Nếu đơn thuần dựa vào con số, nhiều người có thể chỉ thấy 27 cú dứt điểm của Nhật Bản so với một lần của Việt Nam, bên cạnh tỷ lệ cầm bóng vượt trội 73% và 713 đường chuyền. Cũng không nên quá chú trọng vào tỷ số 1-1 dù cầm hòa Nhật Bản trong một trận cầu chính thức trên sân nhà của họ có thể xem là kỳ tích. Hãy nhìn vào cách các chàng trai của HLV Park đã chơi bóng để thấy sự trưởng thành, bản lĩnh và tinh thần không lùi bước.
Điểm nhấn chính là trung vệ Thanh Bình. Chàng trai 22 tuổi này từng trải qua trận cầu ám ảnh trước Trung Quốc, khi mắc hai lỗi dẫn đến thất bại 2-3 ở lượt đi trên sân trung lập tại UAE tháng 10/2021. Nhưng anh bất ngờ được đá chính ở trận đấu mà khả năng nhận một thảm họa tương tự là rất rõ ràng. Để rồi, Thanh Bình chơi trọn vẹn 90 phút, trực tiếp ghi bàn mở tỷ số và đẩy Nhật Bản vào tư thế bám đuổi. Cú vấp ngã trước Trung Quốc có thể sẽ hủy hoại sự nghiệp của bất kỳ cầu thủ trẻ nào, nhưng Thanh Bình đã trở lại theo cách khó tin nhất. Sự trưởng thành của anh cũng ghi nhận nỗ lực đổi mới trong cách dùng người của HLV Park từ sau thất bại ở AFF Cup 2020. Ở góc độ nào đó, sau hơn bốn năm tại Việt Nam, "nhãn quan" của ông dường như đã lóe lên nét tinh anh của thuở ban đầu. Đó là những thứ đem lại các giá trị mà những con số thống kê khô khan không thể nói hết.
Khi một tân binh như Thanh Bình chơi hay, cũng không quá bất ngờ khi hàng phòng ngự Việt Nam có màn trình diễn được đánh giá là đẳng cấp. Những pha cản phá chuẩn xác đến từng tích tắc của Quế Ngọc Hải, hệ thống phòng ngự khu vực của các tiền vệ hay những tình huống thoát pressing của Hùng Dũng và Tuấn Anh, dù không mở ra cơ hội, cũng đủ để giảm áp lực cho các hậu vệ.
Phần lớn chiến dịch của Việt Nam ở vòng loại cuối cùng luôn ở trong thế chịu đựng sức ép từ các đối thủ mạnh hơn, nhưng sự điềm tĩnh và năng lực giữ cự li đội hình phòng ngự trong trận đấu Nhật Bản có thể xem là bước tiến lớn. Không có một sự hoảng loạn nào dù phải co về phòng thủ, không để cho đối phương có quá nhiều bóng trong vùng cấm địa, bịt chặt các khoảng trống ở trung lộ khiến Nhật Bản không tận dụng được những pha bóng hai. Bàn thua duy nhất của Việt Nam là một tai nạn của thủ thành Nguyên Mạnh, và nó đến từ lần duy nhất mà những tiền vệ Nhật Bản có thể tung được cú sút ở phía chính diện khung thành. Trong 18 phút cuối, tính cả sáu phút bù, chủ nhà không dứt điểm thêm được lần nào.
Họ không hề muốn kết cục trận đấu như thế. Kể cả khi đã giành vé đến Qatar, bị Việt Nam cầm hòa ngay trên sân nhà là trải nghiệm không tốt chút nào về khía cạnh tâm lý với một đội bóng có tham vọng tại World Cup. Nhật Bản đã có một chút xem nhẹ đối thủ khi cất nhiều trụ cột lên ghế dự bị, nhưng họ không lường trước khả năng chịu đựng sức ép của Việt Nam và khi nhận ra thì quá muộn. Dù đã đưa các cầu thủ tốt nhất vào sân, đá với đội hình có đến tám cầu thủ đang chơi bóng ở các giải đấu hàng đầu châu Âu, đội bóng của HLV Moriyasu Hajime chỉ ghi một bàn. Sự thất vọng của nhiều cầu thủ Nhật Bản sau trận đấu là một cảm giác rất thật.
Ở lượt đi trên sân Mỹ Đình, Việt Nam từng mạo hiểm thử nghiệm cách chơi có phần chủ động, mạnh dạn tấn công và gây nhiều phiền toái cho Nhật Bản.
Vì thế, trận hòa tại Saitama là một lời chào tạm biệt ngọt ngào của thầy trò Park. Việt Nam đã có một vòng đấu loại World Cup với nhiều cảm xúc. Hạ Trung Quốc là chiến thắng đầu tiên trước "gã hàng xóm ồn ào", và một điểm cũng là chiến tích đầu tiên trước Nhật Bản. Với bốn điểm sau 10 trận, đó cũng là thành tích tốt nhất trong lịch sử dự vòng loại cuối cùng World Cup của bóng đá Đông Nam Á. Không có quá nhiều thời khắc thăng hoa dành cho Việt Nam trong cuộc hành trình khốc liệt này, nhưng "những chiến binh sao vàng" cũng kịp để lại những cảm xúc của chiến thắng và nụ cười từ lòng quả cảm.
Song Việt