Ngày 23/2 đánh dấu một tháng kể từ khi thành phố Vũ Hán thực hiện các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn Covid-19 lây lan. Thành phố phong tỏa "nội bất xuất ngoại bất nhập", đóng cửa các doanh nghiệp, trường học, hạn chế giao thông, yêu cầu người dân tự cách ly tại nhà. Các thành phố lân cận áp đặt biện pháp tương tự trong nỗ lực kiểm dịch quy mô lớn. Điều này tác động đến cuộc sống của hơn 50 triệu người.
Hơn 74.000 người mắc bệnh, trên 2.100 ca tử vong ở Trung Quốc đại lục. Riêng Vũ Hán có hơn 1.500 người chết. Kể từ khi công bố dịch vào cuối tháng 12/2019, nay bệnh đã lan tới gần 30 quốc gia.
"Chúng ta phải tỉnh táo nhận ra rằng dù đã có những thay đổi tích cực, tình hình ở Vũ Hán và Hồ Bắc vẫn cực kỳ nghiêm trọng", ông Đinh Đinh Tương Dương, Phó Tổng Thư ký Quốc vụ viện, nội các Trung Quốc cho biết trong cuộc họp báo ở Vũ Hán ngày 20/2.
Giới chức Trung Quốc nhấn mạnh việc kiểm soát dịch bệnh đang có nhiều tiến triển. Song họ cũng thừa nhận tình trạng thiếu vật tư y tế và thực phẩm vẫn là một thách thức trong thời gian tới.
"Khi Vũ Hán tiếp tục thực thi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt, nhu cầu về vật tư y tế sẽ tăng đáng kể", ông Lian Weiliang, phó giám đốc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của Trung Quốc phát biểu.
Các quan chức đã tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch kể từ khi Vũ Hán và các thành phố khác ở Hồ Bắc bị phong tỏa vào cuối tháng một. Tất cả phương tiện giao thông bị cấm đi lại vào ngày Chủ nhật, ngoại trừ xe cảnh sát, xe cứu thương, xe chở hàng hóa thiết yếu và xe công vụ.
"Ban đầu, thứ chúng tôi thiếu hụt nhất là mặt nạ N95 và kính bảo hộ. Nguồn cung mũ, găng tay và ủng đang khan hiếm. Ngoài ra, nhu cầu về máy thở, máy theo dõi nhịp tim và máy X-quang đang tăng lên", ông Lian nói.
"Chúng tôi có thể đảm bảo các nhu cầu cơ bản hàng ngày. Nhưng với việc thắt chặt biện pháp kiểm soát dịch bệnh, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết trong công tác cung cấp nhu yếu phẩm hàng ngày."
"Chúng ta phải giảm lượng người lưu thông. Song vận tải phụ thuộc rất nhiều vào sức người. Vì vậy, ở một mức độ nào đó, vẫn phải có lượng nhân công nhất định. Chúng ta cần tìm cách cân bằng, đảm bảo nguồn cung (nhu yếu phẩm hàng ngày)".
Ông Lian cũng cho biết những nhu yếu phẩm như thịt và sữa bột trẻ em ở một vài vùng trong tỉnh đang thiếu. Hội đồng Nhà nước đã chuẩn bị hàng hóa khẩn cấp để gửi đến Hồ Bắc, bao gồm 80.000 tấn gạo, 36.000 tấn thịt lợn, 29.000 tấn rau tươi và 300 tấn xúc xích.
Bất chấp các khó khăn, ông Đinh nhấn mạnh biện pháp kiểm soát chặt chẽ trên toàn tỉnh Hồ Bắc đang cho thấy hiệu quả rõ rệt.
"Tại Vũ Hán và các thành phố lân cận, số ca nhiễm mới đã sụt giảm, trái ngược với sự gia tăng chóng mặt (của các ca nhiễm mới) trong quá khứ, tôi tin rằng xu hướng này sẽ duy trì", ông nói.
Ông Đinh cho biết số ca bệnh mới được chẩn đoán ở Hồ Bắc đã giảm liên tục 16 ngày. Trong khi đó, con số này tại Vũ Hán giảm còn dưới 2.000 trong tuần này.
Mỗi ngày tại Vũ Hán có hơn 500 bệnh nhân điều trị thành công và được xuất viện.
"Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ sớm thấy sự cân bằng giữa số người nhập viện và số bệnh nhân được xuất viện", ông nói.
Linh Phan (Theo SCMP)