Thủ tướng vừa ký Ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030, mục tiêu đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Để thực hiện, Việt Nam dự kiến xây dựng hạ tầng dữ liệu và tính toán cho nghiên cứu phát triển AI. Theo đó, ba trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao dự kiến được xây dựng để kết nối các hệ thống trung tâm dữ liệu, tính toán hiệu năng cao trong nước tạo thành mạng lưới chia sẻ năng lực nhằm phục vụ phát triển AI. 50 bộ dữ liệu mở, dùng chung được hình thành, liên thông và kết nối trong các ngành kinh tế, lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Chiến lược xác định, đưa Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, xây dựng 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực. Đến năm 2030, Việt Nam hình thành ba trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về Trí tuệ nhân tạo và có ít nhất một đại diện nằm trong bảng xếp hạng nhóm 20 cơ sở nghiên cứu và đào tạo về AI dẫn đầu trong khu vực ASEAN.
Chiến lược đồng thời đưa ra định hướng xây dựng hệ sinh thái AI, các trung tâm ươm tạo để thu thu hút nhà đầu tư trong nước và quốc tế, phát triển doanh nghiệp ứng dụng AI và một số sản phẩm đặc thù, từng bước hình thành công nghiệp Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.
Liên quan đến lĩnh vực AI, thời gian gần đây Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI. Một trong số đó là Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN) được tổ chức thường niên để thảo luận xây dựng chính sách, bàn các giải pháp thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về AI tại các trường đại học, viện nghiên cứu; tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác nước ngoài như Australia, Phần Lan để đẩy mạnh chuyển đổi Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.