Loạt tiếng súng vang lên giữa lúc cựu tổng thống Donald Trump phát biểu tại cuộc vận động tranh cử ở Butler, bang Pennsylvania chiều 13/7. Ông Trump, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa, sụp xuống trong tiếng la hét và hỗn loạn ở hiện trường. Các chuyên gia cho rằng đây chính là khoảnh khắc mà nước Mỹ đứng trước bờ vực của hỗn loạn, thậm chí nội chiến.
Ông Trump nhanh chóng được mật vụ đỡ dậy và sơ tán khỏi hiện trường với một vết thương nhẹ ở tai phải và sau đó được xác định an toàn. Nếu viên đạn đi chệch một vài ly, tình hình có thể rất khác.
"Điều đầu tiên tôi nghĩ đến khi nghe tin là nước Mỹ chỉ cách bờ vực nội chiến một inch. Nếu hôm nay ông Trump thực sự bị thương nặng, mức độ bạo lực mà chúng ta chứng kiến từ trước đến nay sẽ chẳng là gì so với những gì xảy ra trong vài tháng tới. Tôi nghĩ sự việc sẽ châm ngòi cho làn sóng giận dữ, thất vọng, oán giận và thù địch mới mà chúng ta chưa từng thấy rất nhiều năm ở Mỹ", Arie Perliger, nhà nghiên cứu chính trị tại Đại học Massachusetts, nói với Conversation.
FBI xác định nghi phạm nổ súng là Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi, đến từ Bethel Park, Pennsylvania. Crooks đã bị mật vụ bắn hạ ngay tại hiện trường.
Chuyên gia Perliger tin rằng vụ ám sát sẽ khiến những người ủng hộ Trump và phe cực hữu thấy rằng có những âm mưu ngăn cản cựu tổng thống trở lại Nhà Trắng và ngăn họ cạnh tranh chính trị ở Mỹ.
"Đối với những người cực hữu, những gì chúng ta vừa thấy rất phù hợp với câu chuyện mà họ đã xây dựng và lan truyền trong vài tháng qua", ông nói.
Vụ nổ súng diễn ra chỉ vài ngày trước khi ông Trump chấp nhận đề cử tại đại hội đảng Cộng hòa ở Milwaukee đầu tuần tới. Việc nhắm mục tiêu vào cựu tổng thống tại cuộc vận động tranh cử được xem là cuộc tấn công vào nền dân chủ và quyền lựa chọn lãnh đạo của mỗi người Mỹ, theo Stephen Collinson, nhà phân tích của CNN.
Joseph Meyn, người ủng hộ ông Trump tại cuộc vận động ở Pennsylvania, cho biết vụ tấn công là dấu hiệu cho thấy nước Mỹ đang bị nhấn chìm trong cơn thịnh nộ chính trị.
"Mọi người có vẻ rất tức giận. Có rất nhiều người cảm thấy vậy ở ngoài kia", anh nói. "Tôi không bất ngờ khi chuyện như này xảy ra. Nhưng tôi sốc khi nó xảy ra ngay bên cạnh tôi. Thật kinh khủng".
Việc ông Trump trở thành mục tiêu vụ nổ súng trong chiến dịch tranh cử đã gợi ra sự so sánh với vụ ám sát ứng viên đảng Dân chủ Robert F. Kennedy vào năm 1968.
"Vụ ám sát hụt Trump đã chấm dứt giai đoạn 40 năm mà nhiều người cho rằng năng lực của Sở Mật vụ đã làm giảm đáng kể khả năng xảy ra những hành vi vô nhân đạo như vậy và sẽ tạo ra bóng ma ám ảnh nước Mỹ trong nhiều năm tới", Collinson nhận xét.
Trong bối cảnh chính trị Mỹ chia rẽ như hiện tại, vụ ám sát hụt chắc chắn sẽ gây ra những hệ quả chính trị nghiêm trọng, theo các chuyên gia.
"Trump đã được người ủng hộ coi là anh hùng bất khả chiến bại và được tôn sùng tại các cuộc vận động tranh cử. Hình ảnh ông như một chiến binh liên tục bị kẻ thù tấn công giờ càng trở nên đậm nét hơn", Collinson cho hay.
Bức ảnh chụp ông Trump với máu trên tai và má, giơ cao nắm đấm lên trời với lá cờ Mỹ ở phía sau trong lúc được các mật vụ hộ tống rời sân khấu đã lập tức trở thành biểu tượng. Các chuyên gia cho rằng những khoảnh khắc như vậy sẽ đi vào lịch sử và tô điểm thêm huyền thoại về ông Trump trong lòng những người ủng hộ.
Vụ ám sát hụt cũng có thể gây ra những tác động khó lường trong chiến dịch tranh cử tổng thống vốn đã rất hỗn loạn của Mỹ.
Chiến dịch tranh cử của ông Trump cho biết vẫn giữ kế hoạch tổ chức đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa ngày 15/7. Tuy nhiên, vụ nổ súng chắc chắn sẽ làm thay đổi thông điệp và giọng điệu, cũng như vấn đề an ninh của sự kiện.
"Trump thường thành công nhất khi đóng vai người 'tử vì đạo' và vụ nổ súng ngày 13/7 đưa ông trở lại vai trò đó", Ashley Parker, nhà phân tích của Washington Post, nhận định.
Sau khi được điều trị vết thương ở tai tại cơ sở y tế, Trump gửi một email ngắn tới người ủng hộ để thể hiện sự cứng rắn. "Đây là thông điệp từ Donald Trump", email viết. "Tôi sẽ không bao giờ đầu hàng". Email có gắn kèm chữ ký và chân dung Trump.
Douglas Brinkley, nhà sử học về tổng thống tại Đại học Rice, cũng tin rằng hình ảnh của ông Trump tại vụ ám sát hụt nhiều khả năng trở thành biểu tượng.
"Người Mỹ thích nhìn thấy sự kiên cường và dũng cảm dưới áp lực. Việc ông Trump giơ cao nắm đấm sẽ trở thành biểu tượng mới", Brinkley cho hay. "Khi sống sót sau vụ ám sát bất thành, ông ấy sẽ nhận được rất nhiều sự đồng cảm từ công chúng".
Người ủng hộ Trump reo hò, cổ vũ khi ông giơ nắm đấm sau lúc bị đạn bắn sượt qua tai, cho rằng cựu tổng thống "được Chúa bảo vệ". "Chúng sẽ không thể hạ gục ngài", một người hét lên.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể đối mặt nhiều thách thức sau vụ ám sát hụt Trump. Giới chức chưa công bố động cơ nổ súng của Crooks, nhưng nhiều thành viên đảng Cộng hòa đã nhanh chóng đổ lỗi cho đảng Dân chủ và Tổng thống Joe Biden. Họ cho rằng việc phe Dân chủ liên tục gọi ông Trump là "mối đe dọa với nền dân chủ" đã thúc đẩy những cuộc tấn công nhắm vào cựu tổng thống.
"Tôi có một nhiệm vụ đó là đánh bại Donald Trump. Tôi hoàn toàn chắc chắn mình là người tốt nhất có thể làm điều đó. Vì vậy, chúng ta đã nói xong về cuộc tranh luận, giờ là lúc đưa Trump trở thành tâm điểm", ông Biden nói đầu tuần này. Câu nói này của Tổng thống Biden đã được nhiều thành viên đảng Cộng hòa trích dẫn sau vụ ám sát hụt.
"Joe Biden đã ra lệnh", nghị sĩ Cộng hòa Mike Collins viết trên mạng xã hội tối 13/7, ngay sau vụ nổ súng.
Viện Chính sách Nước Mỹ trước tiên, nhóm ủng hộ Trump, đã tổ chức buổi cầu nguyện trực tuyến lúc 21h ngày 13/7. Các lãnh đạo tôn giáo ở Mỹ cũng tham gia cầu nguyện. Một người nói rằng chắc chắn Chúa đã cứu mạng ông Trump.
Khi tổ chức buổi cầu nguyện cho nạn nhân vụ nổ súng, Frank Pavone, giám đốc tổ chức Priests for Life ở Mỹ, nói vụ ám sát Trump giống như cuộc tấn công vào "tất cả chúng tôi".
"Chúng tôi nhớ lại những gì Tổng thống Trump luôn nói: Không phải họ truy đuổi ông ấy. Họ đang truy đuổi tất cả chúng tôi và ông ấy chỉ đang cố ngăn cản điều đó", Pavone nói.
Steve Schmidt, cựu chiến lược gia đảng Cộng hòa, nhấn mạnh "hệ quả chính trị của vụ ám sát này sẽ rất lớn và chúng sẽ có lợi cho Donald Trump".
Thùy Lâm (Theo Conversation, AFP, CNN)