-
15h10
Vì sao địa phương khác ít cảm nhận rung lắc?
Lý giải việc động đất ở Myanmar nhưng hầu như chỉ người dân ở TP HCM hay Hà Nội cảm nhận rung lắc, một chuyên gia cho biết động đất trên 7 độ là lớn, vùng ảnh hưởng rộng. Tuy nhiên, tâm chấn cách xa Việt Nam hơn 1.000 km nên hầu như chỉ đô thị lớn, nơi tập trung nhiều nhà cao tầng thì người dân mới cảm nhận được rung chấn. Viện Các Khoa học trái đất đã khẳng định cấp độ rủi ro thiên tai bằng 0, tức động đất không có khả năng gây thiệt hại cho Việt Nam.
Thực tế nhiều người Hà Nội, TP HCM sống ở các tòa nhà thấp tầng không cảm nhận được rung chấn. Các địa phương như Bắc Giang, Thanh Hóa cũng không ghi nhận. Chị Hà Thúy, nhân viên văn phòng tại khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang, không biết có động đất cho tới khi theo dõi thông tin trên mạng xã hội. Đồng nghiệp làm việc trong nhà xưởng, khu văn phòng chung cảm nhận.
-
14h40
Nhiều người ở Hà Nội cảm giác 'chóng mặt như bị tiền đình'
Ông Lê Tuấn, cư dân sống ở tầng 29 chung cư Times City, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, cho biết rung chấn khiến ông như bị "tiền đình, tụt huyết áp, tim đập nhanh hơn", trong khi vợ ông đang ngủ trưa thấy chóng mặt không dậy nổi.
Ông cảm nhận hai đợt rung lắc cách nhau khoảng 20 phút, đợt đầu mạnh nhất xảy ra lúc 13h20, kéo dài khiến cửa phòng, cửa tủ, đồ đạc va đập, biên độ góc của đồ treo dao động 15-20 độ. Dư chấn đợt sau nhẹ hơn. Từng trải qua vài lần động đất ở Hà Nội, ông Tuấn thấy trận này "dữ dội, biên độ cao nhất".
Cựu giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội tra cứu thông tin trên website của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ USGS, cho thông tin động đất xảy ra ở Myanmar mạnh 7,7 độ, dư chấn 6,4 độ. Khi chia sẻ thông tin trên trang cá nhân, nhiều bạn bè, người thân của ông cảm nhận tương tự, thậm chí có người không nghĩ động đất, "tưởng có vấn đề huyết áp, đau đầu do thay đổi thời tiết". -
14h30
Một số người dân TP HCM chưa dám lên lại tòa nhà sau rung lắc
Anh Hoàng Huy, 35 tuổi, nhân viên văn phòng ở toà nhà đường Nguyễn Thị Minh Khai đoạn gần cầu Thị Nghè, quận 1, kể lúc gần 13h30 bất ngờ cảm nhận không gian phòng làm việc chao đảo, đèn treo và cửa rung lắc. "Tôi không nghĩ đó là động đất nhưng sau đó cảm thấy rung mạnh hơn nên hốt hoảng chạy xuống bằng thang bộ, do thang máy đã kín người cũng đang ùa xuống", anh Huy kể.
Một số người chưa dám trở lại tòa nhà cao tầng sau sự cố rung lắc. Ảnh: Gia Minh
Tại chung cư đường Tô Hiến Thành, quận 11, chị Tâm Linh, 30 tuổi, cũng cho biết khi đang ở tầng 25 bất ngờ cảm nhận không gian xung quanh rung chuyển, "cửa nhà tự đóng mở qua lại", trong khi ngoài hành lanh cư dân tán loạn tháo chạy xuống dưới. "Sau 30 phút, chúng tôi vẫn chưa dám lên toà nhà", chị Linh nói.
-
14h20
Myanmar từng xảy ra nhiều trận động đất mạnh
Đơn cử năm 2011, khu vực biên giới với Lào đã xảy ra liên tiếp hai trận động đất hơn 7 độ, làm ít nhất 10 người chết. Thời điểm đó, một số khu vực ở Hà Nội cũng cảm nhận rung chấn.
Theo thang mức độ cảnh báo của Việt Nam, các trận động đất 7-7,9 độ tương đương với "mức lớn", tần suất xuất hiện trung bình trên toàn thế giới mỗi năm 10-20 trận. Với cường độ này, động đất gây hư hại nhiều hoặc tất cả công trình xây dựng trên diện rộng. Một số công trình bị sụp đổ hoặc hư hại nghiêm trọng.
-
14h00
Dân văn phòng hốt hoảng chạy xuống đất
Tại các tuyến đường tập trung nhiều cao ốc văn phòng như Hai Bà Trưng, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn... lúc 14h nhiều người dân, nhân viên văn phòng đứng tập trung ở vỉa hè sau khi xảy ra rung chấn.
Chị Mai Phương, làm việc ở tầng 19 tòa nhà Centec Tower trên đường Nguyễn Thị Minh Khai cho biết, rung lắc xảy ra lúc 13h30 làm bàn ghế, máy tính bị xê dịch trong khoảng 30 giây. Sau đó, cả văn phòng nháo nhào chạy theo đường thang bộ xuống.
"Tôi đang ngồi làm việc thì cảm thấy chao đảo, rồi mọi người la lên ùa nhau chạy xuống đất", chị Phương nói.
Người dân ở các cao ốc tại TP HCM hốt hoảng chạy xuống đất sau khi xảy ra rung chấn chiều 28/3. Ảnh: Đình Văn
Anh Hoàng Huy, 35 tuổi, nhân viên văn phòng ở toà nhà gần cầu Thị Nghè, quận 1, kể lúc gần 13h30 bất ngờ cảm nhận không gian phòng làm việc chao đảo, đèn treo và cửa rung lắc.
"Tôi không nghĩ đó là động đất nhưng sau đó cảm thấy rung mạnh hơn nên hốt hoảng chạy xuống bằng thang bộ, do thang máy đã kín người cũng đang ùa xuống", anh Huy kể.
Rung lắc ở TP HCM. Video: Người dân cung cấp
Tại chung cư đường Tô Hiến Thành, quận 11, chị Tâm Linh, 30 tuổi, cũng cho biết khi đang ở tầng 25 bất ngờ cảm nhận không gian xung quanh rung chuyển, cửa nhà tự đóng mở qua lại", trong khi ngoài hành lang cư dân tán loạn tháo chạy xuống dưới. "Sau 30 phút, chúng tôi vẫn chưa dám lên toà nhà", chị Linh nói.
Đến 14h15, nhiều nhân viên quay trở lại văn phòng song một số người vẫn mang theo laptop đứng dưới đất làm việc do lo ngại rung chấn.
-
13h55
Đồ vật gắn tường ở Hà Nội rung lắc mạnh
Tại tầng 30 một chung cư ở phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, chùm đèn gắn trên trần căn hộ rung lắc mạnh. Chủ nhà cho biết đã ghi nhận 3-4 lần rung lắc, mỗi lần cách nhau vài phút.
Hình ảnh ghi nhận tại một tòa nhà chung cư ở quận Hoàng Mai. Video: Hương Giang
-
13h40
Ở tầng càng cao cảm nhận sự rung lắc lâu hơn
Chị Phương Thúy, sống ở tầng 8 một chung cư ở phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, cho biết "vụ lắc lư" được nhiều người trong tòa nhà cảm nhận và thảo luận trong nhóm chung. Một số người cho biết cảm nhận sự chòng chành, rung lắc trong khoảng 10 giây, người sống ở tầng càng cao, đặc biệt tầng 25 penthouse cảm nhận rõ và lâu hơn. Một người vừa bước vào thang máy cảm nhận rung lắc nên quá sợ hãi chạy thang bộ xuống dưới đất.
Người dân ở chung cư TP HCM đi thang bộ xuống đất. Ảnh: Người dân cung cấp
Ông Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất cảnh báo sóng thần, Viện Các Khoa học trái đất, cho biết TP HCM và khu vực Nam Bộ xảy ra rung lắc tại các tòa nhà cao tầng do ảnh hưởng từ động đất ở Myanmar. Ở TP HCM, mức độ rung lắc phụ thuộc vào khu vực nền đất, độ cao và kết cấu công trình. Do đó, tại nhiều tòa nhà cao tầng ở khu vực trung tâm thành phố, người dân làm việc ở trên cao cảm nhận rung chấn nhiều nhất. Đơn vị đang theo dõi dư chấn, ảnh hưởng của trận động đất tại Myanmar để đưa ra thông báo sớm nhất.
-
13h40
Rung lắc ở TP HCM kéo dài gần gần 20 giây
Anh Hoàng Phụng, nhân viên ở tòa nhà trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, cho biết lúc khoảng 13h30 khi đang ở hành lang lầu 23 bỗng thấy khu vực rung lắc nhẹ. Hồ bơi gần khu vực anh đứng nước té ra ngoài.
Hồ nước trên tầng 23 tòa nhà trên đường Cách Mạng Tháng Tám tròng trành. Ảnh: Hoàng Phụng "Rung lắc nhẹ kéo dài gần 20 giây. Tôi đi vào phòng thấy mọi người lo lắng đi xuống phía dưới đất sau khi được phía tòa nhà thông báo", anh Phụng nói
Chị Tâm Nguyễn, làm việc ở tầng 6, tòa nhà Viettel 285 Cách mạng tháng 8, quận 10, cho biết lúc 13h33, cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, nhìn không rõ máy tính khoảng 30 giây. "Cảm giác lúc đó như bị váng đầu", chị Tâm nói.
Nhân viên văn phòng tòa nhà Viettel, nơi chị Tâm làm việc xuống sân lúc hơn 13h33. Ảnh: Tâm Nguyễn
Sau đó, nhiều người cũng cảm thấy rung lắc, chòng chành nên ùa ra thang bộ, chạy xuống đất. Bảo vệ hướng dẫn đi ra khỏi khu vực tòa nhà. Đến 14h5 thì bảo vệ mới cho những người ở trong tòa nhà quay lên văn phòng.
-
13h35
Động đất ở Myanmar, Hà Nội rung lắc
Viện Các khoa học trái đất cho biết động đất xảy ra lúc 13h20 ở Myanmar, mạnh 7,3 độ (thấp hơn 0,4 độ so với thông báo của Myanmar), độ sâu chấn tiêu 10 km.
Việt Nam cách xa tâm chấn cả nghìn km nên chỉ ghi nhận rung chấn, cấp độ rủi ro thiên tai bằng 0, tức không có khả năng thiệt hại.
Vị trí tâm chấn động đất ở Myanmar. Đồ họa: Hoàng Khánh
Cách tâm chấn động đất hơn 1.000 km, người dân sống tại chung cư cao tầng tại nhiều quận ở Hà Nội như Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm ghi nhận đồ vật rung lắc trong 10-20 giây và lặp lại vài lần.
"Giàn cây leo ở ban công nhà tôi rung lắc hơn 10 giây", anh Nguyễn Quý ở tầng 19 ở một tòa nhà ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, kể. Nhiều người từ các căn hộ theo lối cầu thang bộ chạy xuống đường.
Gia Chính - Đình Văn - Lê Tuyết - Hoàng Phương - Gia Minh