Chỉ ba đội vào tranh huy chương trên đường chạy Mỹ Đình tối 18/5. Và các chân chạy Việt Nam một lần nữa phô diễn sức mạnh.
Hoàng Thị Ngọc chạy lượt đầu, chỉ mất nửa vòng sân (tương đương 200 m) để vươn lên dẫn đầu. Cách biệt tiếp tục được nới rộng khi gậy lần lượt được trao lại cho Quách Thị Lan rồi Nguyễn Thị Hằng.
![Quách Thị Lan, ở lượt chạy thứ hai, tăng tốc ngoạn mục...,](https://vcdn1-thethao.vnecdn.net/2022/06/15/quach-lan-jpeg-1652878643-1652-2234-6272-1655264219.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zWXpDO0ZB71jo0ZZIlm8ig)
Quách Thị Lan, ở lượt chạy thứ hai, tăng tốc...
![... rồi tạo khoảng cách lớn với đối thủ Thái Lan, trước khi trao lại gậy cho cho Nguyễn Thị Hằng. Ảnh: Phạm Chiểu](https://vcdn1-thethao.vnecdn.net/2022/06/15/thuy-jpeg-1652878681-165287869-8590-9573-1655264219.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RTctusis3-P7YBJ1tTNk1g)
... rồi tạo khoảng cách lớn với đối thủ Thái Lan, trước khi trao lại gậy cho cho Nguyễn Thị Hằng. Ảnh: Phạm Chiểu
Nguyễn Thị Huyền chạy lượt cuối cùng và mất khoảng 55 giây để hoàn thành 400 m cuối cùng, giúp Việt Nam về nhất với tổng thời gian 3 phút 37 giây 99. Thái Lan về sau với gần năm giây (3 phút 42 giây 90).
Kỷ lục SEA Games ở nội dung này vẫn thuộc về Việt Nam, với 3 phút 31 giây 46 do chính Nguyễn Thị Huyền cùng đồng đội Nguyễn Thị Oanh - Nguyễn Thị Thủy - Quách Thị Lan lập tại Singapore năm 2016.
Thành tích hôm nay cũng kém so với thông số mà các đội tiếp sức nữ Việt Nam đạt được tại Malaysia 2017 (3 phút 33 giây 40) rồi Philippines 2019 (3 phút 34 giây 64). Nhưng nó vẫn là mốc ý nghĩa giúp Việt Nam thống trị nội dung này bốn kỳ SEA Games liên tiếp - điều chưa từng diễn ra kể từ khi Việt Nam hội nhập trở lại với thể thao khu vực năm 1989.
"Chúng tôi không có đối thủ quốc tế để cọ xát trong hơn hai năm qua, trong khi các VĐV chủ lực như Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan đều vừa thi nhiều nội dung. Ban huấn luyện không đặt mục tiêu quá cao về thành tích, mà chỉ là bảo vệ tấm HC vàng. Và đội đã làm được", HLV Nguyễn Thị Bắc trả lời khi được VnExpress hỏi về lý do thành tích sút giảm.
VĐV Nguyễn Thị Huyền góp mặt ở ba trong bốn chiến thắng liên tiếp kể trên của đội. Cô chỉ vắng mặt vào năm 2019, khi mới trở lại sau thời gian nghỉ sinh con và dự hai nội dung 400m, 400m rào. Theo chân chạy người Nam Định, dù thành tích thấp hơn so với ba kỳ SEA Games trước, đây vẫn chiến thắng giàu ý nghĩa nhất.
"Không có từ ngữ nào diễn tả được cảm xúc của chúng tôi lúc này. Đời VĐV, không có vinh dự nào, niềm tự hào nào lớn hơn được thi đấu và chiến thắng trên sân nhà. Cảm giác được chạy trong tiếng hò reo của người hâm mộ như giúp VĐV chúng tôi thi đấu với 200% sức lực", Nguyễn Thị Huyền nói.
Với riêng Huyền, đây là chiếc HC vàng thứ 10 qua bốn lần dự SEA Games. Trong số này có bảy HC vàng cá nhân và ba chiếc đồng đội.
Nhật Tảo
* Lịch thi đấu chi tiết của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31