Năm 2007, sau trận tứ kết Asian Cup thua Iraq 0-2, HLV khi đó Alfred Riedl có than thở một câu trên hãng AFP, rằng "Chúng tôi thua vì... thấp quá". Đó là một lời giải thích đúng theo nghĩa đen. Iraq đánh bại Việt Nam nhờ một bàn từ đánh đầu, và bàn còn lại là sút phạt hàng rào mà các cầu thủ Việt Nam không đủ chiều cao để cản bóng. Tất nhiên, việc thua Iraq - đội sau đó lên ngôi vô địch châu Á - chẳng có gì bất ngờ. Nhưng điều mà Riedl nói, cũng không phải là không có lý. Nghĩa là, nếu cầu thủ Việt Nam to hơn, cao hơn một chút, thì với trình độ kỹ thuật tốt, đội tuyển hoàn toàn có thể tạo ra bất ngờ.
Bây giờ, sau gần 15 năm, thực ra Việt Nam vẫn... thấp. Trừ Đoàn Văn Hậu và vị trí thủ môn của Đặng Văn Lâm hay Bùi Tấn Trường, đa phần các cầu thủ còn lại đều không có thể hình tốt hơn nhiều so với thế hệ 2007. Nhưng sự thú vị nằm ở chỗ đó. Nói đúng hơn, đó là lựa chọn của bóng đá Việt Nam, vì đã có một thời gian ngắn thử giải pháp cầu thủ ngoại nhập tịch. Chưa thể khắc phục được điểm yếu mà Riedl từng tiếc nuối, bóng đá Việt Nam vẫn tiến một bước rất dài về trình độ và đẳng cấp. Điều đó cho thấy, nếu có một kế hoạch toàn diện, từ đào tạo đến đầu tư ở cấp đội tuyển, Việt Nam vẫn có thể cải thiện được thành tích, chứ không nhất thiết phải nhập tịch ngoại binh và hy vọng điều đó sẽ thay đổi được mọi thứ. Hay nói cách khác, điều quan trọng nhất là bóng đá Việt Nam phải biết mình ở đâu, để từ đó nên làm gì một cách tốt nhất. Đấy chính là điều mà trong ba tháng tới, đội tuyển cần nhìn nhận một cách chính xác nhất, trước khi bắt đầu cuộc phiêu lưu ở vòng loại cuối cùng.
Đầu tiên, cần biết rằng, dự World Cup là chuyện không bao giờ đơn giản. Trong tổng cộng 79 quốc gia và vùng lãnh thổ từng dự World Cup, có đến 20 đội chỉ mới một lần góp mặt, bao gồm Trung Quốc đông dân nhất hành tinh. Châu Á, nếu không tính Australia gia nhập sau này, chỉ có 11 đại diện từng tranh tài ở World Cup, và bốn quốc gia Nhật Bản, Saudi Arabia, Hàn Quốc, Iran chiếm đến 28 trong tổng số 34 lượt dự World Cup của châu Á. Tóm lại, có đến 85% quốc gia ở châu Á có cùng "giấc mơ World Cup" như Việt Nam. Đây cũng không đơn giản là câu chuyện liên quan đến quy mô dân số hay nền kinh tế, bởi Trung Quốc hay UAE cũng chỉ mới một lần.
Một vài còn số như vậy để thấy rằng, bất kỳ một kết quả tốt nào ở vòng loại cuối cùng mà thầy trò HLV Park Hang-seo tạo ra, cũng xứng đáng xem là kỳ tích. Năm năm trước, Thái Lan chỉ kiếm được đúng hai trận hòa sau 10 trận ở vòng loại cuối cùng. Sau đó, vì kết quả không đúng như kỳ vọng, HLV Kiatisuk Senamuang phải từ chức, khiến Thái Lan rơi vào cuộc khủng khoảng nghiêm trọng đến tận bây giờ. Đây là bài học của bóng đá Việt Nam, việc kỳ vọng quá cao, dẫn đến "đốt cháy giai đoạn" và có thể khiến nền bóng đá rơi vào trạng thái "trầm cảm" và mất động lực phát triển.
Vì thực tế cho thấy, kỳ tích thi thoảng mới xuất hiện, còn việc dự World Cup hoàn toàn dựa vào đẳng cấp, thực lực của nền bóng đá, đi kèm một loạt yếu tố mang tính mặc định như thể hình, kinh tế quốc gia, truyền thống và chất lượng con người đến từ hệ thống thi đấu nội địa. Thiếu một trong những yếu tố đó, khó có thể nghĩ đến việc dự World Cup. Trung Quốc gần như có đủ mọi yếu tố, nhưng giải VĐQG của họ rất thiếu sự ổn định, tính chuyên nghiệp, nên cầu thủ không vươn đến một đẳng cấp quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran...
Nhưng tâm thế dự vòng loại cuối cùng của Việt Nam hoàn toàn khác với Thái Lan 5 năm trước. Chúng ta có bài học của họ, và có một triển vọng để đầu tư nghiêm túc. Vòng loại cuối cùng, với Việt Nam hiện nay, không nên xem là một cuộc dạo chơi để học hỏi hay tích lũy kinh nghiệm. Khác với năm 2007, bóng đá Việt Nam hiện nay, dù không tiến bộ về thể hình, đã tiến xa về tư duy chơi bóng đỉnh cao. Trước Asian Cup 2007, Việt Nam không có những trận đấu hạng A của FIFA, chủ yếu là các chuyến tập huấn, giao hữu. Đội tuyển khi đó cũng không có kết quả tốt trước các đội hàng đầu châu Á để tăng niềm tin.
Nhưng với đội tuyển dưới tay HLV Park, việc đánh bại hay cầm hòa những đội bóng mạnh hơn chẳng còn là chuyện ngoài tầm với. Từ 2018 đến nay, Việt Nam đều tiến rất xa ở các sân chơi tầm châu lục, và trên hành trình đó, đội tuyển đã va chạm thực tế với hầu hết các đội thuộc top 20 châu Á. Có thắng, có thua, nhưng cách chơi thì rất chủ động. Đội tuyển hiện nay không còn khái niệm "chịu trận" khi gặp đội thủ mạnh hơn, mà trận thua 2-3 trước UAE là ví dụ. Có thể xem đấy là những màn "làm nóng" chất lượng cho đợt trận ở vòng loại cuối cùng.
Hơn thế, ở World Cup 2026, nhiều khả năng số đội tham dự sẽ lên đến 48. Như vậy châu Á sẽ có 7-8 suất, cũng đồng nghĩa đội bóng xếp thứ tư trong bảng đấu sáu đội ở vòng loại cuối cùng sẽ có vé vớt dự ngày hội lớn nhất hành tinh. Vươn đến top 3 thì vô cùng khó, nhưng đứng thứ tư trong sáu đội lại là một câu chuyện mang tính khả thi.
Đó chính là tâm thế phù hợp nhất với đội tuyển trong giai đoạn đấu loại cuối cùng. Nó buộc thầy trò ông Park phải tính toán nhiều hơn, có lối chơi phù hợp hơn và cũng có một mục tiêu cụ thể hơn để hướng đến kỳ giải tiếp theo. Không thể kỳ vọng Việt Nam tạo ra địa chấn, nhưng vẫn có thể hy vọng vào những kết quả đem đến cho đội tuyển những cơ sở cho tương lai. Bởi với những cầu thủ mà HLV Park đang có trong tay, vẫn có ít nhất 2/3 lực lượng hiện tại đủ khả năng chơi vòng loại World Cup 2026 sau ba năm nữa.
Song Việt