám đồng đội chia thành hai hàng bốn người đứng ngay trước hàng rào của Ba Lan. Đám đông ở Gdansk quay qua nhìn nhau. Thủ môn Lukasz Fabianski cũng bối rối, nhổ bọt lên đôi bao tay và đang tự hỏi chuyện gì đang xảy ra.
Rồi đột ngột, khi Pellegrini bắt đầu chạy đà, một cầu thủ trong hàng rào màu xanh chạy ra như bông hoa bồ công anh bay trong gió. Bốn cầu thủ Italy khác cũng di chuyển. Một người chạy ngược lại phía Pellegrini để xin một đường chuyền, những người khác quay ngoắt lại phía vòng cấm của Ba Lan khiến hậu vệ đối phương rối loạn. Sau cùng, Pellegrini phớt lờ hết những pha di chuyển phức tạp, sút thẳng về phía khung thành.
Trận hòa không bàn thắng ở Nations League hồi tháng 10/2020 là bước ngoặt trong cách triển khai bóng chết của đội tuyển Italy. Họ bắt đầu thực hiện những kịch bản đá phạt lạ mắt. Nhưng HLV Roberto Mancini không tự tay dàn xếp. Người chịu trách nhiệm sáng tạo và duy trì thói quen này là Gianni Vio.
Giống Maurizio Sarri từng là nhân viên Banca Toscana trước khi trở thành HLV chuyên nghiệp, Vio làm việc tại chi nhánh Mestre của ngân hàng Unicredit. Họ gặp nhau tại ngoại ô Firenze trong khuôn khổ khoá huấn luyện Ivy League ở Trung tâm huấn luyện quốc gia Coverciano - lò đào tạo những nhà cầm quân bóng đá trứ danh Italy. Sarri về sau thành danh ở Empoli với cuốn sổ ghi 33 kịch bản đá phạt tự sáng tác cho đội bóng của ông, nhưng Vio, người cũng từng huấn luyện các đội hạng dưới ở Ý, mới trở thành chuyên gia ở lĩnh vực chuyên sâu này. Ông sưu tầm không dưới 4830 kịch bản đá phạt.
Luận án tốt nghiệp Coverciano của Vio có nhan đề: "Tình huống cố định: Tiền đạo ghi 15 bàn thắng mỗi mùa". Nó được viết trong thời gian ông làm việc ở một đội nghiệp dư thuộc Serie D. Tại CLB này, Vio khởi đầu bằng một bài đá phạt trở nên nổi tiếng. Ông dùng hai anh em sinh đôi giống hệt nhau đứng gần hàng rào trong một quả đá phạt. Những hậu vệ này chỉ đứng đó, nhìn chằm chằm vào thủ môn khiến anh này mất tập trung và không hiểu họ định giở trò gì. Các biến thể đá phạt xoay quanh bài này có sức ảnh hưởng lớn giúp tên tuổi Vio vang xa.
Khi một tờ báo của Venezia yêu cầu ông tiết lộ bí mật, ông áp một tấm thẻ lên ngực rồi nói: "Những gì tôi có thể nói là bạn cần phân tích cầu thủ của mình để tìm ra giải pháp phù hợp với kỹ năng của họ. Có những người đọc trận đấu rất giỏi. Ở đẳng cấp cao nhất, Sergio Ramos là một ví dụ. Dù bạn đá trái bóng đến vị trí nào, cậu ấy cũng có thể tìm ra cách dứt điểm. Thời điểm cũng là khía cạnh quan trọng khi thực hiện một quả đá phạt".
Nhưng các hoạt động tâm lý xoay quanh cũng là thứ ảnh hưởng mà tình huống dùng cặp song sinh nhằm gây xao nhãng đã chứng minh hiệu quả. Năm 2004, ông cộng tác với chuyên gia tâm lý Alessandro Tettamanzi viết một cuốn sách có nhan đề: "Thêm 30%".
Vì sao là 30%? "Đó là tỷ lệ tăng thêm số bàn thắng cho đội bóng khi tận dụng tốt các pha bóng chết", Vio giải thích. "Như thể bạn có thêm một tiền đạo nữa vậy".
Một ngày nọ, bản copy của cuốn sách này nằm trên bàn làm việc của Walter Zenga. "Người Nhện", như biệt danh của cựu thủ môn Inter Milan, lúc đó là HLV của CLB Serbia, Sao Đỏ Belgrade. Ông ngấu nghiến cuốn sách một mạch. Hồi làm thủ môn, Zenga luôn ấn tượng với những lần đấu lại các pha cố định của đối phương khi các đối thủ cố làm khó ông nhiều nhất có thể.
"Một đội bóng thực hiện 200 tình huống cố định mỗi mùa", Zenga thầm nghĩ. "Vì sao lại để lãng phí 200 cơ hội ghi bàn?".
Ông tìm thấy thông tin liên lạc của Vio phía sau cuốn sách và gửi cho ông một email.
Họ bắt đầu trao đổi với nhau. Zenga rất ấn tượng với cựu nhân viên Unicredit nên khi chuyển đến làm việc ở Al-Ain tại UAE, ông đã bay đến gặp Vio để yêu cầu vị chuyên gia này đào tạo bóng chết cho đội bóng của ông 20 ngày liên tục.
Khi CLB Catania mời Zenga về dẫn dắt đội ở Serie A, ông đã yêu cầu Giám đốc điều hành Pietro Lo Monaco một việc duy nhất. "Tôi đã nói với ông ấy, tôi chỉ cần thêm một người nữa trong ê-kíp. Người này tên Gianni Vio và là một chuyên gia bóng chết". Lo Monaco ngớ người một lúc vì cho rằng Zenga mất trí rồi. "Chỉ có kẻ ngớ ngẩn như tôi mới yêu cầu một người là nhân viên ngân hàng và chỉ dẫn dắt các đội nghiệp dư làm đồng minh với mình khi nhận công việc đầu tiên ở Serie A. Gianni thường bay đến làm việc vào thứ Năm rồi trở về nhà vào Chủ nhật. Thật sự điên rồ".
Nhưng phương pháp này lại có hiệu quả. "Một cầu thủ ghi 20 bàn mỗi mùa có thể gặp chấn thương", Zenga nhớ lại. "Anh ta có thể bị treo giò. Nhưng bóng chết thì trận nào cũng có. Luôn có. Và anh ta biết phát huy mình tốt nhất. Anh ta rất giỏi kỹ năng đó. Anh ta có thể ghi bàn không ngơi nghỉ". Catania mùa đó trụ hạng với 17 trong tổng số 44 bàn (chiếm 38,6%) được ghi từ các tình huống cố định, và Vio, mặc nhiên, được coi như "Chân sút chủ lực" của đội bóng.
Một tình huống "vườn không nhà trống" khi không cầu thủ nào chạy vào vòng cấm, một tình huống "tức nước vỡ bờ" khi cả chục cầu thủ tràn vào vòng cấm. Hai kịch bản đá phạt trái ngược từng giúp Catania ghi hai bàn trận thắng Napoli 3-0 tháng 4/2008. Cầu thủ Giuseppe Mascara cũng sút phạt ăn bàn trước Torino trong trận đấu mùa giải đó, khi bốn đồng đội chạy khỏi hàng rào còn một người khác chạy sâu xuống trước mặt thủ môn Matteo Sereni. Và nếu những việc đó chưa đủ làm xao nhãng thủ môn đối phương, thì Vio cho Gianvito Plasmati ... tụt quần xuống khi đồng đội thực hiện cú sút.
Sau khi ghi dấu ấn cùng Zenga, Vio được một HLV khác - người cũng từng dẫn dắt Catania sau này - là Vincenzo Montella liên hệ mời cộng tác, khi nhận việc ở Fiorentina. "Tôi có rất nhiều người đá phạt giỏi", Montella kể lại. "Ngay lập tức Borja Valero, Gonzalo Rodriguez và Manuel Pasqual có thêm việc để làm". Rodriguez thành công hơn cả khi trung vệ người Argentina ghi sáu bàn và đóng vai trò then chốt trong thành tích vào top 4 của Fiorentina mùa 2012-2013, với 40,3% (29 trong tổng số 72 bàn) đến từ các kịch bản của Vio.
Sau đó, Vio cộng tác với AC Milan, DC United ở Mỹ cũng như Brentford và Leeds ở Anh. Năm 2020, ở tuổi 66, sau khi lần lượt cộng tác với SPAL rồi Cagliari ở các mùa 2018-2019, 2019-2020, cựu nhân viên nhà băng này toan nghỉ hưu, để về trông cháu. Nhưng rồi, Vio nhận được một cuộc gọi.
"Mancini trực tiếp gọi cho tôi", Vio kể lại. "Chúng tôi hẹn gặp tại Bologna, nói chuyện và bắt tay. Tôi bắt đầu làm việc cho tuyển Italy từ tháng 9/2020". Sau khi Italy thắng Xứ Wales 1-0 ở vòng bảng nhờ một cú đánh đầu của Pessina, Walter Zenga nhớ lại thời kỳ cộng tác với Vio. "Pha dàn xếp ghi bàn đó nhìn quen lắm", ông nói. "Chúng tôi đã thực hiện nó phát chán từ ngày xưa".
>> Xem pha làm bàn của Pessina
Hãy cùng phân tích lại bàn thắng đó của Pessina. Trong vòng cấm, cặp trung vệ Alessandro Bastoni và Leonardo Bonucci đứng ở vị trí hiển nhiên việt vị. Đó là mẹo mà Vio muốn thủ môn Danny Ward phải phân tâm. Nhưng khi Marco Verratti chạy đà, hai trung vệ lùi lại phía sau hàng thủ đối phương và mối đe doạ không từ họ mà từ người chạy ngoài vòng cấm vào. Matteo Pessina chính là người đó, khi di chuyển lên để làm tung lưới Xứ Wales.
Trong hiệp hai, Italy còn có một pha dàn xếp thông minh nữa. Hàng rào màu xanh che tầm nhìn của thủ môn Ward. Sau đó họ chạy lại phía hàng rào đối phương để mở góc cho Federico Bernardeschi sút. Một người chạy để tạo khoảng không, một người chặn cầu thủ Xứ Wales để ngăn anh này chen vào hướng bóng. Trong pha bóng này, Bernardeschi không may khi sút trúng khung gỗ đối phương, tương tự Giorgio Chiellini không thể ghi bàn trước Thuỵ Sỹ vì để bóng chạm tay.
"Vio có rất nhiều kịch bản di chuyển", cựu tiền vệ Davide Baiocco nói về người thầy từng làm việc với anh ở Catania. "Ông ấy thích những nhân tố gây bất ngờ và có nhiều cách kết nối các pha di chuyển trong cùng một thời điểm. Trong các tình huống cố định, tôi thường đứng ở vị trí việt vị rồi di chuyển ngược lại, trước khi chạy tiếp về vị trí cũ để thoát kèm ngay trước khi quả phạt xảy ra. Nó gây khó khăn cho hậu vệ đối phương vì họ không biết kèm ai".
Trong trận đấu tại Nations League hồi tháng 9/2020, Italy có hai hàng người phía sau hàng rào bốn người của Bosnia & Herzegovina. Không ai biết chuyện gì xảy ra tiếp theo. Sau đó, hai cầu thủ di chuyển lại ngang hàng đối thủ để chuẩn bị lao vào vòng cấm khi pha bóng xảy ra, vừa gây xao nhãng vừa có thể đá bồi nếu bóng bật ra.
"Gianni nghiên cứu đối thủ rất kỹ", Baiocco tiếp tục. "Ông ấy biết chắc một đội bóng phòng thủ cột gần tốt hơn hay cột xa tốt hơn, và ai là người di chuyển đầu tiên trong các pha cố định".
Những chi tiết thế này có thể giúp Italy vô địch Euro lần đầu tiên từ năm 1968.
"Mancini biết đây là giải đấu ngắn với bảy trận đấu và những pha cố định có thể mang tính quyết định", Zenga nói. Ngồi bên bàn làm việc tại Belgrade nhiều năm trước, huyền thoại thủ môn Italy hẳn không hình dung cánh cửa đã được mở ra chỉ sau một email của ông.
Zenga thấy người Italy có thêm một tiền đạo, không phải Ciro Immobile hay Andrea Belotti. Không có hình hài cụ thể. Một người cựu nhân viên Unicredit thuộc ngoại ô Venice có thể đang ngồi trên salon và "điều khiển" nó.
Đỗ Hiếu (theo The Athletic)