"Chúng tôi đánh giá cao việc Bộ Tài chính Mỹ xác định không có đối tác thương mại nào, trong đó có Việt Nam, can thiệp tỷ giá nhằm mục đích tác động đến cán cân thanh toán hoặc đạt lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói trong cuộc họp báo ngày 21/11.
Bà bình luận thêm rằng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đã đạt được những kết quả tốt đẹp trong thời gian qua trên cơ sở quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.
"Trong thời gian tới, cơ quan chức năng Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì hợp tác chặt chẽ, trao đổi thường xuyên và hiệu quả với Bộ Tài chính Mỹ, qua đó tăng cường hiểu biết hơn nữa, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam - Mỹ phát triển, ổn định, bền vững và đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước", người phát ngôn Phạm Thu Hằng cho biết.
Báo cáo có tiêu đề Chính sách Kinh tế vĩ mô và Ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ, được Văn phòng Vấn đề Quốc tế, trực thuộc Bộ Tài chính Mỹ, công bố ngày 14/11. Đây là báo cáo thường kỳ, được Bộ Tài chính Mỹ thực hiện mỗi 6 tháng và trình cho lưỡng viện đánh giá.
Ba tiêu chí do Bộ Tài chính nước này đưa ra khi xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại lớn gồm: thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.
Trong kỳ báo cáo này, Việt Nam và các nền kinh tế như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và Đức nằm trong "danh sách giám sát" khi có hai tiêu chí vượt ngưỡng, gồm thặng dư hàng hóa song phương và thặng dư cán cân vãng lai.
Dù vậy, báo cáo lần này kết luận không có đối tác thương mại nào can thiệp vào tỷ giá nhằm mục đích tác động đến cán cân thanh toán hoặc đạt lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế.
Phạm Giang - Thanh Danh