Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25/3 thông báo sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus, tương tự hoạt động của Mỹ trên lãnh thổ đồng minh trong nhiều thập kỷ qua. Đây là lần đầu tiên Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật bên ngoài lãnh thổ kể từ những năm 1990.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là loại đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ, được sử dụng để đạt lợi ích chiến thuật cụ thể trên chiến trường, thay vì tàn phá trên diện rộng như đầu đạn hạt nhân chiến lược lắp cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hay bom cỡ lớn. Vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể được gắn trên tên lửa hành trình, tên lửa chống hạm, ngư lôi, phóng từ máy bay hoặc bắn từ pháo.
Trong tuyên bố, ông chủ Điện Kremlin nhắc đến việc Nga đang triển khai 10 máy bay có khả năng mang vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, đồng thời Moskva đã chuyển giao cho Minsk một số tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander có khả năng phóng vũ khí hạt nhân.
Vũ khí phóng từ máy bay
Ảnh vệ tinh thương mại hồi tháng 11/2022 cho thấy Nga đang triển khai hàng loạt tiêm kích hạng nặng MiG-31K và tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal tại sân bay quân sự Machulishchi của Belarus. Loại vũ khí này từng được triển khai nhiều lần trong các đòn không kích Ukraine, là một trong những mẫu "siêu tên lửa" mà Mỹ và đồng minh chưa có phương án đối phó.
Tên lửa siêu vượt âm Kinzhal có thể mang đầu đạn thông thường nặng 480 kg hoặc đầu đạn hạt nhân mạnh 5-50 kt, tương đương 5.000-50.000 tấn thuốc nổ TNT. Mỗi quả đạn đạt tầm bắn 1.500-2.000 km, tùy thuộc độ cao và tốc độ của phi cơ mang phóng.
Nga cuối năm 2021 thông báo triển khai phi đội tiêm kích đa năng Su-30SM đến đồn trú tại căn cứ Baranovichi của Belarus. Một số đơn vị Su-30SM Nga từng diễn tập khoa mục tấn công hạt nhân, sử dụng mô hình có kích thước và hình dáng tương tự bom nguyên tử loại 500 kg.
Không quân Nga không tiết lộ mẫu bom hạt nhân đang biên chế, nhưng dường như lực lượng này sở hữu cả bom rơi tự do và phiên bản dẫn đường để tăng độ chính xác. Phiên bản bom RN-28 được Liên Xô biên chế trong thập niên 1970-1980 có khối lượng 450 kg, sử dụng đầu đạn hạt nhân có thể điều chỉnh sức nổ từ 1-10 kt, theo Trung tâm Nghiên cứu Giải giáp Vũ khí, Năng lượng và Sinh thái thuộc Viện Vật lý và Công nghệ Moskva.
Một số loại tên lửa chiến thuật cũng có thể được hoán cải để mang đầu đạn hạt nhân, trong đó có tên lửa không đối đất Kh-59M với tầm bắn trên 115 km.
Tên lửa phóng từ mặt đất
Quân đội Nga đang biên chế tổng cộng 144 bệ phóng dùng cho tên lửa đạn đạo Iskander-M và tên lửa hành trình Iskander-K với khoảng gần 100 đầu đạn hạt nhân, mỗi chiếc có sức nổ tối đa 100 kt.
Iskander-M là tên lửa đạn đạo một tầng đẩy sử dụng nhiên liệu rắn, trang bị hệ thống dẫn đường vệ tinh, có tầm bắn tối đa 500 km. Điểm nổi bật của Iskander-M là khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay trên thế giới.
Trong khi đó, tên lửa hành trình Iskander-K sử dụng đạn 9M728 có tầm bắn khoảng 500 km, mỗi xe chuyên chở và bệ phóng (TEL) mang được hai quả đạn. Phiên bản trang bị đầu đạn thông thường nặng 500 kg được Nga đưa vào trực chiến từ năm 2013, trong khi biến thể gắn đầu đạn hạt nhân bắt đầu triển khai từ năm 2017.
Quân đội Nga hồi năm 2019 cũng công khai biến thể 9M729 và cho biết nó có tầm bắn 480 km, trong khi giới chức Mỹ ước tính mẫu tên lửa này có thể bay xa tới 5.500 km.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 12/2022 từng cảnh báo nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân đang gia tăng, nhưng khẳng định Moskva chỉ dùng vũ khí hạt nhân để trả đũa, không phải khai chiến trước. Học thuyết hạt nhân của Nga quy định nước này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công nguyên tử hoặc phải đối mặt với một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường đe dọa "sự tồn vong" của nhà nước Nga.
Mỹ đã chỉ trích Nga "vô trách nhiệm" khi quyết định bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đáp trả rằng Washington "đạo đức giả" vì đã bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật của họ tại 5 quốc gia phi hạt nhân là Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Vũ Anh (Theo Interfax, Topwar)