Ngày hội Game Việt Nam - Vietnam GameVerse 2024 do Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo VnExpress, FPT Online và Liên minh Game Việt Nam tổ chức, khai mạc sáng 11/5 tại TP HCM. Trong đó, Diễn đàn Game Việt Nam - hoạt động chính trong chuỗi sự kiện - có chủ đề "Hành trình tỷ USD của game Việt" với 9 bài tham luận, mổ xẻ vấn đề nóng xoay quanh sự phát triển của thị trường, những câu chuyện của tuyển thủ chuyên nghiệp, nhà phát hành game.
Bằng những bài thuyết trình sống động, lôi cuốn, các diễn giả đầu ngành trong nước và quốc tế khiến khán phòng luôn chật kín người theo dõi trong suốt ba giờ liên tục. Những tràng pháo tay liên tục vang lên khi các chuyên gia từ Google, Meta, Roblox... nói về thành tích đã đạt được cũng như tiềm năng của thị trường game Việt.
Những dấu mốc của GameVerse sau một năm
Mở đầu Ngày hội Game Việt Nam, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), điểm lại những dấu mốc quan trọng của ngành game Việt Nam năm qua.
"Vietnam GameVerse 2023 đã thuyết phục Chính phủ không đưa thuế tiêu thụ đặc biệt vào ngành game vì chứng minh được đây là ngành tiềm năng, cần hỗ trợ đầu tư và phát triển, điều đó có ý nghĩa to lớn", ông Do nói. "Chính phủ đã đồng ý và giao Bộ TT&TT nghiên cứu, đề xuất về những ưu đãi liên quan đến thuế cho ngành game".
Năm qua, Việt Nam cũng có trường đại học đầu tiên là Học viên Bưu chính Viễn thông xây dựng và chuẩn bị triển khai chương trình đào tạo chính quy đại học về game. Tiến sĩ Cao Minh Thắng, của Học viện Bưu chính Viễn Thông đặt mục tiêu tìm kiếm 200 nhân tài trong khóa tuyển sinh đầu tiên.
Cùng với đó, những định kiến của xã hội về ngành game cũng đã thay đổi nhiều thông qua các chiến dịch truyền thông. "Chúng ta đã dần chứng minh game không gây nghiện mà còn đem về vinh quang cho đất nước khi thi đấu quốc tế. Đây là ngành công nghiệp tỷ USD, phụ huynh có thể hướng con em mình đến việc xây dựng các startup, mang về doanh thu ngoại tệ và có những biện pháp cụ thể để hạn chế mặt trái của game", ông Lê Quang Tự Do nói.
Sự trỗi dậy của game Việt
Một trong những điểm nhấn quan trọng của Gameverse 2024 là sự xuất hiện của các chuyên gia đến từ tập đoàn quốc tế. Ông Zuy Nguyễn - Cố vấn Phát triển thị trường quốc tế, Game & Ứng dụng, phụ trách Thị trường Đông Nam Á, Google châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng Việt Nam đang trở thành một trong những nơi có ngành game sôi động nhất khu vực. Các game Việt có 4,2 tỷ lượt tải toàn cầu, tốc độ tăng trường gấp 2,5 lần trung bình thế giới.
Đại diện Google dẫn ví dụ về hiện tượng toàn cầu Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông để chỉ ra bốn điểm khiến ngành game Việt trở nên đặc biệt. Đầu tiên là nhà phát hành game Việt đều rất trẻ, sẵn sàng đổi mới sáng tạo, không ngại khó và thử nghiệm nhiều mô hình mới. Đây là khác biệt với những thị trường lớn, người lãnh đạo có thể nhiều kinh nghiệm nhưng dễ đi vào lối mòn, cứng nhắc. Tiếp đến là Chính phủ Việt Nam coi game là một ngành xuất khẩu quan trọng. Khác biệt thứ ba đến từ đội ngũ phát hành game sẵn sàng hợp tác, chia sẻ cùng nhau để đưa hệ sinh thái trò chơi giải trí của Việt Nam lên tầm cao mới. Cuối cùng là tinh thần khởi nghiệp mãnh liệt của người Việt. Các startup, studio game luôn học hỏi, nghiên cứu và nắm bắt xu hướng mới của thế giới rất nhanh. Sky Mavis là một minh chứng rõ ràng cho xu hướng này.
Trong khi đó, bà Zhen Fang, Giám đốc thị trường quốc tế Roblox, cho rằng Việt Nam đang là ngôi sao sáng cho thể loại game do người dùng sáng tạo (UGC). "Ngoài lượng người dùng trẻ tiềm năng, sáng tạo và cởi mở, Việt Nam còn có cơ sở hạ tầng sẵn sàng thử nghiệm công nghệ bắt kịp xu hướng. Quan trọng hơn hết là cơ quan quản lý hỗ trợ về chính sách, cơ hội hợp tác và mở rộng hạ tầng", đại diện Roblox nói. Nữ giám đốc khẳng định Việt Nam là thị trường tiềm năng nhất trong khu vực về mức độ sẵn sàng, khả năng thích nghi và dư địa khai thác.
Tuy nhiên các chuyên gia quốc tế cũng chỉ ra những hạn chế của ngành game Việt. Đầu tiên là chất lượng trò chơi và ứng dụng từ Việt Nam còn thấp. Vòng đời game ngắn, chỉ bằng khoảng hai phần ba so với mức trung bình trên thế giới. Theo chuyên gia của Google, việc dựa quá nhiều vào eCPM (kiếm tiền qua quảng cáo), chiếm khoảng 10% doanh thu của nhà phát triển đến từ quảng cáo trong ứng dụng cũng là điểm trừ trong sự phát triển của ngành game Việt. Nếu khắc phục được những điểm yếu này, hệ sinh thái trò chơi giải trí trong nước sẽ tăng trưởng mạnh, tăng sức cạnh tranh trên các sân chơi toàn cầu.
Mục tiêu tỷ USD của game Việt
Năm 2023, tại diễn đàn Game Việt Nam, ông Lê Quang Tự Do từng chia sẻ về mục tiêu doanh thu ngành game trong 5 năm tới sẽ tăng lên con số một tỷ USD. Nhắc lại "giấc mơ" này, đại diện Bộ TT&TT cho biết hành trình game Việt đang ở bước đầu nhưng đã qua giai đoạn khó khăn. 2024 sẽ là thời cơ để tăng tốc, biến giấc mơ thành hiện thực.
Từ những quan sát của mình, bà Emily Nguyễn từ Google cho rằng ngành game Việt Nam có những bước thay đổi ngoạn mục. Giấc mơ tỷ USD không xa vời khi Việt Nam đứng top 5 lượt tải toàn thế giới. Là quốc gia lập trình xếp thứ hạng cao trên thế giới, có hơn 35.000 nhà lập trình game, xấp xỉ các nước lớn như Trung Quốc. Đội ngũ lập trình game tại Việt Nam trẻ, khả năng kỹ thuật cao, có trình độ cao trong các bộ môn như phân tích toán học, lập trình... Lợi thế khác là giá để phát hành một game không quá cao, chi phí nhân công lao động giúp tạo cạnh tranh.
Tuy nhiên ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc Phát hành Trò chơi trực tuyến VNG Games, cho rằng không nên chỉ nhìn vào tiền khi nói về giấc mơ game Việt. "Tỷ USD chỉ là cột mốc chúng ta sẽ đạt được, không phải mục tiêu. Vấn đề quan trọng để phát triển ngành game đến từ tầm nhìn của những người đứng đầu các tổ chức. Quan trọng hơn tiền, chúng ta cần có những sản phẩm được cộng đồng, thế giới công nhận. Trước mắt là kiếm tiền nhưng khát vọng lớn hơn chính là được công nhận trên quy mô toàn cầu", lãnh đạo VNG Games nói.
Nối tiếp câu chuyện về giấc mơ lớn của ngành game Việt, ông Nguyễn Ngọc Bảo từ VTC cho rằng các studio cần có sự liên kết với nhau để cùng nhau thực chiến. Từ những kinh nghiệm thực chiến mới đúc kết ra bài học. Bài học này là nền tảng hỗ trợ các cơ sở đào tạo để đặt nền móng cho ngành game. "Kiến thức hôm nay có thể giúp các studio game thành công, nhưng nếu chỉ giữ cho mình mà không chia sẻ lại cho cộng đồng, thế hệ sau sẽ không được hưởng lợi, lại mày mò ‘thiết kế lại bánh xe đạp’ một cách lãng phí. Kiến thức là vô biên, không biên giới. Khi kiến thức ngành game từ Việt Nam lan tỏa ra thế giới, được thế giới công nhận, ngành game Việt cũng sẽ có chỗ đứng toàn cầu, từ vươn ra thế giới chứ không chỉ giới hạn trong nước", ông Bảo chia sẻ.
Nhìn về bức tranh rộng hơn để xây dựng một hệ sinh thái game toàn diện, bà bà Emily Nguyễn, đại diện Google, cho rằng sự hỗ trợ của Nhà nước là yếu tố quan trọng. Ví dụ tại Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ có những chính sách như giảm thuế cho các startup, studio trong những năm đầu. Hỗ trợ 60-100% các công cụ, nền tảng hỗ trợ phân tích kỹ thuật. "Tại Việt Nam, ngành game đã được quan tâm, không đánh thuế tiêu thụ nhưng đặc biệt nhưng muốn phát triển sẽ cần nhiều sự hỗ trợ hơn nữa", đại diện Google lưu ý.
Về bài toán nhân sự, Việt Nam tự hào về những tài năng chất lượng quốc tế. Nhưng để cạnh tranh, cũng cần tính đến việc chiêu mộ những nhân tài quốc tế về làm việc. Theo bà Emily, ngoài chính sách hấp dẫn từ các công ty, chính phủ cũng cần có chiến lược phù hợp như ưu tiên cấp visa cho các nhân tài digital, làm game.
Khi nói đến câu chuyện tài chính, các diễn giả của Vietnam GameVerse 2024 đều khẳng định chỉ cần có sản phẩm tốt, các nhà đầu tư sẽ tự tìm đến studio. Việc có những đối tác quốc tế không chỉ giải quyết vấn đề về tiền mà còn giúp công ty có thể mở rộng hoạt động ra thị trường nước ngoài, thiết lập văn phòng, cơ sở, hệ thống vận hành theo chuẩn quốc tế để có thể hiện thực hóa mơ giấc mơ toàn cầu.
AI giúp thu hẹp khoảng cách game Việt với thế giới
Trước tiềm năng to lớn của thị trường, bà Zhen Fang cho biết nếu biết tận dụng những tiến bộ của công nghệ mới, ngành game Việt Nam có thể thu hẹp khoảng cách phát triển với thế giới. Đại diện Roblox chỉ chỉ số quan trọng của Việt Nam là việc chính thức thương mại hóa 5G từ năm 2023. Đây là một trong những điểm nhấn quan trọng giúp gia tăng trải nghiệm người dùng với các dòng game. Tiếp đến, Việt Nam xếp hạng thứ 5 ASEAN về chỉ số sẵn sàng AI toàn cầu.
Theo bà Zhen Fang, công nghệ GenAI đang được tối ưu và hiện đại ngay trên các nền tảng game. Đơn vị hiện cung cấp công cụ cho người dùng Việt Nam tạo nội dung và thử phát hành chính game cho mình thiết lập trên nhiều nền tảng.
Đồng quan điểm trên, ông Zuy Nguyễn nhận định 2024 sẽ là giai đoạn nuôi dưỡng những dự án, công ty tiềm năng bằng cách tích hợp AI (trí tuệ nhân tạo) vào ứng dụng, nâng cao chất lượng game. Chuyên gia của Google đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của AI trong tiến trình phát triển của trò chơi giải trí. Ông cho rằng các nhà phát triển game có thể tận dụng AI để phát triển code, thiết kế nhân vật và nghệ thuật, sáng tạo cốt truyện và bản địa hóa, viết đối thoại NPC, tạo nhạc và lồng tiếng, tích hợp ứng dụng GenAI.
Từ trải nghiệm thực tế, ông Bùi Kiên, Kiến trúc sư Giải pháp của Byteplus, cho rằng AI đang có những đóng góp quan trọng trong trải nghiệm game, tăng cường tương tác giữa các game thủ với nhau, giữa nhà phát hành với người chơi và nhà tiếp thị.
Tiếp nối ý kiến của các bài tham luận, ông Khôi Lê, Giám đốc quốc gia thị trường Việt Nam của Meta, đã liệt kê hàng loạt giải pháp của Meta AI giúp nhà phát triển, tiếp thị tăng trưởng trong suốt vòng phát triển của game như A+SC, A+AC. Trong khi đó, bà Emily Nguyễn, Giám đốc Kinh doanh Google Ads, Gaming và Apps tại thị trường Việt Nam, cam kết đưa loạt công nghệ mới như AI, Cloud, học máy, nổi bật như Vertex AI từ Google Cloud, tập hợp các bước tiến của tập đoàn về AI, MML trong năm qua về Việt Nam để các nhà phát hành game có thể tận phát triển sáng kiến, nghiên cứu, xây dựng game, tiếp cận người chơi bằng AI.
Đào tạo là nền móng lâu dài của ngành game
Từ góc nhìn giáo dục, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC, cho rằng ngành game Việt thời gian qua đang có những dấu mốc đáng tự hào. Nhưng để có thể phát triển bền vững trong tương lai, phải xem đào tạo là nền móng lâu dài. Ông cho rằng khi game đã được công nhận là một ngành, sẽ sinh ra nghề, để làm nghề cần phải đào tạo. "Chúng ta cần có cơ sở giảng dạy chuyên sâu, có mã ngành. Tôi hy vọng trong ba năm nữa chúng ta sẽ có mã ngành liên quan đến game", Tổng giám đốc VTC nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với ông Bảo, Tiến sĩ Cao Minh Thắng, Phó viện trưởng Viện công nghệ Thông tin và Truyền thông CDiT, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, chỉ ra một trong những lý do dẫn đến các điểm yếu của ngành game Việt là thiếu nhân sự chất lượng cao. "Để tiến tới mục tiêu tỷ USD, ngành game cần chương trình đào tạo chuyên sâu", ông Thắng nhấn mạnh.
Năm 2024, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam đào tạo chính quy về ngành game, tập trung vào hai lĩnh vực chính là thiết kế kịch bản và phát triển trò chơi. Trong giáo trình sẽ xây dựng kiến thức nền tảng vững chắc liên ngành, kiến thức lịch sử văn minh, văn hóa để học sinh thiết kế câu chuyện, cân bằng, nền kinh tế trong game, ứng dụng AI...
Tại Vietnam GameVerse 2024, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông công bố hợp tác với các doanh nghiệp lớn trong ngành game về đào tạo nhân sự chất lượng cao. Trong khi đó, trung tâm VTC Game Academy cũng ra mắt và ký kết hợp tác cùng các đơn vị có hệ đào tạo chính quy, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo nội dung số như Học viện Bưu chính viễn thông, Cao đẳng Thông tin và Truyền thông và các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Google để đào tạo nhân sự cho ngành game.
Vietnam GameVerse 2024 do Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo VnExpress, FPT Online và Liên minh Game Việt Nam phối hợp tổ chức. Dự kiến sự kiện thu hút 40.000 người tham gia.
Khương Nha
Xem diễn biến chính