Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) vừa có buổi làm việc với các trưởng nhóm và các thành viên để đưa ra các đề xuất nghiên cứu. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy tham dự buổi làm việc và cho rằng, việc xác định giải bài toán của doanh nghiệp, bám sát vào nhu cầu của địa phương VKIST đang hướng tới là mục tiêu lớn Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ từ khi thành lập Viện. Vì vậy việc xác định hướng đi đúng trọng tâm, đáp ứng nhu cầu thực tế luôn được đặt hàng đầu.
TS Kum Dongwha, Viện trưởng VKIST cho biết, hiện các nhóm nghiên cứu chính đã được hình thành và định hướng cụ thể với sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST).
Theo đó, hướng nghiên cứu công nghệ sinh học tại VKIST hoạt động hơn một năm qua, đi sâu phát triển các sản phẩm thảo dược Việt Nam, tập trung nâng cao hiệu quả công nghệ chiết tách hợp chất quý hiếm. Các tiêu chuẩn của sản phẩm thảo dược về thành phần, hoạt tính hợp chất được cải thiện, giúp giảm giá thành và hạn chế độc hại. Ngoài ra, hướng nghiên cứu công nghệ sinh học của VKIST tiếp tục kế thừa và phát triển những phương thuốc cổ truyền theo cách hiện đại trong lưu trữ, sử dụng.
PGS. TS Phương Thiện Thương, chủ nhiệm phòng Công nghệ Sinh học cho biết: "Hiện VKIST đang hợp tác với một số doanh nghiệp dược phẩm tại Việt Nam thực hiện đề tài nghiên cứu nâng cao hoạt chất, tính năng thảo dược trong thuốc".
Về cơ điện tử, VKIST phát triển các công nghệ lõi gồm hệ thống xả, motor cho các phương tiện chạy bằng điện, hệ thống điều khiển, sạc pin cho ô tô điện. Các phòng cơ khí, thiết bị máy điện, hệ điều khiển lên kế hoạch triển khai một số đề tài về xe điện, năm sau sẽ hợp tác với KIST, phát triển động cơ đồng bộ nam châm vĩnh cửu (PMSM) 11kW.
Đi sâu về công nghệ thông tin, nhóm nghiên cứu VKIST phát triển giải pháp ứng dụng cho nông nghiệp thông minh tại Việt Nam nhờ ứng dụng AI, Big Data, IoT, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất. Các dự án đang được triển khai như giải pháp công nghệ thông tin trong sản xuất dưa lưới tại tỉnh Hưng Yên, nghề nuôi trồng thủy sản tại đồng bằng sông Mekong. Từ đầu tháng 9, VKIST cũng hợp tác với một số đơn vị chế tạo robot dọn ao tôm, cá, cải thiện chất lượng nuôi trồng thủy sản.
Lĩnh vực cảm biến sinh học của VKIST đi sâu vào nâng cao và bản địa hóa các công nghệ cảm biết sinh học tại Việt Nam, tạo ra thế hệ cảm biến sinh học mới, cùng với sự hợp tác của KIST.
PGS. TS Trương Thị Ngọc Liên, chủ nhiệm phòng Cảm biến Sinh học tại VKIST cho biết, trong giai đoạn 2020-2023, nhóm sẽ đưa ra các sản phẩm thương mại, gồm que thử sắc ký miễn dịch từ tính, hệ thiết bị chuẩn đoán dấu ấn sinh học của kháng nguyên ung thư và cảm biến cầm tay dựa trên linh kiện dưới dạng chip màng mỏng để phát hiện các vấn đề về tim mạch.
Trong bối cảnh hiện nay mức độ cạnh tranh từ các viện nghiên cứu, trường đại học rất lớn. Tuy nhiên Thứ trưởng Bùi Thế Duy tin rằng, với sự quan tâm đầu tư của Bộ Khoa học và Công nghệ, VKIST trở thành viện nghiên cứu hàng đầu với những mục tiêu riêng biệt, ở mức độ tiên tiến nhất. "VKIST sẽ là viện nghiên cứu cho công nghiệp, trực tiếp tìm ra các hướng nghiên cứu phục vụ doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam", ông Duy nói.
Nguyễn Xuân