Ngày 11/5, tàu bắt đầu ngày đầu tiên của chuyến khảo sát thứ 7, thực hiện bởi Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Nga bằng tàu "Viện sĩ Oparin" để tìm hiểu tài nguyên sinh vật biển. Chuyến khảo sát thuộc "Lộ trình hợp tác trong nghiên cứu biển giai đoạn 2018-2025".
Tàu cập cảng Hải Phòng nhưng do Covid-19 đang diễn biến phức tạp, buổi lễ đón tàu được tổ chức trực tuyến. Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết, toàn bộ đoàn và các thủy thủ không vào đất liền, sẽ cách ly theo quy định khi kết thúc chuyến khảo sát.
GS.VS Châu Văn Minh và GS.VS Valentin Sergienko phát biểu trong lễ đón tàu đã nhấn mạnh vai trò hợp tác khảo sát biển trong việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đào tạo của hai Viện Hàn lâm suốt thời gian qua.
Trong lần nghiên cứu này, phía Việt Nam có sự tham gia của các nhà khoa học đến từ các đơn vị nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Phân Viện Viễn Đông.
Ở lần thứ 6 thực hiện hồi tháng 7 năm 2018, tàu nghiên cứu biển "Viện sĩ Oparin" cùng các nhà khoa học đã cập cảng Nha Trang (Khánh Hòa), khảo sát 14 ngày tại các vùng biển Việt Nam. Nhà khoa học hai nước tìm hiểu thành phần rạn san hô; sự tích lũy kim loại nặng trong động vật thân mềm và hoạt chất trong vi sinh vật biển... khai thác ở độ sâu 500 m trong điều kiện thời tiết, nhiệt độ khác nhau.
Ở lần thứ 5, thực hiện năm 2015, tàu đã đến Việt Nam khảo sát trên vùng biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận ở độ sâu 400 m.
Tàu nghiên cứu biển Viện sĩ Oparin của Viện Hàn lâm Khoa học Nga dài 75,5 m, trọng tải 2.441 tấn. Tàu có thể đi biển dài ngày, đủ không gian cho 36 nhà khoa học với 5 phòng thí nghiệm và 30 thủy thủ đoàn. Oparin còn được trang bị nhiều thiết bị hiện đại giúp lặn ở vùng biển, thu mẫu ở vùng biển sâu.