-
11h48
Ra mắt hai trung tâm đào tạo; ký kết hợp tác game
Trước khi khép lại diễn đàn, MC công bố lễ ra mắt Trung tâm đào tạo VTC Game Academy. Trung tâm ra đời theo sự định hướng phát triển của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện.
Theo đó, VTC Game Academy sẽ hợp tác cùng các đơn vị có hệ đào tạo chính quy, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo nội dung số như Học viện Bưu chính viễn thông, Cao đẳng Thông tin và Truyền thông và các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Google để đào tạo nhân sự cho ngành game.
Ngay sau đó Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông giới thiệu chương trình Thiết kế và Phát triển Game cũng như công bố hợp tác giữa Học viện với các doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành game Việt Nam. Theo đó, Học viện xây dựng hệ đào tạo đại học chính quy, bám sát sự phát triển của công nghệ game và nhu cầu thị trường game tại Việt Nam và trên thế giới. Đồng thời, các doanh nghiệp đồng hành cùng chương trình cũng cam kết hỗ trợ nhà trường trong công tác đào tạo và tuyển dụng bao gồm: học bổng, thực tập sinh, cơ sở vật chất trang thiết bị thực hành, hội thảo hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực game, tuyển dụng, triển khai dự án...
Cuối cùng là lễ ký kết hợp đồng hợp tác triển khai các sản phẩm trò chơi điện tử trực tuyến tại Việt Nam và thế giới giữa Công ty Cổ phần Trực tuyến GOSU và Metaverse Lab. Metaverse Lab là một đơn vị sản xuất và phát hành trò chơi điện tử trên mạng tại thị trường Hàn Quốc và toàn cầu. Còn GOSU là một trong 5 nhà phát hành game uy tín hàng đầu Việt Nam.
-
11h40
Khóa đào tạo game chính quy đầu tiên mở từ 2024
Chất lượng nguồn nhân lực là chủ đề được lặp lại nhiều lần ở chương trình năm nay. Đi sâu hơn về đề tài này là tham luận: Đào tạo nhân lực trình độ cao cho công nghiệp game Việt Nam, trình bày bởi TS. Cao Minh Thắng - Phó viện trưởng Viện công nghệ Thông tin và Truyền thông CDiT, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, chủ trì xây dựng chương trình Thiết kế và Phát triển Game.
Mở đầu, TS. Cao Minh Thắng đặt câu hỏi, vì sao công nghiệp game cần nhân sự chất lượng cao? Theo dữ liệu khảo sát đơn vị trong ba năm qua, năng lực thiết kế Việt Nam còn hạn chế. Ngành game trong nước chủ yếu nhập, chỉnh sửa, phát hành; thiết kế dòng game đơn giản; chạy theo xu hướng, ít sáng tạo. Công nghệ thiết kế và phát triển còn lạc hậu, quá tập trung dòng game mobile. các nhà phát triển trong nước chưa tận dụng thế mạnh công nghệ mới, đặc biệt là AI - dù chủ đề này được nói rất nhiều trong thời gian qua.
Game là lĩnh vực lâu đời, thậm chí có game từ 2.600 năm trước TCN - cách đây 4.000 năm. Game là lĩnh vực xuyên ngành, khi chưa có công nghệ thì game bắt đầu từ khảo cổ học, tâm lý học; khi công nghệ bùng nổ thì công nghệ đến đâu ứng dụng game đến đó. Theo khảo sát của đơn vị, hiện thế giới có 100 chương trình đào tạo game, hầu hết Âu Mỹ và bắt đầu từ cách đây 30 năm. Để đào tạo người làm game trình độ cao cần ít nhất 4 năm, cung cấp kiến thức liên ngành, nền tảng khoa học tự nhiên, kết hợp văn hóa xã hội, gần đây có cả marketing, luật, thậm chí biết đồ họa.
TS. Cao Minh Thắng nhấn mạnh, để tiến tới mục tiêu tỷ đô, ngành game cần chương trình đào tạo chuyên sâu. Hai năm qua Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo với sự hỗ trợ của cơ quan ban ngành, các công ty lớn.
Giới thiệu sâu về chương trình đào tạo, TS. Cao Minh Thắng cho biết học viện tập trung hai ngành: thiết kế kịch bản và phát triển game. Các ngành sẽ mở rộng trong tương lai. Ở năm đầu, cấu trúc trong 8 kỳ học với 135 tín chỉ. Giáo trình có nhiều môn mà Việt Nam chưa có, xây dựng kiến thức nền tảng vững chắc liên ngành, kiến thức lịch sử văn minh, văn hóa để học sinh thiết kế câu chuyện, cân bằng, nền kinh tế trong game, ứng dụng AI... Học viện có nhiều cơ chế ưu đãi, hỗ trợ dự án để sinh viên làm game hấp dẫn. Một trong những sự hỗ trợ đến từ cộng đồng doanh nghiệp, đóng góp chia sẻ về kiến thức, kinh nghiệm và cả điểm thực tập, hỗ trợ dự án làm ra những game hay, hấp dẫn ngay quá trên ghế nhà trường, phát hành thành công.
"Tôi không gọi tuyển sinh mà là đi tìm 200 nhà thiết kế phát triển game tương lai. Sinh viên khóa một sẽ là những người dẫn dắt, đóng góp để phát triển, thậm chí nâng tầm ngành công nghiệp game Việt", TS. Cao Minh Thắng khép lại phần chia sẻ.
-
11h30
Câu chuyện khởi nghiệp của Amanotes
Ông Nguyễn Tuấn Cường (Silver Nguyễn) - đồng sáng lập Amanotes mang đến một góc nhìn khác về ngành game - khởi nghiệp.
Ông Cường cho biết sở thích của mình là game và âm nhạc và quyết định khởi nghiệp với Amanotes - công ty về âm nhạc có 10 năm tuổi đời. Doanh nghiệp này phát triển các sản phẩm liên quan đến game âm nhạc, có 3 tỷ lượt tải toàn cầu, 70 triệu người dùng mỗi tháng.
Ở Amanote có ba giai đoạn khởi nghiệp. Từ 2009 - 2017 là lúc doanh nghiệp tìm kiếm và xác định mô hình kinh doanh. Đội ngũ sáng lập từng thất bại hai lần khi startup trước khi mở Amanotes từ 2014. Thất bại trước đó khiến doanh nghiệp nợ rất nhiều, nhưng đội ngũ vẫn quyết tâm tìm hướng đi mới.
Amanotes thành lập vẫn chưa có hướng đi rõ ràng, sa vào phát triển những game nhỏ. Mãi đến 3 năm sau, đơn vị mới có sản phẩm gây chú ý.
Sau năm 2017, đơn vị mới làm rõ mô hình kinh doanh, xây dựng hệ sinh thái giúp user tương tác với âm nhạc. Chẳng hạn như Magic Tiles, người chơi tương tác với các phím đàn để tạo ra giai điệu, có 1,2 tỷ lượt tải toàn cầu.
Giai đoạn tiếp theo từ 2017 - 2020. Đây là lúc công ty phát triển, mở rộng liên tục trên thị trường quốc tế. Giai đoạn này giúp đút rút nhiều kinh nghiệp về marketing, xây dựng, thiết kế sản phẩm, thu hút người dùng.
Từ 2020 đến nay, doanh nghiệp tăng trưởng về bộ máy, đã có 150 nhân sự. Đây là lúc Amanotes thay đổi cách quản trị, vận hành, văn hóa doanh nghiệp. Doanh nghiệp có sự phân hóa chuyên môn rõ ràng hơn. "Giai đoạn này giúp chúng tôi đưa ra nhiều bài học về quản trị con người, tài chính", ông Cường nói.
Kết thúc chia sẻ, ông Cường cho rằng hành trình khởi nghiệp nhiều thử thách và luôn phải song hành cùng yếu tố may mắn. Mỗi giai đoạn có thách thức và bài học khác nhau. Nắm bắt cơ hội và thích nghi với thử thách sẽ giúp startup vững vàng hơn.
-
11h08
Câu chuyện hậu trường của một game thủ
Phần tiếp theo của diễn đàn bàn về những cơ hội ngành game đem lại cho người trẻ. Sau video phỏng vấn các bạn trẻ chia sẻ ý kiến về game, ông Lê Quang Duy (SofM) - Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển quốc gia Liên Minh Huyền Thoại Việt Nam, đồng sáng lập Vikings Esports chia sẻ những câu chuyện hậu trường của một game thủ từ chính những trải nghiệm thực tế của mình.
Mở đầu phần chia sẻ, ông Duy cho rằng game thủ cũng là một vận động viên, giống như vận động viên của các môn thể thao khác, như bóng đá, bóng rổ.
Tiếp theo, ông kể về hành trình đến với game của mình từ khi còn một là cậu học sinh và những cột mốc đã được trong hành trình chơi game.
Ông cũng nói về những phẩm chất mà một game thủ cần có, trong đó ý chí nỗ lực, sự kiên trì là yếu tố rất quan trọng. Ý chí nỗ lực cũng chính là một yếu tố quan trọng giúp ông và các đồng đội trong đội tuyển Liên Minh Huyền Thoại Việt Nam chinh phục được nhiều huy chương trong các giải đấu quốc tế.
-
11h07
Game Việt ở giai đoạn tăng tốc
Khép lại phần thảo luận, Cục trưởng Lê Quang Tự Do nói hành trình game Việt đang ở bước đầu nhưng đã qua giai đoạn khó khăn. Đây là thời cơ để tăng tốc.
Cục trưởng nói thời đại công nghệ 4.0 cần có những ước mơ lớn. "Năm ngoái, chúng ta đã ước mơ tỷ USD. Năm nay, chúng ta cần cùng chung tay để biến giấc mơ thành hiện thực", ông Do kết thúc phần chia sẻ.
-
11h05
Các yếu tố xây hệ sinh thái toàn diện
Làm sao để xây dựng hệ sinh thái game thành công là vấn đề đặt ra với bà Emily Nguyễn. Đại diện Google cho rằng có nhiều yếu tố như Nhà nước, thu hút nhân tài, vốn.
Đầu tiên là hỗ trợ của Nhà nước. Ở nhiều quốc gia như Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, chính phủ hỗ trợ rất nhiều. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, giá trị thị trường là 1,8 tỷ USD. Các nhà phát triển được giảm thuế. Studio khởi nghiệp được miễn thuế, được hỗ trợ 60% các công cụ hỗ trợ, được tiếp cận các công nghệ phân tích kỹ thuật. Tại Việt Nam, ngành game hiện được quan tâm, hỗ trợ như không đánh thuế tiêu thụ nhưng cần nhiều sự hỗ trợ hơn.
Về nhân tài, nước ta có nhiều tài năng, nhưng cần tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, chính sách thu hút nhân tài quốc tế. Theo đại diện Google, ngoài việc các công ty tự đưa ra chính sách thu hút về lương thưởng, môi trường làm việc thì sự hỗ trợ của Nhà nước như cấp visa rất quan trọng
Về gọi vốn, có sản phẩm tốt thì mọi thứ sẽ đến. "Nếu chúng ta muốn tăng trưởng gấp 5-10 lần, chúng ta cần có đối tác nước ngoài về tư vấn, phát triển, mở rộng cơ sở quốc tế", bà Emily Nguyễn nói.
-
11h00
'Chất lượng nhân lực quyết định sự phát triển ngành game'
Đánh giá về chất lượng và khả năng đào tạo nhân lực làm game hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết yếu tố đầu tiên, cũng quan trọng nhất là ý tưởng. Trong sản xuất game, nếu ý tưởng tốt thì sẽ có sản phẩm tốt và sản phẩm tốt sẽ hút nhà đầu tư. Nghĩa là các studio đừng quá lo lắng ngân sách hay nền tảng mà phải chú trọng ý tưởng. Điều này có nghĩa, để chất lượng ngành game đi lên thì chất lượng nhân lực phải đi lên. Vì vậy, công tác đào tạo là việc đầu tiên phải làm, đó là lý do chương trình năm nay nhấn mạnh việc đào tạo.
Ông Bảo ví dụ hiện Việt Nam có hai đơn vị đào tạo, từ cao đẳng đến đại học. Nghĩa là từ cấp phổ thông, nếu giới trẻ có đam mê thì có thể bắt tay vào công việc làm game chuyên nghiệp bằng việc học cao đẳng. Nếu muốn theo đuổi chuyên sâu, chia sẻ tri thức thì lên cấp đại học - sau đại học.
"Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ dẫn dắt ngành game ngày càng lành mạnh, đó là định hướng lớn nhất trong năm nay", ông Bảo khẳng định.
-
10h55
Loạt công nghệ từ Google hỗ trợ phát triển game
Bàn về các công nghệ hữu ích để hỗ trợ phát hành game, bà Emily Nguyễn - Giám đốc Kinh doanh Google Ads, Gaming và Apps tại thị trường Việt Nam cho biết thị trường và riêng Google phát triển nhiều công cụ chuyên biệt, hoạt động nhằm tăng chất lượng toàn ngành. Như hiện nay có các xu hướng về AI, Cloud, học máy... Google đều đưa loạt công nghệ này trên nền tảng hạ tầng và sản phẩm, dịch vụ để đơn vị, nhà lập trình sử dụng. Tập đoàn còn xây dựng các mô hình câu lạc bộ hướng đến nhóm tiểu học đến phổ thông, tạo bệ phóng cho thế hệ tương lai.
Một số sản phẩm, dịch vụ nổi bật như Vertex AI từ Google Cloud, tập hợp các bước tiến của tập đoàn về AI, MML trong năm qua. Qua đó, công ty game có thể phát triển sáng kiến, nghiên cứu, xây dựng game. Google còn có chatbot, giải pháp quảng cáo sử dụng AI nhiều để công ty tiếp cận người chơi nhanh chóng.
Một số sản phẩm, dịch vụ nổi bật như Vertex AI từ Google Cloud, tập hợp các bước tiến của tập đoàn về AI, MML trong năm qua. Qua đó, công ty game có thể phát triển sáng kiến, nghiên cứu, xây dựng game. Google còn có chatbot, giải pháp quảng cáo sử dụng AI nhiều để công ty tiếp cận người chơi nhanh chóng.
-
10h50
Ngành game có sản phẩm tốt sẽ có doanh thu
Tiếp tục phiên thảo luận, ông Lã Xuân Thắng chia sẻ quan điểm về những việc các doanh nghiệp game cần làm để có thể tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi giá trị, xuất khẩu và cung ứng game toàn cầu. Ông cho rằng vấn đề quan trọng để phát triển ngành game đến từ tầm nhìn của những người đứng đầu các tổ chức làm game. Theo ông để thành công, các đơn vị trong ngành game cần có những sản phẩm được cộng đồng thừa nhận. Ông dẫn chứng việc này cũng quan trọng như những bộ phim làm ra cần có người xem, bài hát mà nhạc sĩ sáng tác ra và ca sĩ biểu diễn cần có người nghe.
Ông cho rằng, tiền bạc không phải là yếu tố đầu tiên để phát triển ngành game mà chính là thành quả ngành này gặt gái được khi thành công.
"So với 10 năm trước, ngành game hiện nay đã sự thay đổi đáng kể. Hiện nay nó thực sự là một ngành giải trí", ông Thắng khẳng định.
Theo ông, để thành công, các đơn vị trong ngành đều khát khao tìm những sản phẩm tốt cùng đồng hành, phục vụ người Việt Nam. "Trước mắt là kiếm tiền nhưng khát vọng lớn hơn chính là được công nhận trên quy mô toàn cầu", ông chia sẻ.
-
10h46
'Đừng lo ngại về các sản phẩm mì ăn liền'
"Việt Nam nắm bắt xu hướng nhanh, có nhiều sản phẩm nhưng phần lớn mang tính mì ăn liền" là quan điểm phổ biến với ngành game Việt. Chia sẻ góc nhìn về quan điểm này, ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc Phát hành Trò chơi trực tuyến, VNGGames, cho rằng đây là vấn đề khó trả lời. Việt Nam có tốc độ phát triển ngành nhanh, minh chứng qua các số liệu đã chia sẻ. Tuy nhiên, phải thừa nhận, vòng đời của các sản phẩm tương đối ngắn, chưa có sản phẩm tầm cỡ thể giới.
Nhìn về mặt tích cực, ông Thắng cho rằng điều này dễ hiểu. Khi có tích lũy đủ về lượng mới dẫn đến sự thay đổi về chất. Không thể đột ngột ngành game Việt xuất hiện những ông lớn tầm cỡ thế giới như Riot, Tencent. "Chúng ta không thể vội vàng", ông Thắng nói và khẳng định cần quá trình từng bước.
Chẳng hạn, Vietnam GameVerse cũng là một bước để xây dựng nền tảng cho ngành. Trước khi làm Vietnam GameVerse, ông Thắng cùng các thành viên VNGGame đều lo ngại về tính cần thiết. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cần phải làm để thức đẩy sự phát triển. "Ngành game cũng vậy, chúng ta không nên đặt nặng vấn đề sản phẩm mì ăn liền hay không. Điều gì cũng cần quá trình", lãnh đạo VNGGames khẳng định.
Nối tiếp phần chia sẻ của ông Thắng, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Tổng Giám đốc Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện VTC cho rằng các studio hiện nay có rất nhiều cơ hội để phát triển. Họ có sự đồng hành của Chính phủ. "Nhưng đây cũng là áp lực. Chúng ta đã được công nhận nên cần phải làm tốt hơn", ông Bảo nói.
Giải pháp cho sự phát triển là các studio cần có sự liên kết với nhau để cùng nhau thực chiến. Từ những kinh nghiệm thực chiến mới đúc kết ra bài học. Bài học này là nền tảng hỗ trợ các cơ sở đào tạo để đặt nền móng cho ngành game.
"Chúng ta đừng ngại chia sẻ. Trí thức cộng hưởng với tri thức tạo nên sức mạnh. Đây mới là mấu chốt giúp các studio phát triển, xây dựng vị thế toàn cầu", đại diện VTC khẳng định.