Nước Mỹ ngày 13/7 rúng động khi cựu tổng thống Donald Trump bị ám sát hụt trong lúc đang phát biểu tại cuộc mít tinh ở Butler, bang Pennsylvania. Nghi phạm là Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi, bị bắn hạ ngay tại hiện trường. Đây là lần đầu tiên một vụ ám sát như vậy xảy ra tại Mỹ trong hơn 4 thập kỷ.
Viên đạn xuyên qua vành tai bên phải, máu chảy xuống mặt cựu tổng thống. Ông Trump lập tức được lực lượng mật vụ che chắn và hộ tống rời hiện trường. Tuy nhiên, thay vì tỏ ra sợ hãi, ông Trump lấy lại tinh thần, nhìn thẳng vào đám đông ủng hộ phía dưới và liên tục vung nắm đấm lên trời, hô to "Chiến đấu! Chiến đấu! Chiến đấu!".
"Hình ảnh ông Trump kiên cường, giơ nắm đấm với khuôn mặt vương máu trên mặt có tính lan tỏa tốt hơn bất cứ thứ gì có thể mua được bằng tiền", Matthew Wilson, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Southern Methodist, bang Texas, nhận định.
Theo Wilson, hình ảnh đó sẽ giúp cải thiện vị thế của ông Trump với cử tri độc lập, "bởi đa phần cử tri Cộng hòa và Dân chủ đều đã quyết định bỏ phiếu cho ai từ lâu".
Lịch sử cho thấy các vụ ám sát hụt giúp tăng cơ hội đắc cử cho ứng viên tổng thống, Wesley Widmaier, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Australia, nói.
Tổng thống đảng Cộng hòa Ronald Reagan bị ám sát hụt tháng 3/1981, trong nhiệm kỳ đầu. Ông bị thương nặng, mất nhiều máu nhưng được cấp cứu kịp thời và bình phục.
"Reagan khi đó làm việc không thực sự tốt, nhưng vụ ám sát hụt giúp ông có thêm sự đồng cảm", theo Widmaier. "Ông có câu đùa nổi tiếng với các bác sĩ trong bệnh viện là 'Tôi hy vọng các bạn đều là người Cộng hòa'. Và mọi người dần tập hợp lại ủng hộ ông ấy".
Ông Reagan thắng nhiệm kỳ đầu năm 1980 với 50,7% tổng phiếu phổ thông. Khi nhậm chức, ông nhận được tỷ lệ ủng hộ từ cử tri đảng Cộng hòa, độc lập và đảng Dân chủ lần lượt là 74%, 53% và 38%. Sau vụ ám sát hụt, tỷ lệ này tăng lên 92%, 70% và 51%.
Theo Windmaier, ông Trump "khá kỷ luật" trong chiến dịch tranh cử năm nay và điều này sẽ giúp ông có thêm sự đồng cảm từ cử tri độc lập, những người chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai.
Brad Bannon, chiến lược gia đảng Dân chủ, có chung nhận định. Chiến dịch tranh cử của Trump luôn cho rằng nước Mỹ đang đi chệch hướng và "không còn an toàn". "Vụ ám sát hụt phần nào cho thấy điều này và đây sẽ là yếu tố giúp Trump có thêm sự ủng hộ", Bannon nói với Reuters.
Sự việc còn có thể tiếp thêm động lực cho ông Trump trên đường tranh cử khi nó sẽ khiến phe Dân chủ phải thận trọng hơn trong cách công kích đối thủ.
Tổng thống Joe Biden vào tối 15/7, hai ngày sau khi ông Trump bị ám sát hụt, đã phải thừa nhận ông phạm sai lầm khi phát biểu ẩn dụ "đưa Trump vào hồng tâm", cho hay tuyên bố này chỉ nhắm vào thông tin sai lệch của cựu tổng thống.
Ông Biden trước đó đã hứng chịu nhiều chỉ trích từ các thành viên Cộng hòa về phát biểu này. Họ cáo buộc phe Dân chủ "thúc đẩy bạo lực" và phải chịu trách nhiệm về vụ ám sát khi đã đưa ra những tuyên bố như "Trump là nhà độc tài chờ đắc cử, phải bị ngăn lại bằng mọi giá".
Ông Biden giờ đây khó đưa ra thông điệp mạnh mẽ như vậy, ít nhất là trong ngắn hạn, một nguồn tin am hiểu chiến lược tranh cử của Tổng thống Mỹ nói với ABC News. Việc mắc Covid-19 cũng sẽ khiến ông Biden khó tiến hành các hoạt động tranh cử quyết liệt để cạnh tranh hình ảnh với ông Trump.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát kêu gọi thận trọng khi đánh giá tác động từ vụ ám sát hụt của Trump với cuộc đua, bởi vẫn còn hơn ba tháng nữa mới tới ngày bầu cử và chính trường nước Mỹ vẫn có thể chứng kiến nhiều bước ngoặt bất ngờ.
"Tôi không thể dự báo và sẽ không đưa ra nhận định nào cho đến khi có số liệu mới. Chúng tôi cho rằng cần chờ kết quả các thăm dò sau vụ ám sát hụt và hậu đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa để nhìn rõ bối cảnh", một nhà thăm dò ý kiến đảng Dân chủ nói.
Như Tâm (Theo ABC News, Washington Post)