Lần đầu tiên kể từ năm 2005, vòng bán kết hội tụ bốn đại diện từ các nền bóng đá mạnh nhất Đông Nam Á là Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Nhưng những gì diễn ra ở vòng bảng đã phản ánh đúng bản chất của một sân chơi dành cho bóng đá U23. Có sự thất thường về phong độ, có những hồ nghi ở kết quả.
Thái Lan hụt chân ngay trận đầu tiên với Malaysia, nhưng nhanh chóng chứng minh đấy chỉ là tai nạn bằng hai trận thắng với tỷ số hủy diệt 5-0 trước Campuchia và Singapore. Dưới bàn tay của Mano Polking, họ vẫn chơi theo cách của ĐTQG dù không có những nhân tố nổi bật như Chanathip. Họ đá đơn giản, sử dụng các quả chuyền ngắn, tấn công dọc biên và đạt hiệu quả vừa đủ dù đây không phải là đội hình được đánh giá cao nhất của Thái Lan kể từ năm 2013. Đội bóng của Polking đang chơi theo kiểu "biết người, biết ta" hơn là thái độ kẻ cả thường thấy của một nền bóng đá hàng đầu khu vực.
Tương tự là Indonesia. Sau trận ra quân thua thảm Việt Nam 0-3, thầy trò Shin Tae-yong đứng trước núi áp lực. Họ vốn dĩ đến giải với rất nhiều kỳ vọng, thể hiện bằng bản danh sách 16 tuyển thủ quốc gia, trong việc giúp Indonesia giành HC vàng SEA Games đầu tiên sau 31 năm. Và Shin đã cho thấy đẳng cấp của một nhà cầm quân từng làm việc ở vòng chung kết World Cup. Indonesia ghi 10 bàn trong ba trận còn lại, trong đó có chiến thắng 4-0 trước Philippines - đối thủ mà Việt Nam dốc hết tâm sức cũng chỉ có thể hòa không bàn thắng. Tuy nhiên, sự ổn định là điều luôn thiếu ở các đội tuyển Indonesia. Và đó là bài toán phức tạp đối với HLV Shin nếu muốn làm nên lịch sử ở SEA Games lần này.
Malaysia bị đánh giá thấp từ đầu, do chưa thoát khỏi khủng khoảng ở lứa trẻ kể từ sau hai lần vô địch SEA Games các năm 2009 và 2011. Trong bốn SEA Games gần nhất, họ hai lần bị loại ngay vòng bảng. Ở cấp độ ĐTQG, họ buộc phải dùng nhiều cựu binh vì không tìm ra thế hệ kế thừa đủ tốt. Tại SEA Games 31, ngoài trận đầu tiên thắng Thái Lan do đối thủ mất người, Malaysia đá không tốt ở ba trận còn lại, để Singapore và Campuchia cầm hòa cùng tỷ số 2-2. Nếu Việt Nam chưa thủng lưới, Malaysia là đội bóng duy nhất không giữ sạch lưới trận nào trong bốn đội vào bán kết. Đây cũng là đội duy nhất không phải do HLV trưởng ĐTQG dẫn dắt.
Trên tất cả, khó đánh giá nhất là Việt Nam. Bốn trận đấu ở vòng bảng là bốn gương mặt khác nhau, với điểm chung là sự nhọc nhằn nơi hàng công. Đội chủ nhà chỉ ghi sáu bàn - ít bàn nhất trong số các đội vào bán kết. Đó không phải là con số ấn tượng của một nhà đương kim vô địch, ứng viên số một và lại là đội chủ nhà. Vì thế, cũng dễ hiểu nếu có sự thất vọng nào đó dành cho thầy trò HLV Park. Phải chơi bóng ở thế cửa trên, trước các đối thủ chỉ tìm cách phòng thủ và phá lối chơi, hạn chế của Việt Nam trong việc "xuyên phá bê – tông" một lần nữa bộc lộ.
Tuy nhiên, như nhận xét của cựu HLV tuyển Thái Lan Steve Darby, Việt Nam chưa hề chệch hướng. Xét về kết quả, đội chủ nhà sở hữu thành tích tốt nhất (10 điểm), đứng đầu bảng, tránh đối thủ đáng gờm Thái Lan và không thủng lưới lần nào. Đó đều là các chi tiết được kỳ vọng trước khi SEA Games 31 khởi tranh, ngang với thành tích trên hành trình vô địch SEA Games 30 năm 2019. Vấn đề ở khâu ghi bàn có thể xem là điểm yếu, nhưng trong các trận đấu tại vòng knock-out, việc tránh để thủng lưới mới là quan trọng nhất. Với các cặp đấu ngang tài cân sức, đôi khi chỉ cần phút lóe sáng của ngôi sao là có thể quyết định kết quả. Về yếu tố này, Việt Nam hoàn toàn vượt trội khi sở hữu Đỗ Hùng Dũng và Nguyễn Hoàng Đức đang thi đấu ở trạng thái tốt nhất.
Bởi thế, gặp Malaysia có thể xem là cơ hội để thầy trò HLV Park đưa ra những câu trả lời cho những hồ nghi xung quanh họ.
Nhân dịp SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam, Báo VnExpress tổ chức cuộc thi "Khoảnh khắc SEA Games 31", kéo dài từ 12/5 đến 22/5 với giá trị giải thưởng hấp dẫn. Ảnh tham dự là những tác phẩm xoay quanh chủ đề SEA Games 31. Đó có thể là khoảnh khắc VĐV thăng hoa, vỡ òa trong thi đấu, những màn ăn mừng, cổ vũ của VĐV hay một nhân vật, câu chuyện bên lề truyền cảm hứng... Độc giả có thể gửi bài dự thi tại đây |
Song Việt