PGS. TS. BS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viên Phổi trung ương, Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, đồng thời là Chủ nhiệm chương trình chống lao quốc gia cho biết, tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chuyên ngành lao và bệnh phổi rất lớn. Bằng chứng từ thực tế 4 năm ứng dụng công nghệ này được ông nêu ra cho thấy nhờ AI, các bác sỹ tự tin hơn nhiều trong chẩn đoán bệnh, kể cả với những trường hợp khó.
Cụ thể việc sàng lọc ảnh X-quang phổi bằng công nghệ AI được áp dụng ở bệnh viện ông công tác từ năm 2016. Các xe chụp X - quang di động được đưa vào sử dụng để chủ động phát hiện bệnh lao sớm trong cộng đồng. AI đang giúp những phim X - quang phát hiện chính xác đến 92% bệnh nhân lao phổi.
"Chúng tôi chụp 100.000 phim X - quang qua những xe di động và phát hiện từ xa mà bác sỹ không cần phải đến tận nơi. Qua dữ liệu phim chụp, "công nghệ sẽ hình ảnh hoá những bất thường dù nhỏ nhất, giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác, quyết định có đưa bệnh nhân này vào diện nguy cơ cần khám kỹ hơn hay không", bác sĩ Nhung nói và nhấn mạnh, AI giúp bác sỹ phát hiện được những bệnh lý bất thường về đường thở, máu. Do đó "Công nghệ 4.0 nếu phát triển đầy đủ có thể giúp Việt Nam tiến tới chấm dứt bệnh lao", ông nói.
Theo chiến lược quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam chấm dứt bệnh lao. Như vậy còn 10 năm nữa để có thể đạt mốc này. Nguyên tắc để chữa thành công bệnh lao là phát hiện sớm giống như Covid-19, tránh để lây nhiễm cộng đồng. Khi xác định được bệnh sẽ điều trị dứt điểm, giúp bệnh nhân khỏi bệnh.
GS.TS Nguyễn Thanh Thủy cho biết, cách đây 3 năm Bộ Khoa học và Công nghệ đã có kế hoạch tổng thể phát triển trí tuệ nhân tạo và Chương trình Khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia giai đoạn 2019-2025 triển khai các đề tài nghiên cứu ứng dụng AI trong y tế.
Theo ông, Việt Nam có lợi thế để ứng dụng AI trong y tế bởi ba điểm mạnh đó là: đội ngũ triển khai các sản phẩm ứng dụng mạnh và "sẵn sàng dấn thân", dữ liệu y tế cũng sẵn sàng và nhu cầu thực tế rất lớn. Từ thực tế này cho thấy khả năng phát triển và ứng dụng AI trong y tế là khả quan.
Thảo Nguyên