Sáng 25/7, TAND Hà Nội quay lại phần xét hỏi cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết do đại diện VKS cần làm rõ việc khắc phục hậu quả vụ án.
Cơ quan công tố ghi nhận trước ngày khai mạc phiên tòa, ông Quyết và gia đình đã nộp tổng cộng hơn 200 tỷ đồng - khoảng 5% trong toàn bộ thiệt hại vụ án trên 4.300 tỷ đồng.
Trả lời VKS, ông Quyết cho biết, được luật sư thông báo, vợ đã nộp thêm 25 tỷ đồng hôm 23/7, nên tổng số tiền bị cáo đã khắc phục là khoảng trên 240 tỷ đồng. Trước đó, trong mọi cuộc làm việc với cơ quan điều tra, VKS, hoặc những lần được tiếp xúc luật sư, bị cáo đều xoay quanh việc khắc phục hậu quả vụ án.
"Từ trong tại giam, bị cáo luôn đau đáu tìm mọi biện pháp khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án", ông Quyết nói, thêm rằng nhiều lần viết đơn xin sớm được bán cổ phần tại FLC nhưng chưa có kết quả.
Về phương án khắc phục hậu quả vụ án, ông này trình bày, khi bị bắt (ngày 29/3/2022) về tội Thao túng thị trường chứng khoán, được cơ quan tố tụng cho biết số tiền thiệt hại từ tội danh này khoảng 700 tỷ đồng. Do đó bị cáo đã có đơn xin dùng tài sản để sớm khắc phục; đầu tiên là bán "hãng hàng không tâm huyết cả cuộc đời, Bamboo Airways". Khi được bên mua thanh toán 200 tỷ đồng, bị cáo nộp toàn bộ về cơ quan điều tra. "Còn 500 tỷ đồng, người mua Bamboo Airways cam kết sẽ chuyển", bị cáo nói.
Tuy nhiên, cuối tháng 8/2022, ông Quyết bị khởi tố thêm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với cáo buộc cùng hai em gái và các cán bộ thân cận tại tập đoàn FLC dùng tài liệu gian dối, nâng khống vốn Công ty Faros từ 1,5 lên 4.300 tỷ đồng. Số tiền ông Quyết phải chịu trách nhiệm trong tội danh này nhiều gấp 5 lần hành vi đầu tiên, lên tới hơn 3.600 tỷ đồng.
Cựu chủ tịch FLC cho biết, đã quyết định dùng toàn bộ tài sản cá nhân gây dựng 20 năm để khắc phục tối đa hậu quả. Ngoài các bất động sản đang bị kê biên tại Hà Nội, ông Quyết nói có 30% cổ phần tại tập đoàn FLC, mong muốn được bán.
"Tài sản của FLC là rất lớn, riêng số phòng khách sạn 5 sao lên tới 5.000-6.000 phòng, chưa kể tài sản khác, ước tính hàng chục nghìn tỷ đồng, đó là nói khiêm tốn", ông Quyết trình bày.
Trong khối tài sản này, theo bị cáo, mình sở hữu 30%, nên "tự tin có thể khắc phục được toàn bộ thiệt hại 4.300 tỷ đồng". "Trong các tài sản này có một số đang thế chấp ngân hàng, song về cơ bản FLC sở hữu", cựu chủ tịch FLC nói thêm.
Các nội dung này, về cơ bản, đã được ông Quyết trình bày trong phần xét hỏi chiều 23/7. Theo cáo trạng của VKS, ông Quyết có 243 triệu cổ phiếu thuộc các mã GAB, FLC và ART đang bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phong tỏa. Tuy nhiên, các mã cổ phiếu này đều đã bị đình chỉ giao dịch.
Sau phần trình bày của ông Quyết, VKS kiến nghị lùi thời gian công bố bản luận tội sang chiều mai và được HĐXX chấp thuận.
Trong 3 ngày xét hỏi trước đó, ông Quyết bị cách ly khi 49 người còn lại bị HĐXX lấy lời khai. Các thuộc cấp, anh em của cựu chủ tịch Quyết đều khai hành động dưới chỉ đạo, chi phối của ông Quyết.
Trong khi đó các cựu cán bộ thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm lưu ký chứng khoán và Sàn Giao dịch chứng khoán TP HCM HoSE thừa nhận biết các sai phạm của công ty ông Quyết, có tìm cách cảnh báo, ngăn chặn, nhưng không thành do có "tác động từ lãnh đạo cao hơn", là người quen biết với ông Quyết.
Khai báo sau cùng và nhanh nhất, trong khoảng 7 phút, ông Quyết hơn 10 lần nhắc lại câu "cáo trạng đã truy tố đúng, bị cáo chấp nhận", sau đó từ chối trả lời hầu hết câu hỏi của các luật sư, trừ luật sư bào chưa cho mình.
Trong cáo trạng của VKSND Tối cao, ông Quyết bị cáo buộc thành lập và chỉ đạo mọi hoạt động của tập đoàn FLC và 82 công ty thuộc hệ sinh thái, trong đó có Faros - doanh nghiệp được ông mua lại năm 2011, vốn 1,5 tỷ đồng. Anh em ông Quyết cùng đồng phạm sau đó dùng thủ đoạn gian dối, quay vòng dòng tiền để nâng khống vốn. Sau hai năm, 2014-2016, Faros có vốn 4.300 tỷ đồng nhưng hơn 3.600 tỷ trong số này là "ảo".
Ông Quyết tiếp tục chỉ đạo lo lót để Faros vượt qua 3 vòng xét duyệt của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Trung tâm lưu ký chứng khoán và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, đưa mã ROS lên sàn, bán cho hơn 30.000 nhà đầu tư, thu lợi hơn 3.620 tỷ đồng.
Để thao túng thị trường chứng khoán, ông Quyết chỉ đạo dùng 5 mã chứng khoán họ FLC và 500 tài khoản chứng khoán đứng tên người quen để mua đi bán lại số lượng lớn cổ phiếu, tạo "cơn sốt" ảo, chi phối thị trường. Sau 5 năm, ông Quyết bị cáo buộc, thu lợi hơn 700 tỷ đồng.
Thanh Lam - Viết Tuân